04/01/2017 - 21:48

Ngành thực phẩm Việt Nam: Chuẩn bị “vượt vũ môn” hội nhập

Qua 21 năm chương trình bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đã tạo được vị thế quan trọng đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Song, trong thời kỳ hội nhập để nâng sức cạnh tranh doanh nghiệp Việt cần đáp ứng các yêu cầu về an toàn chất lượng- môi trường- an sinh xã hội theo tiêu chuẩn mới.

Nâng chất theo cấp độ

Qua cuộc điều tra về HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn năm 2017, các chuyên gia nhận định, thị trường năm 2017 sẽ gặp nhiều khó khăn, hệ thống bán lẻ nội địa không sôi động so với những năm trước. Hiện sản phẩm Việt đã và đang chịu sức ép cạnh tranh các sản phẩm nhập khẩu cùng loại, cùng đẳng cấp chất lượng có mặt ở Việt Nam. Trước thực trạng này, doanh nghiệp Việt cần nỗ lực chuyên nghiệp hóa từ khâu quản lý sản xuất đến cung ứng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và cả những yêu cầu của thời kỳ hội nhập. Đặc biệt, trong cuộc cạnh tranh về tiêu chuẩn với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại, tiêu chí chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm được xem yếu tố hàng đầu để chinh phục người tiêu dùng. Vì thế, ứng dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật mới cho ngành thực phẩm để tăng sức cạnh tranh chất lượng với sản phẩm ngoại nhập được xem là nhu cầu cần thiết cho doanh nghiệp Việt. Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật mới cho ngành thực phẩm đánh giá về chất lượng sản phẩm theo 3 cấp độ. Theo đó, cấp độ 3 sao dành cho doanh nghiệp trung bình, đạt tiêu chí hợp pháp, an toàn- chất lượng-tính cạnh tranh; cấp độ 4 sao dành cho doanh nghiệp khá, đáp ứng các yêu cầu 3 sao, cộng thêm tiêu chí môi trường, an sinh xã hội- hội nhập-đánh giá tại chỗ và có thông báo trước từ các chuyên gia; cấp độ 5 sao dành cho doanh nghiệp xuất sắc, đáp đứng yêu cầu của 3 sao và 4 sao- đánh giá tại hiện trường không báo trước.

Tiêu chí chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm được xem yếu tố hàng đầu để chinh phục người tiêu dùng. Trong ảnh: Khách hàng tìm hiểu sản phẩm Việt tại Hội chợ HVNCLC năm 2016 tổ chức tại tỉnh An Giang.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC, cho biết: Việc thực thi các tiêu chí kỹ thuật và xây dựng hàng rào kỹ thuật sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện bài toán cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật mới cho ngành thực phẩm Việt Nam được tổng hợp dựa trên các tiêu chí từ các bộ tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các bộ tiêu chuẩn quốc tế khác, đảm bảo tiêu chuẩn hội nhập và nâng cao yêu cầu theo tiêu chuẩn thị trường thế giới cho HVNCLC. Theo đó, sản phẩm Việt phải chịu nhiều thử thách, đáp ứng những đòi hỏi nhu cầu thị trường và được người tiêu dùng chấp nhận. Theo bà Vũ Kim Hạnh, hiện hàng tiêu dùng của Thái Lan và một số nước trong khu vực ASEAN bắt đầu thâm nhập và cạnh tranh với hàng Việt. Thực tế ngày càng thấy rõ là các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh, có hệ thống phân phối sâu rộng, quan tâm đến cách trưng bày tại các điểm bán, bao bì đẹp, sản phẩm đa dạng chiếm ưu thế trên thương trường. Do đó, muốn phát triển bền vững, doanh nghiệp Việt cần chăm sóc tốt mạng lưới phân phối, đi sâu về nông thôn và vững mạnh ở đô thị; đẩy mạnh liên kết, chia sẻ kinh nghiệm để nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm Việt. Muốn phát triển hệ thống phân phối chân rết ở vùng nông thôn tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, doanh nghiệp Việt nên chọn khách hàng mục tiêu và kênh phân phối. Bên cạnh đó, các nhà quản lý ở tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần nhanh chóng kêu gọi doanh nghiệp đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn

Cần trợ lực

Với những tiêu chuẩn được đặt ra theo từng cấp độ của Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật mới cho ngành thực phẩm Việt Nam của Hội doanh nghiệp HVNCLC cùng các chuyên gia xây dựng giúp doanh nghiệp có cơ sở đánh giá chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh thị trường cho sản phẩm Việt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, muốn thực hiện theo bộ tiêu chuẩn mới này, doanh nghiệp cũng cần nhiều trợ lực.

Ông Trương Cung Nghĩa, Giám đốc điều hành Trương Đoàn Marketing Group, cho rằng: Ngành thực phẩm Việt Nam còn phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài và người tiêu dùng đa phần chọn sản phẩm ngoại nhập do tin tưởng các sản phẩm này được kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào… Những thách thức này đã tạo động lực cho doanh nghiệp Việt tăng cường nghiên cứu, đầu tư phát triển sản phẩm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đồng thời, quan tâm đẩy mạnh marketing trực tiếp đến người tiêu dùng, quảng bá, tiếp thị qua các kênh truyền thông; phát triển hệ thống phân phối chợ truyền thống, tiệm tạp hóa... Tuy nhiên, muốn nâng sức cạnh tranh sản phẩm Việt, ngoài sự chủ động đổi mới của doanh nghiệp, Nhà nước cần có những hỗ trợ huấn luyện, đào tạo cho doanh nghiệp đầu tư nguồn lực phát triển sản phẩm, tiếp cận đến người tiêu dùng bằng nhiều hình thức.

Ông Trần Hữu Đỉnh, chủ doanh nghiệp tư nhân nước mắm Đỉnh Hương, cho biết: Nước mắm Đỉnh Hương đã đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và được người tiêu dùng bình chọn HVNCLC trên 6 năm. Hiện tại, hệ thống phân phối của doanh nghiệp chủ yếu là chợ truyền thống hay các cửa hàng tạp hóa tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Điều doanh nghiệp quan tâm là đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, mở rộng và phát triển thị trường. Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật mới cho ngành thực phẩm Việt Nam đã đưa ra tiêu chí HVNCLC- Chuẩn hội nhập, giúp doanh nghiệp có cơ sở nghiên cứu tiêu chuẩn kỹ thuật mới, bổ sung những thiếu sót để nâng cao chất lượng sản phẩm. Song cái khó của doanh nghiệp là thiếu chi phí và cần hỗ trợ vốn đầu tư về dây chuyền sản xuất… Bên cạnh đó, doanh nghiệp rất cần sự trợ lực của các ngành chức năng trong xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, phát triển hệ thống phân phối để gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.

Bài, ảnh: M. Hoa

Chia sẻ bài viết