Cách nay không lâu, tôi hân hạnh được theo chân Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962 về thăm lại vùng kháng chiến cũ Ngọc Hiển - Cà Mau. Tuy đã quá cái tuổi “cổ lai hy” nhưng Đại tá Khưu Ngọc Bảy vẫn nhớ từng chuyến tàu cặp bến, từng con người trong mỗi trận đánh. Trong đó, nhân vật được ông nhắc nhiều nhất là Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Bông Văn Dĩa, một trong những người đầu tiên mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong cuộc hải trình lịch sử đó, mặc dù hành trang mang theo chỉ có “Bảy con người và một con tàu gỗ. Tấm bản đồ Việt Nam xé ra từ trang sách vỡ lòng”(1) nhưng ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường cho đoàn tàu không số vào bến bãi Cà Mau an toàn, được Bác Hồ khen ngợi(2).
Con gái và con rể của anh hùng Bông Văn Dĩa tại ngôi nhà của ba.
Ngọc Hiển - vùng đất nằm tận cùng phía Nam Tổ quốc, là một trong những căn cứ cách mạng trọng yếu của Tỉnh ủy Cà Mau và cả khu Tây Nam bộ qua các thời kỳ đấu tranh giành độc lập của cách mạng ta. Thời chống Mỹ cứu nước, địch đã cắt tuyệt đường tiếp tế gạo và nước uống đến khu vực này. Trước tình hình đó, Trung ương quyết định mở hai tuyến đường huyết mạch: đường Hồ Chí Minh qua dãy Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh trên biển nhằm đẩy mạnh đấu tranh chính trị và vũ trang trên khắp ba vùng chiến thuật, đặc biệt là tổ chức các con tàu vượt biển ra Bắc để nhận vũ khí đưa về chi viện cho chiến trường miền Nam.
Thành lập năm 1962, Đoàn 962 (tiền thân của Trung đoàn 962) là đơn vị hải quân hoạt động trên địa bàn vùng duyên hải từ Cà Mau đến Bà Rịa, có nhiệm vụ xây dựng các bến bãi, đón hàng quân sự từ các chuyến tàu không số; cất giữ, vận chuyển, giao hàng cho chiến trường Nam bộ, Đông Nam bộ. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, Trung đoàn 962 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và 167 huân, huy chương các loại. |
Trước nhiệm vụ mở đường quan trọng, ông Bông Văn Dĩa - chiến sĩ cách mạng kỳ cựu của Ngọc Hiển từ thời kỳ tiền khởi nghĩa, trong những năm chống Pháp đã đưa nhiều con tàu của cách mạng vượt biển đến Thái Lan để mua vũ khí - được cử làm thuyền trưởng kiêm bí thư chi bộ cùng đoàn thủy thủ gồm 7 người xuất phát từ bến Cá Mòi - Cà Mau thẳng tiến ra Bắc bằng tàu gỗ 10 tấn, vào tháng 8-1961. Sau những ngày vật lộn với sóng gió, tàu của ông đã cập bờ biển Quảng Bình và được gặp đồng chí Lê Duẩn đang công tác tại đây, báo cáo tình hình ở miền Nam. Tại miền Bắc, sau một thời gian học tập, ông được trung ương chỉ định quay về Cà Mau dò đường và chọn bến bãi để chuẩn bị tiếp nhận vũ khí, hàng hóa.
Nhận nhiệm vụ, ông Bông Văn Dĩa chỉ huy thuyền đi chuyến trinh sát mở đường từ Bắc vào Nam, cập bến an toàn tại Vàm Lũng vào tháng 4-1962; sau đó trở ra Bắc vào tháng 7-1962. Vốn xuất thân trong gia đình ngư dân và trải qua nhiều năm tôi luyện, dần trưởng thành trong chiến đấu; lại thêm thông thạo nhiều cửa sông, luồng lạch, bến bãi, ông đã báo cáo việc chọn Vàm Lũng, rạch Kiến Vàng thuộc xã Tân An, Ngọc Hiển làm nơi tiếp nhận vũ khí vì nơi đây có nhiều ưu thế chiến lược, xung quanh tiếp giáp với khu rừng già, kinh rạch chằng chịt.
Sau khi việc chuẩn bị quay về Cà Mau hoàn tất, ông được bầu làm Bí thư chi bộ kiêm chính trị viên; cùng với thuyền trưởng Lê Văn Một điều khiển con tàu Phương Đông I (khởi hành vào tháng 10-1962) - con tàu đầu tiên chở vũ khí từ miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa về Vàm Lũng - mở đường cho các tàu Phương Đông II, III và IV tiếp tục vào bến an toàn. Ngay sau chuyến tàu đầu tiên, tàu của ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng II và cá nhân ông cũng được tặng Huân chương Quân công hạng III.
AHLLVT Bông Văn Dĩa (thứ 3 từ phải qua) ảnh chụp chung với các lãnh đạo. Ảnh: Tư liệu
Sau chuyến mở đường thành công, ông Bông Văn Dĩa được chọn tham gia thành lập Đoàn 962 vào tháng 9 năm 1962 do ông Tư Đức làm Trưởng đoàn, ông làm Phó đoàn. Vừa nhận nhiệm vụ, ông đã bắt tay xây dựng căn cứ, cùng đồng đội nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều cách đánh tàu Mỹ độc đáo khiến địch bất ngờ. Đồng thời ông đã tích cực tổ chức bến bãi, kho tàng và vận chuyển vũ khí. Thời gian này, địch liên tiếp mở nhiều chiến dịch càn quét và khủng bố ác liệt đến nỗi “Những cánh rừng mang đầy vết đạn. Cả ngọn gió cũng tanh mùi thuốc súng”(3). Ngay những lúc khó khăn ác liệt nhất, anh em trong Đoàn vẫn kiên trì giữ vị trí, đêm thức trắng, ngày mắc võng giữa rừng, ăn uống kham khổ, như lời soạn giả Trọng Nguyễn cũng có lần chia sẻ qua câu hát “Cất nước từng lon. Đói ăn trái mắm…”. Đại tá Khưu Ngọc Bảy vừa tự hào vừa xúc động chia sẻ: “Mỗi chuyến tàu là một thử thách, đặc biệt là giai đoạn bốc hàng, dọn hàng và vận chuyển, khâu nào cũng có dấu ấn sâu đậm của anh hùng Bông Văn Dĩa”.
Khi chiến tranh kết thúc, ông luôn giữ vững tinh thần bộ đội Cụ Hồ trong xây dựng quê hương cho đến lúc qua đời năm 1983. “Ông tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân; nêu gương đức độ, không bao giờ nghĩ đến quyền lợi riêng tư. Nhiều đồng đội ở Đoàn 962 xem ông như thần tượng, người chiến sĩ cách mạng kiên trung và gương mẫu”- Đại tá Khưu Ngọc Bảy nói. Niềm tự hào lớn nhất của Đoàn 962 là nhiều cán bộ chiến sĩ trung kiên cũng noi gương các thế hệ mở đường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
* * *
Chuyến đi kể trên cùng Đại tá Khưu Ngọc Bảy, chúng tôi được ghé thăm nhà và thắp nén nhang trên bàn thờ người anh hùng Bông Văn Dĩa. Chị Bông Thị Ưa, con gái của ông kể: “Hồi ba tôi làm cách mạng, lúc bị giặc chặn đường tiếp tế, phải nhai lúa cho bụng đỡ cào, ba tôi vẫn tuyên bố như đinh đóng cột: Ba không thể xa Đảng con à!”. Với lòng trung thành, ý chí tiến công cách mạng, tài thao lược và những thành tích vẻ vang, ông xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Bông Văn Dĩa sinh ra trong một gia đình ngư dân nghèo xóm Rạch Gốc (cũ) làng Tân Ân (cũ) huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ông được thầy giáo, nhà báo, nhà cách mạng Phan Ngọc Hiển giác ngộ và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1940. Ngày 12-12-1940, ông được giao nhiệm vụ đến Hòn Khoai trao Nghị quyết khởi nghĩa đến ông Phan Ngọc Hiển, tổ chức thắng lợi cuộc khởi nghĩa trên đảo Hòn Khoai. Sau khởi nghĩa, ông bị thực dân Pháp kết án khổ sai đày đi Côn Đảo, tổ chức nhiều cuộc vượt ngục, đưa chiến sĩ về đất liền. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), ông luôn được Ðảng tin cậy giao tiền, vàng cùng đồng đội tổ chức nhiều chuyến tàu vượt biển qua Thái Lan, mua và sản xuất vũ khí; vận chuyển về phục vụ chiến trường. Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, ông có công đầu trong việc đi tiền trạm mở con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển từ Nam ra Bắc. Ông tổ chức đón tiếp hàng chục chuyến tàu chở vũ khí từ Bắc vào Nam; giữ tuyệt đối bí mật bến bãi, kho tàng và tiếp nhận hàng ngàn tấn vũ khí, quân trang quân dụng. Sau đó tổ chức vận chuyển phân phối về khắp các chiến trường miền Tây và miền Ðông Nam bộ. Tháng 6-1967, Ðảng và Nhà nước tổ chức lễ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho ông, đồng thời tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì.
Nguồn http://www.camau.gov.vn
|
---------------------------
(1) (3) Trích trường ca của Khưu Ngọc Bảy
(2) Theo Nguyệt san Quân đội nhân dân, số ra tháng 4-1999
Nguồn tư liệu:
- Đoàn 962 anh hùng (Ký ức và ghi chép, tập 2) - Nhiều tác giả - NXB Phương Đông, 2008.
- Trích Hồi ký của Thượng tá Bông Văn Dĩa
Nhân chứng lịch sử:
* Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962
* Đại tá Trần Tuyên Ngôn, chuyên trách hậu cần Đoàn 962
* Ông Nguyễn Công Trực, nguyên bí thư xã Tân Ân.
* Bà Phan Thị Thu, người nuôi chứa chiến sĩ Đoàn 962.
* Bà Nguyễn Anh Nguyệt, y sĩ nữ đầu tiên của Trung đoàn 962.
Hoài Phương