08/03/2008 - 09:40

Người "gởi hồn vào gỗ"

Một lần về xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú (An Giang) viếng đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành, tôi được nghe bà con nơi đây nhắc đến một người gắn bó với nghề chạm khắc gỗ ở cạnh đền thờ. Người thợ này có tài “biến” những gốc cây cổ thụ thành những tác phẩm nghệ thuật sống động. Anh tên Trần Văn Bi, ngụ ấp Tây An.

* Nối nghiệp cha

Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề chạm khắc gỗ, nhưng vì gia cảnh khó khăn, anh Bi phải đi làm thuê làm mướn lo cái ăn, cái mặc cho vợ con. Trong lúc vất vả mưu sinh, anh lại nhớ đến câu nói của người xưa “ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay”. Anh Bi thầm nghĩ: “Vậy cái nghề của cha ở đây chưa có ai làm, sao mình không phát triển?”. Từ ý tưởng đó, anh Bi dành dụm được một ít vốn, đến vùng Bảy Núi tìm gốc cây cổ thụ.

Năm 1996, anh Bi đi vào những vườn cây, ngọn núi tìm những gốc cây thau lau, giáng hương, cây quăng, bằng lăng, căm xe mang về để chạm khắc. Những người ở xóm thấy anh Bi cứ tối ngày đục đẽo những thứ mà chẳng ai “thèm” nên cũng lo ngại cho anh. Quả thật, lúc mới tập sự với nghề, anh nhìn gốc cây “chẳng ra hình dáng gì cả” mà tay nghề thì “vụn”. Nhưng được người bạn đời động viên, cùng với niềm đam mê đã ăn sâu trong tiềm thức, anh quyết tâm thực hiện cho bằng được công việc này. Nhiều đêm anh trăn trở: “Cái gốc đó dôi ra, mình phải chạm trỗ dáng hình gì cho phù hợp. Còn gốc cây có bộ rễ nhô ra tứ phía mình phải làm hình gì?”. Các câu hỏi đó được anh giải mã cụ thể qua những lần đi tham quan nhiều nơi, được tận mắt nhìn những bộ ghế, những hình thù được đặt trong các ngôi đình, chùa, hội chợ triển lãm.

Rồi nghề dạy nghề. Các sản phẩm do anh Bi làm ra dần dà cũng “bén” hơn. Nhiều người còn nhận xét: “Nhìn thật bắt mắt, kiểu dáng đẹp, trang nhã, không cầu kỳ”. Từ những khúc gỗ xù xì, qua bàn tay khéo léo của anh Bi đã hình thành biết bao tác phẩm mới với những nét hoa văn, nhiều hình dáng thú vị được khách hàng ưa chuộng. Về sau, các tác phẩm nghệ thuật của anh Bi được nhiều người biết đến không chỉ ở An Giang, mà còn lan rộng ra các nơi khác như: TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Đồng Tháp...

* “Gởi hồn vào gỗ”

Với hơn 11 năm tạo ra rất nhiều sản phẩm chạm khắc gỗ, nhưng anh Bi vẫn không đủ hàng cung cấp cho khách. Anh Bi cho biết những sản phẩm mà anh làm ra đều “gởi hồn mình trong đó” nên chọn toàn là những danh mộc quý. Đôi bàn tay chạm trỗ của người thợ thủ công Thạnh Mỹ Tây càng làm cho khúc gỗ tăng giá trị gấp bội, với những đề tài phong phú đa dạng thông qua sự rung động của tâm hồn như những nghệ sĩ tài hoa. Người nghệ sĩ muốn biểu diễn thành công thì phải chọn đề tài phù hợp, cũng như người thợ thủ công chọn gốc cây tạo dáng và chọn đề tài cho mình.

Từ những gốc cây, anh Trần Văn Bi đã tạo ra những tác phẩm độc đáo. 

Nhìn những sản phẩm làm ra, anh Bi vui vẻ nói: “Đã có người đặt hàng hết rồi, có người còn gởi tiền trước”. Nhưng để mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu khách hàng, một mình anh làm không xuể. Trong số nhiều tác phẩm của anh Bi, tôi đặc biệt chú ý bộ “Tứ hải long vương” (4 chú rồng đang bay lượn) tạo thành cái bàn trong thật bắt mắt và đẹp diệu kỳ, “Anh hùng tương ngộ” (một con đại bàng và một con hổ), bát tiên, tứ linh, long hổ hội, kỳ lân hoặc lưỡng long tranh châu (hai con rồng tranh nhau một viên ngọc quí)... Tất cả sản phẩm này được anh khắc trên cùng một thân cây không ghép nối. Nó tạo thành những hình ảnh gắn kết nhau trên một gốc cây cổ thụ (từ 70 đến 100 năm tuổi) trông rất độc đáo.

Mặc dù anh Bi đã hợp đồng làm công cho một cơ sở ở Ba Thê, Thoại Sơn gần 2 năm, với mức lương mỗi ngày 100.000 đồng, mãn hợp đồng chủ cơ sở muốn giữ chân anh lại nhưng anh quyết trở về làm “thợ nhà”. Vì theo anh làm cho ai cũng không bằng mình làm chủ mình. Từ tiền dành dụm được, anh đi sưu tầm gốc cổ thụ. Anh chỉ cho tôi xem đây là gốc cây quăng núi trên 100 năm, có bộ rễ rất đẹp. Anh Bi nói: “Việc tôi chọn mua gốc cổ thụ cũng có phần may rủi. Gốc cây nằm trong lòng đất không biết như thế nào, chỉ khi đào lên mới biết. Gốc nào rễ đẹp thì tạo dáng dễ dàng, còn gặp phải gốc cây bộ rễ ít thì mình suy nghĩ rất đau đầu để tạo ra được hình dáng đẹp”.

Theo lời anh Bi, cách đây 5 năm, những gốc cổ thụ như vầy anh được người ta cho, nhưng nay thấy được lợi thế của nó nên người ta bán với giá cao. Một gốc giáng hương trung bình cũng từ 1 triệu đồng trở lên; còn gốc cây quăng, cây thau lau, căm xe cũng từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/gốc. Nhờ chịu khó cần cù, miệt mài sáng tạo nên kinh tế gia đình anh Bi khá hơn trước rất nhiều. Anh đã sắm sửa được tiện nghi sinh hoạt trong gia đình, cất nhà, mua xe gắn máy và lo cho con gái lớn học đại học. Tuy nhiên, bây giờ anh Bi lại trăn trở: “Nhà có 2 cô con gái nhưng không đứa nào chịu nối nghiệp!”.

Bài, ảnh: PHỤNG TIÊN

Chia sẻ bài viết