07/09/2009 - 20:49

Người gầy dựng phong trào hiến máu nhân đạo

12 năm liền là ủy viên Thường vụ Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) xã Tân Thới, huyện Phong Điền, chú Nguyễn Ngọc Hòn (ở ấp Tân Nhơn, xã Tân Thới) đã vận động người dân, gầy dựng phong trào hiến máu tình nguyện rộng khắp ấp, góp phần giúp xã Tân Thới đạt thành tích nhiều năm liền đứng đầu phong trào hiến máu tình nguyện cấp huyện. Bản thân chú Hòn cũng là gương điển hình hiến máu nhiều nhất huyện Phong Điền. Tháng 6-2009, chú vinh dự được ra Hà Nội tham dự “Lễ tôn vinh người hiến máu tình nguyện 2009” do Viện huyết học truyền máu Trung ương (trực thuộc Bộ Y tế) phối hợp với Hội CTĐ Việt Nam tổ chức.

Những giọt máu nghĩa tình

Chú Hòn tâm sự: “Hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp, một lượng máu nhỏ mà chúng ta hiến tặng có thể cứu sống được mạng người. Đối với những bệnh nhân nghèo lâm vào hoàn cảnh bệnh nặng, không có điều kiện chữa trị, rất cần máu để duy trì sự sống. Từ những suy nghĩ đó, tôi rất tâm đắc với công tác hiến máu, bản thân hiến trước làm gương và vận động người thân, mọi người cùng tham gia vào công tác ý nghĩa này”.

Chú Hòn còn nhớ lần đầu tiên chú tham gia hiến máu, đó là năm 2000, khi thành phố phát động phong trào hiến máu về huyện, xã. Chú nói: “Lúc đó tôi cũng lo lắm, gia đình ngăn cản, sợ lấy máu ra bù vô không được, sợ bị bệnh như nhiều người nói. Nhưng mình đi tuyên truyền mà không thực hiện trước để làm gương thì làm sao vận động được bà con. Tôi xung phong ra hiến máu trước, khi về nhà thấy trong người bình thường, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, còn ăn ngủ ngon hơn trước. Từ đó trở đi, năm nào tôi cũng hiến máu 2-3 lần. 9 năm nay, tôi hiến được 23 lần, là kiện tướng của huyện và được công nhận là một trong những người hiến máu nhiều nhất thành phố”.

12 năm qua, chú Hòn đảm nhận nhiệm vụ Ủy viên Thường vụ Hội CTĐ xã Tân Thới. Mặc dù không có chế độ thù lao nhưng chú vẫn nhiệt tình với công tác, hết lòng vì sức khỏe bệnh nhân nghèo. Theo chú Hòn, hàng năm chỉ tiêu giao cho ấp Tân Nhơn là 20 người tham gia hiến máu, nhưng chú đều vận động được số người hiến máu vượt gấp 2 lần. Trong quý 1 năm 2009, chú Hòn đã vận động được 28 người tham gia hiến máu tình nguyện. Ông Ngô Văn Hùng, Chủ tịch Hội CTĐ xã Tân Thới, cho biết: “Đảng ủy, UBND xã rất quan tâm đến công tác hiến máu nhân đạo, đã lập kế hoạch, giao chỉ tiêu, chỉ đạo từng ấp trong việc thực hiện. Xã Tân Thới có 11 ấp thì ấp Tân Nhơn nơi chú Hòn vận động luôn dẫn đầu. Trong công tác này, khó nhất là việc tuyên truyền, nói làm sao cho người ta nghe, tin tưởng là điều không đơn giản. Chú Hòn đã làm được điều đó, tạo được cái nền cho phong trào hiến máu lan rộng, người dân tham gia hiến máu rất đông, có gia đình cha mẹ, con cháu cùng hiến và hiến nhiều lần. Chú Hòn là điển hình tiên tiến của xã, có đóng góp rất lớn cho phong trào hiến máu tại địa phương”.

Cách đây không lâu, ấp Tân Nhơn có một người dân bị viêm gan siêu vi giai đoạn cuối, khi đi khám, xét nghiệm máu chị này mới biết bệnh. Từ câu chuyện này, chú Hòn tuyên truyền về lợi ích của việc hiến máu: vừa tốt cho sức khỏe của mình (có điều kiện xét nghiệm để phát hiện bệnh, kịp thời điều trị) vừa cứu được người khác. Chú cũng lấy bản thân mình làm ví dụ, “trẻ, khỏe là nhờ hiến máu”. Bà con dòng họ hai bên gia đình chú Hòn cũng là những thành viên tích cực trong công tác này. Từ người rất sợ máu, nghe chồng vận động, vợ chú Hòn cũng đã đi hiến máu được 9 lần. Các con của chú năm nào cũng đồng hành cùng cha đi hiến máu cứu người.

Chú Nguyễn Ngọc Hòn và vợ - người bạn đồng hành của chú trong hành trình hiến máu tình nguyện. Ảnh: K.C 

Với những đóng góp của mình, chú Hòn đã nhận được nhiều bằng khen, huy chương cao quý của thành phố, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam. Tháng 5-2009, chú Nguyễn Ngọc Hòn được Ban Dân vận Thành ủy Cần Thơ tặng giấy khen và Huy hiệu “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cũng trong dịp này, chú vinh dự được chọn đi dự “Lễ tôn vinh người hiến máu tình nguyện 2009” tại Hà Nội.

Dạy con bằng tấm gương cha mẹ

Chú Hòn tính tình vui vẻ, bộc trực, từ dáng dấp đến giọng nói, tính cách của chú nhìn rặt nông dân. Chú sinh năm 1954, ở xã Tân Thới, là con thứ hai trong gia đình 9 anh em. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên học tới lớp 7, chú phải nghỉ ở nhà làm vườn tiếp cha mẹ, nuôi các em ăn học. Chú nhớ lại: “Thời đó khổ không kể xiết, tôi đi làm thuê tứ xứ, đủ mọi nghề để kiếm sống. Cũng từ khó khăn mà mình bền sức chịu đựng, có chí tiến thủ, vươn lên”. Năm 1976, sau khi cưới vợ, chú đi bộ đội. Năm 1979, chú xuất ngũ, vợ chồng chú được cha mẹ cho ra riêng với 2 công đất vườn. 4 đứa con lần lượt ra đời, gánh mưu sinh càng trĩu nặng. Năm 1980-1983, chú Hòn tham gia công tác công an xã Tân Thới, từ 1984-1989 chú được điều về làm công an ấp Tân Nhơn. Dù vất vả lo cái ăn, nhưng chú vẫn làm tròn trách nhiệm của mình. Nhờ siêng năng làm lụng, tích cóp từ từ, vợ chồng chú tạo dựng thêm đất đai, cho con học hành đàng hoàng. Năm 1990, khi 3 đứa con lớn ra Cần Thơ học trung cấp, chú Hòn xin nghỉ làm công tác ở ấp, ở nhà chăn nuôi, trồng rẫy phụ vợ lo cho con. Nguyễn Tấn Kiệt, con trai út chú Hòn, kể: “Cha mẹ nói bằng mọi giá phải cho con ăn học thành tài để có tương lai, thoát khỏi cảnh nghèo của cha mẹ. Thấu hiểu sự hy sinh đó, chúng em bảo ban nhau cố gắng học, mỗi ngày lội bộ hàng mấy cây số để đến trường, mưa gió cỡ nào cũng không dám nghỉ. Ngoài giờ học, chúng em tiếp cha mẹ lo ruộng rẫy. Nhà nghèo nhưng hạnh phúc lắm!”. 3 người con lớn của chú Hòn đã tốt nghiệp trung cấp, có gia đình ra riêng, kinh tế khá giả, con trai út Tấn Kiệt hiện là sinh viên năm cuối Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh.

Năm 1997, khi con cái yên ổn chuyện học hành, chú Hòn tham gia công tác xã hội ở Hội CTĐ xã Tân Thới cho đến nay. Không chỉ là kiện tướng trong lĩnh vực hiến máu, chú Hòn còn là một mạnh thường quân của ấp, thường xuyên tài trợ và đi vận động gây quỹ cất nhà tình thương, làm đường, giúp học sinh nghèo hiếu học, vận động học sinh ra lớp, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn có điều kiện chữa bệnh. Hiện chú Hòn là Phó Chủ tịch Hội cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Lộ Vòng Cung xã Tân Thới, hễ thấy học sinh nào gặp khó khăn trong việc học, chú đều tìm cách giúp đỡ. Lúc trước, cuộc sống bà con khu Rạch Chùa ấp Tân Nhơn rất khó khăn, mùa màng thường thất bát, con cái học hành dở dang. Chú Hòn mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên vườn nhà chú trúng mùa, được giá. Chú chia sẻ kinh nghiệm với bà con, một số người theo cách làm ăn của chú đã vươn lên ngưỡng khá, có điều kiện đầu tư cho con ăn học, theo đó tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt.

Trong ngôi nhà rộng rãi, thoáng mát, gian bếp sạch sẽ, hôm chúng tôi đến, cô Phan Thị Mai, vợ chú Hòn, đang làm cơm trưa. Cô Mai vẫn còn rất đẹp, trẻ hơn nhiều so với tuổi 50 của mình. Hiện vợ chồng cô chú coi sóc gần 20 công đất vườn kết hợp chăn nuôi. Kinh tế đã “dễ thở” hơn trước nhưng cô chú vẫn giữ nếp sống giản dị như ngày nào: tiết kiệm bằng cách không xài bếp ga, tận dụng củi trong vườn nhà để nấu ăn, bữa ăn sáng của vợ chồng chú Hòn thường là cơm hấp, mì gói vì “ăn sáng ngoài tiệm tương đương với mấy cuốn tập cho tụi nhỏ”. Thời khóa biểu một ngày của chú Hòn không thay đổi, 4 giờ sáng đã thức thăm vườn, sau đó ra ủy ban xã. Thấu hiểu ý nghĩa của những việc chồng làm, cô Mai ủng hộ hết lòng, tình nguyện đứng về phía sau hỗ trợ cho chồng, động viên các con noi gương cha làm việc thiện. Cô Mai khoe 33 năm sống với nhau đúng nghĩa chia ngọt sẻ bùi, không hề có chuyện rầy rà, to tiếng. Con cái cũng nhìn vào nếp nhà đó mà hòa thuận, thương yêu nhau hơn. Bà con lối xóm kể lại, cô Mai là con dâu đảm đang, vén khéo, rất giỏi chuyện bếp núc, là người mẹ hết mực vì chồng con. Cha mẹ chú Hòn nay đã trên 80 tuổi, còn khỏe mạnh, vợ chồng chú Hòn và anh em, con cháu trong nhà ở cạnh bên, thay nhau chăm sóc chu đáo.

* * *

Niềm vui của vợ chồng chú Hòn ngoài con cái thành đạt, hiếu thảo, là góp sức cho công tác xã hội tại địa phương. Chú Hòn chia sẻ: “Làm công tác xã hội thì không nói suông, phải đi vào những việc cụ thể hàng ngày. Kinh tế của tôi hiện giờ tạm đủ để san sẻ với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Tôi hạnh phúc vì những đóng góp của mình mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Sắp tới, tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về việc hiến máu sâu rộng hơn để ai cũng hiểu và có thể tham gia vào nghĩa cử cao đẹp này. Còn tôi, sẽ cùng vợ con tiếp tục hiến máu cho đến khi nào không còn sức nữa thì thôi”.

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết