19/01/2011 - 10:16

SÂN BÓNG ĐÁ CỎ NHÂN TẠO

Ngày càng "hút" khách

Các bạn trẻ đang tham gia đá bóng tại cụm sân cỏ nhân tạo Trung tâm TDTT TP Cần Thơ.

Bóng đá là môn thể thao thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Gần đây, môn thể thao này được các cấp ở nhiều địa phương chú trọng đầu tư về nhiều mặt, trong đó, hiệu quả nhất là lĩnh vực đầu tư, phát triển sân bóng đá làm bằng cỏ nhân tạo. Ở thành phố Cần Thơ, mô hình này hoạt động chưa tròn 2 năm nhưng ngày càng được các bạn trẻ ưa chuộng và không ngừng được nhân rộng...

Theo thống kê, hiện tại, TP Cần Thơ có khoảng hơn 20 sân bóng làm từ cỏ nhân tạo đang hoạt động. Nguyên liệu chính để làm ra loại cỏ này là sợi nilon (nhập từ Ý, Pháp, Trung Quốc), sau đó thuê các công ty chuyên nghiệp ở TP Hồ Chí Minh về trải. Với diện tích khoảng 1.000m2, một sân bóng đá dạng này có kinh phí đầu tư khoảng 400 - 500 triệu đồng (bao gồm cả lưới, khung thành, bóng...). Ngoài mục đích phục vụ các đội thể thao tập luyện và thi đấu; nhận huấn luyện, đào tạo vận động viên bóng đá các lứa tuổi và tổ chức các giải bóng đá... Tuy nhiên, số lượng này chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người đam mê thể thao, nhất là giờ cao điểm. Mỗi ngày, cụm sân bóng đá cỏ nhân tạo Trung tâm Thể dục Thể thao (TDTT) TP Cần Thơ (đường Lê Lợi, quận Ninh Kiều) đón khoảng 400 – 500 lượt khách thuê sân; sân Nhất Long (đường Hoàng Quốc Việt, quận Ninh Kiều) 150 – 200 lượt khách; sân Minh Nhật (khu dân cư Nam Long, quận Cái Răng) 100 – 150 lượt khách... Về hiệu quả hoạt động, anh Đinh Viết Khoa, một cổ đông trúng thầu quản lý, khai thác cụm sân bóng đá cỏ nhân tạo Trung tâm TDTT TP Cần Thơ, cho biết: “So với tháng đầu hoạt động, hiện lượng khách thuê sân tăng khoảng 15%. Việc kinh doanh khá thuận lợi nên chúng tôi đảm bảo trả lợi nhuận cho các thành viên góp vốn, trả lương hơn 40 nhân viên và bắt đầu có lời”.

Đối tượng của loại hình sân bóng đá này chủ yếu là sinh viên, học sinh, cán bộ, công nhân viên chức... Anh Lê Khải Hoàn, một người dân sống ở quận Ninh Kiều, tâm sự: “Tôi thường đi làm khoảng 17 giờ 30 mới về tới nhà, ăn cơm xong khoảng 18 giờ 30, nhiều lúc “thèm” đá banh lắm nhưng không sao đá được. Từ khi sân bóng loại này xuất hiện ở Cần Thơ tôi thích thú vô cùng”. Với những ưu điểm vượt trội, sân bóng đá làm từ cỏ nhân tạo ngày càng được giới trẻ yêu thích. Nếu sân cát bị hạn chế về ánh sáng, không thể đá ban đêm được thì sân bóng đá cỏ nhân tạo hoàn toàn khắc chế được nhược điểm này bằng hệ thống đèn chiếu sáng rất hiện đại. Mở cửa từ 6 giờ nhưng đắt khách nhất là bắt đầu từ 17, 18 giờ. Người chơi có thể đá đến 22 giờ, thậm chí hơn nữa nếu đã đặt chỗ trước.

Một lý do khác khiến sân bóng đá làm từ cỏ nhân tạo ngày càng hút khách là giá thuê sân khá hợp lý. Tại sân bóng Trung tâm TDTT TP Cần Thơ, giá thuê sân từ 6 – 16 giờ, 150.000 đồng/giờ; từ 16 – 21 giờ, 220.000 đồng/giờ, từ 21 giờ trở lên, 150.000 đồng/giờ. Nếu là sinh viên, học sinh sẽ được giảm giá: sân Nhất Long, Trung tâm TDTT TP Cần Thơ giảm 20%; sân Minh Nhật 5%... Bạn Cao Thịnh Vượng, sinh viên khóa 35, Trường Đại học Cần Thơ, nói: “Với mức giá như vậy nghe thì nhiều nhưng chia cho cả đội (10 – 14 người) thì mỗi người chỉ tốn khoảng 15.000 – 20.000 đồng. Giá này với sinh viên chúng tôi có thể chấp nhận được”. Sinh viên, học sinh đến đây ngoài việc vui chơi, giải trí các bạn còn có dịp để làm quen, kết bạn. Ông Nguyễn Hữu Hùng, cựu tuyển thủ đội bóng TP Cần Thơ, hiện là Quản lý cụm sân cỏ nhân tạo Trung tâm TDTT TP Cần Thơ, bộc bạch: “Sân bóng này được Trung tâm TDTT TP Cần Thơ đầu tư xây dựng, chủ yếu đáp ứng cho nhu cầu giải trí, thỏa mãn niềm đam mê thể thao của người dân. Nhiều lúc tôi còn khuyên người chơi tìm sân nào gần nhà, khỏi phải đi đến đây cho xa xôi”. Còn theo ông Lê Văn Hai, Quản lý sân bóng Nhất Long: “Trên thực tế, giá cả giữa các sân thì không chênh lệch nhiều, chủ yếu phục vụ khách quen và không cần dùng “chiêu” gì để lôi kéo khách”.

Ngoài những dịch vụ trên, các sân bóng đá làm từ cỏ nhân tạo tại TP Cần Thơ còn cho các trường học, cơ quan, xí nghiệp, đoàn thể thuê sân để tổ chức hội thao, giao lưu bóng đá... Hè năm nào cụm sân bóng Trung tâm TDTT TP Cần Thơ cũng tổ chức các lớp dạy những kiến thức, kỹ năng về bóng đá cho sinh viên, học sinh... Đây cũng là dịp phát hiện và đào tạo những “cầu thủ nhí” cho thành phố. Về định hướng trong tương lai, theo ông Nguyễn Huy Thực, Giám đốc Trung tâm TDTT thành phố Cần Thơ, mô hình sân bóng đá cỏ nhân tạo đang hoạt động khá hiệu quả ở TP Cần Thơ, phù hợp với chủ trương xã hội hóa TDTT của Nhà nước. Loại sân này bền, không mất chi phí bảo dưỡng, sử dụng được trong mọi điều kiện thời tiết. Trong chiến lược đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất của ngành TDTT thành phố, loại hình sân bóng đá này sẽ được ưu tiên phát triển.

CHÍ LIÊM - MỸ THANH

Chia sẻ bài viết