21/08/2020 - 21:30

Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Phải nêu cao vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu mới tạo ra được chuyển biến tích cực. Trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công phải kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2020 cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và cá nhân có liên quan.

Bộ KH&ÐT công khai tình hình giải ngân vốn đầu tư công của từng bộ, từng cơ quan Trung ương và địa phương trên các trang điện tử của Chính phủ, Bộ KH&ÐT, Bộ Tài chính và phương tiện thông tin đại chúng. Ðơn vị nào làm tốt phải biểu dương, làm chậm phải phê phán, đấu tranh.

Các cấp, các ngành chỉ đạo tuyên truyền các chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật đối với đầu tư công, tạo sự đồng thuận xã hội, tạo quyết tâm mới cho các bộ, ngành địa phương, chủ đầu tư dự án thực hiện quyết liệt các giải pháp để giải ngân hết số vốn đầu tư công năm nay để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sáng 21-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương về đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Hội nghị đã xác định nhiệm vụ chính trị trọng tâm, then chốt từ nay đến cuối năm là giải ngân hết vốn đầu tư công để góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; lấy kết quả giải ngân làm căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)

►Tháo gỡ các nút thắt

Trong 8 tháng năm 2020, tác động của dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế thế giới đến nền kinh tế nước ta là khá toàn diện. Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nặng nề, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm; một số ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh bị đình trệ… Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công được xem là giải pháp tích cực để hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế - xã hội. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT) Nguyễn Chí Dũng, sau hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc vào ngày 16-7, Chính phủ đã tổ chức 7 đoàn công tác làm việc tại các bộ, địa phương nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công. Qua đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến tích cực so với những tháng đầu năm, đặc biệt là khối địa phương. Kết quả 7 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả nước so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt 40,98%, tương đương với số vốn giải ngân là 193.040 tỉ đồng (không bao gồm số vốn các năm trước kéo dài sang năm 2020).

Việc giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân, như: công tác lập kế hoạch vốn đầu tư ngân sách Trung ương chưa sát với khả năng giao vốn và khả năng giải ngân vốn trong thực tế, dẫn đến không phân bổ hết số vốn kế hoạch; nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn so với khả năng giải ngân. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và là nút thắt lớn đối với việc triển khai các dự án đầu tư công. Các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 do ảnh hưởng từ khâu nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đến việc huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài… nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Hội nghị giao ban lần này nhằm xác định những tồn tại, hạn chế cần khắc phục từ nay đến cuối năm như: việc giao kế hoạch vốn còn bất cập; công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhiều nơi thực hiện chậm, đây là nút thắt lớn cần tháo gỡ, chính quyền địa phương phải vào cuộc giải quyết. Quy trình thủ tục đầu tư xây dựng, thanh quyết toán còn phức tạp, nhiều nơi cán bộ, công chức, chủ đầu tư còn thiếu trách nhiệm; không loại trừ việc chậm trễ do nguyên nhân lợi ích nhóm… Do đó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới 30%, đặc biệt là các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15% cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh, có biện pháp cụ thể thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân. Thủ tướng đặt ra hàng loạt câu hỏi: vì sao có nơi làm tốt có nơi không giải ngân được, do công tác chuẩn bị đầu tư hay do người đứng đầu chưa thực sự vào cuộc, hay nhà đầu tư yếu kém, hay cán bộ quản lý, ban quản lý dự án yếu kém để các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương giải đáp.

►Quyết liệt vào cuộc

Về phía các địa phương cũng thể hiện quyết tâm tập trung nguồn lực cho công tác đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2020.

Đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ (thứ 2 từ phải sang) cùng đồng chí Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND thành phố (bìa trái), trực tiếp khảo sát hiện trường, tháo gỡ khó khăn cho dự án Đường nối Cách mạng Tháng 8 đến đường tỉnh 918. Ảnh: ANH KHOA

Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh, thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy, trực tiếp là Bí thư Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HÐND, Chủ tịch UBND thành phố liên tục chỉ đạo các cấp ủy đảng, các sở, ban ngành, quận, huyện, toàn bộ hệ thống chính trị thành phố dồn sức giải quyết các vướng mắc, tháo gỡ các khó khăn, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng để có mặt bằng triển khai các công trình thi công trên địa bàn. TP Cần Thơ cũng đưa ra nhiều chương trình hành động, kế hoạch thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng đưa chỉ tiêu về giải ngân vốn đầu tư công vào chỉ tiêu quan trọng để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm đối với người đứng đầu các đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án. Các đồng chí Thường trực Thành ủy, lãnh đạo UBND thành phố liên tục đi kiểm tra thực tế tại các công trình, trực tiếp chỉ đạo giải quyết tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tại hiện trường. Trong tháng vừa qua, TP Cần Thơ đã tiến hành xử phạt, chấm dứt hợp đồng một số nhà thầu cố tình dây dưa không triển khai công tác xây lắp. Ðồng thời tiến hành ra các quyết định điều chuyển vốn từ các dự án không khả năng triển khai hoặc triển khai chậm sang các dự án có khả năng triển khai tốt hơn.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc bố trí vốn và đảm bảo đủ điều kiện để giải ngân vốn. Bộ cũng xác định các dự án về giao thông phải qua công tác giải phóng mặt bằng. Do đó, Bộ bám sát chặt chẽ với các địa phương để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong công tác này. Bộ Giao thông vận tải cũng báo cáo Chính phủ, thông qua các bộ, ngành nhất là Bộ KH&ÐT, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường là những bộ gắn liền với công tác xây dựng cơ bản và có sự phối hợp hết sức chặt chẽ để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc. Ðồng thời, tập trung chỉ đạo chặt chẽ các nhà thầu, trong các hợp đồng có điều khoản ràng buộc, xử phạt rõ ràng, cụ thể trong trường hợp nhà thầu chậm tiến độ sẽ xử lý ngay. Bộ cũng phấn đấu đến cuối tháng 9 sẽ giải ngân đạt 66%. Cam kết toàn bộ nguồn vốn ngân sách nhà nước và Trái phiếu Chính phủ sẽ được giải ngân 100% vào cuối năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Với tinh thần quyết tâm giải ngân hết số vốn đầu tư công năm nay, hơn 630.000 tỉ đồng. Hiện chỉ còn hơn 4 tháng nữa để hoàn thành mục tiêu này, nhiệm vụ rất nặng nề là phải giải ngân hết số vốn đầu tư còn lại với khoảng 350.000 tỉ đồng. Ðây là nguồn vốn quan trọng để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng yêu cầu các địa phương huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp, các ngành trong năm 2020, là nhiệm vụ trực tiếp của người đứng đầu các bộ, ngành địa phương. Các đồng chí bí thư thành ủy, tỉnh ủy phải trực tiếp chỉ đạo; các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành của địa phương các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ về việc giải ngân hết số vốn kế hoạch được giao.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, ước giải ngân vốn đầu tư công đến 31-8 là 221.768,74 tỉ đồng, đạt 47% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Theo đó, vốn ngân sách Trung ương đạt 37,8% kế hoạch  và vốn ngân sách địa phương đạt 55,1% kế hoạch. Đến nay, có 5 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%. Tuy nhiên, có 29 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%. Trong đó, có 15 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15%.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết