04/03/2019 - 10:19

Ngọn lửa nhỏ 

Nhóm lên ngọn lửa nhỏ, TS Nguyễn Văn Kiền, thành viên Quỹ Mekong, trở về từ Australia đã đề xuất thành lập Mekong Organic Team, cho biết: Sau ngày ra mắt (14-1-2019) tại Trường Ðại học An Giang, các chuyên gia tiếp tục tổ chức hội thảo ở Myanmar. “Tại đây, chúng tôi được chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn lúa mùa nổi theo mô hình An Giang. Myanmar vẫn duy trì trên 740.000ha lúa mùa nổi”, PGS. TS Yiyi Cho, Myanmar, cho biết.

Các chuyên gia chia sẻ cách ứng dụng            Sản phẩm từ mô hình lúa - tôm 
Smartphone trong mô hình tôm - lúa.                được chứng nhận hữu cơ. 

Lúa mùa nổi từng được xem là “lúa ma”, theo TS Nguyễn Văn Kiền, đó là nguồn gen quý của dòng hòa thảo vượt nước và là vùng nguyên liệu tuyệt nhiên không dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Tại Việt Nam, Nhóm Mekong Organic hy vọng khôi phục khoảng 40.000ha đất ngập nước có tiềm năng phục tráng lúa mùa nổi và mở cánh cửa nhìn ra cánh đồng tôm - lúa  trên 150.000ha.

PGS.TS Paul Erik Kristiansen, Đại học New England, ông Mark Anderson, CEO Hội Nông nghiệp bền vững quốc gia Australia (NASAA), ông Alan Broughton, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Australia (OAA) nói rằng chúng tôi bắt đầu tuần lễ chia sẻ cách tổ chức sản xuất, chứng nhận sản phẩm hữu cơ và đây là nền tảng nhận thức có thể chia sẻ.

“Trước hết hãy dừng hủy hoại đất trước khi nói về tương lai nông nghiệp hữu cơ”, ông Alan Broughton, Phó Chủ tịch OAA, nói: Vùng Gippsland, Victoria, Đông Melbourne, đã từng làm như vậy. 

“Kinh nghiệm phát triển hữu cơ ở Australia từ những năm 80 thế kỷ trước có thể là bài học cho Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực tiêu chuẩn và chứng nhận”, TS Paul Erik Kristiansen, nói. Việc cấp chứng nhận phải khuyến khích quy trình sản xuất mới, phải tập trung đào tạo kiểm soát viên, duy trì kiểm tra và cập nhật những thay đổi trong nước và quốc tế. Nếu không, tuy có tiêu chuẩn- chứng nhận nhưng không theo kịp những rào cản. Giải pháp khắc phục khó khăn là xem xét chuỗi cung cấp và tăng cường nguồn thông tin hữu ích. Trong đó cần cho mọi người thấy bất lợi khi lượng thuốc BVTV sử dụng tại Việt Nam quá cao so Thái Lan hay những quốc gia khác, phải nói cho mọi người biết  nhu cầu sản phẩm organic tăng trên phạm vi toàn cầu, yêu cầu truy xuất nguồn gốc là công bằng và khi thông tin về sản xuất hữu cơ tới người tiêu dùng còn thấp thì phải minh bạch để tăng lòng tin. Theo ông, nếu chỉ kiểm soát xuất khẩu mà không kiểm soát thị trường nội địa và khi kiểm soát thị trường nội địa lại không tạo sự hài hòa thương mại toàn cầu, không cân bằng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, không thấy thách thức của việc cấp chứng nhận và sự bảo đảm công bằng và khả năng tiếp cận cũng như sự duy trì tính pháp lý và uy tín… mọi thứ sẽ là thách thức gay gắt hơn.

Ông Mark Anderson, chia sẻ: Các tổ chức sản xuất hữu cơ ở Australia lấy nền tảng Liên đoàn quốc tế về phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM), nói rõ việc làm dịch vụ và hỗ trợ (hỗ trợ công nghiệp và cung cấp thông tin cho nông nghiệp) là hết sức quan trọng.

Sẽ có nhiều lựa chọn khi chứng nhận, thông thường các tổ chức chứng nhận tạo mốc thời gian, ví dụ thời gian là 3 năm, nhưng nếu họ làm tốt trong một năm thì sẽ rút ngắn thời gian chứng nhận. Australia khuyến khích chứng nhận theo nhóm gồm những nhà sản xuất được tổ chức trong cùng một hệ thống.

IFOAM công nhận tiêu chuẩn PGS trước khi Việt Nam định hình tiêu chuẩn hữu cơ. Trước đó, các tổ chức chứng nhận giúp Việt Nam nguồn nhân lực hướng tới chứng nhận chuẩn mực, các cơ quan định chuẩn và cấp code xuất khẩu, đóng gói… Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong nước, ngay khi cấp code xuất khẩu, các cơ quan có trách nhiệm thường lưu ý mỗi code có quy mô 10ha. Rất tiếc, việc xây dựng lại theo “đốm da beo”! Nếu các địa phương xây dựng nhiều mô hình có cùng quy mô thì việc chứng nhận, huấn luyện gia tăng nhận thức, năng lực sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

“Vẫn còn quá nhiều việc để làm, nào là ý tưởng liên kết tiêu thụ nông sản, giao hàng tận nhà (door to door), nông nghiệp chính xác (precision agriculture), chợ phiên (seasonal market), giáo dục nông nghiệp và hành vi người tiêu dùng (consumer behavior)... khi được đưa ra thảo luận tại buổi ra mắt đầu tiên của Nhóm Mekong Organic gồm Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang”, Nguyễn Hoàng Khang, theo học ngành Nông nghiệp bền vững từ Canada trở về tham gia nhóm, cho biết.

“Đó là một nhóm nhỏ của Mekong Organic Team”, Khang nhận xét cuộc họp đầu tiên: Phải nói là hay vì có đủ mặt thành viên dũng cảm bước ra ngoài vùng comfort zone (an toàn) của mình để dám nói, chia sẻ, cãi, cười với nhau, nhưng chưa “quá đã” khi nhiều vấn đề cần phải bàn sâu hơn chút nữa. Nhưng mọi người hiểu con đường vẫn còn dài phía trước, ta cứ bước đi thôi. Từ đây ngọn lửa nhỏ đã được thắp lên...

Bài, ảnh: Châu Lan

Chia sẻ bài viết