27/06/2022 - 19:32

Ngành công nghiệp âm nhạc Nhật Bản gặp khó 

Ngành công nghiệp âm nhạc Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi doanh thu liên tục sụt giảm, sa sút về mặt kỹ thuật và đang đứng trước nguy cơ về nguồn nhân lực.

Nhóm nhạc NiziU.

Nhóm nhạc NiziU.

Hana Financial Investment thông tin rằng doanh số bán đĩa CD ở Nhật đã sụt giảm nghiêm trọng, từ mức 460 tỉ Yen (khoảng 3,4 tỉ USD) vào năm 2006 xuống chỉ còn 283 tỉ Yen vào năm 2021, tỷ lệ sụt giảm gần 40% trong 15 năm. Đáng chú ý là doanh thu từ CD từng chiếm 70% thị trường âm nhạc của Nhật Bản vào năm 2006, nhưng hiện nay đã thay đổi hoàn toàn. Nguyên nhân của tình trạng trên do ngành công nghiệp âm nhạc Nhật Bản chậm chuyển đổi. Trong khi ngành công nghiệp âm nhạc các quốc gia khác, cụ thể như Hàn Quốc, đã sớm chuyển đổi sang hình thức phát trực tuyến, vận dụng mạng xã hội trong hoạt động âm nhạc, thì ở Nhật ngược lại, các công ty giải trí vẫn coi trọng doanh số bán đĩa CD cứng. Ngành công nghiệp âm nhạc Nhật vì thế cũng trở nên chậm nhịp trước sự phát triển thị trường toàn cầu, không có chỗ đứng ở nền tảng kỹ thuật số.

Các nghệ sĩ Nhật Bản cũng chậm thích ứng, hạn chế và không thích truyền thông xã hội, hệ quả là ít được biết đến trên thị trường quốc tế. Ví như nhóm nhạc Arashi chỉ mới mở kênh YouTube vào năm 2019, dù họ là nhóm nhạc nổi tiếng nhất ở Nhật trong thời gian dài. Các nghệ sĩ của Nhật cũng chỉ tập trung vào thị trường trong nước, ít khi mở rộng ra quốc tế.

Trong khi đó, ngành công nghiệp âm nhạc của các quốc gia lân cận luôn hướng đến việc mở rộng ra toàn cầu. Cụ thể như Hàn Quốc đã có sự xâm nhập thị trường tại Nhật rất mạnh mẽ. Vào năm 2010, chỉ có 9% nghệ sĩ Hàn Quốc có mặt trong danh sách album bán chạy nhất trên bảng xếp hạng Oricon của Nhật Bản, thì đến năm 2021 con số này đã tăng lên 37%. Điều này có nghĩa các nghệ sĩ Nhật dần mất thị phần trên chính quê hương mình. Bằng chứng là bảng xếp hạng Oricon dần trở thành “lãnh địa” của các nghệ sĩ Hàn Quốc. Album bán chạy nhất năm 2021 tại Nhật Bản là “BTS, The Best” của nhóm BTS, với số bán ra là 990.000 bản. Đây là lần đầu tiên sau 37 năm không phải một nghệ sĩ Nhật Bản đứng đầu bảng xếp hạng doanh số bán album hàng năm của Oricon.

Sự lên ngôi của âm nhạc Hàn Quốc ở Nhật đã đẩy ngành công nghiệp âm nhạc Nhật vào khó khăn, nhất là về nhân lực. Nhiều ca sĩ Nhật đã tìm đến các công ty quản lý của Hàn Quốc, điển hình như Miyawaki Sakura. Cô từng là thành viên nhóm nhạc HKT48 (Nhật Bản), đã quyết định sang Hàn Quốc tham gia chương trình “Produce 48” (2018) của Mnet, sau đó trở thành thành viên của nhóm nhạc “IZ*ONE” (Hàn Quốc). Mặc dù “IZ*ONE” đã tan rã nhưng Miyawaki Sakura vẫn rất được săn đón và lần nữa xuất hiện ở nhóm nhạc LESSERAFIM (Hàn Quốc). Nhiều ca sĩ Nhật khác cũng đến Hàn Quốc hoạt động, như: Mina, Momo, Sana trong nhóm TWICE, Kazuha nhóm LESSERAFIM), Rei nhóm IVE, Yuta nhóm NCT….

Nhiều nhóm nhạc Nhật hiện nay cũng được đào tạo theo hệ thống của ngành giải trí âm nhạc Hàn Quốc. Ví như nhóm nhạc NiziU với các thành viên là người Nhật, nhưng lại có phong cách trình diễn và cách thức hoạt động khá giống các nhóm nhạc Hàn Quốc. Nhóm do JYP Entertainment (Hàn Quốc) và Sony Music Entertainment (Nhật Bản) đào tạo, ra mắt vào năm 2020 và nhanh chóng nổi tiếng. NiziU cũng trở thành nhóm nữ đầu tiên có hai bài hát vượt qua 100 triệu lượt nghe trên bảng xếp hạng Oricon. NiziU cũng đang “làm mưa làm gió” trên các bảng xếp hạng trực tuyến âm nhạc Nhật với đĩa đơn “Asobo”. “Asobo” đứng đầu bảng xếp hạng hàng ngày trên Oricon, Line Music, Recohoku, Mu-mo và Mora.

Theo số liệu Japan Line Research công bố năm 2021, NiziU đứng thứ 3 trong Top 10 nhóm nhạc thần tượng nữ được yêu thích nhất. Ngoài NiziU, các nhóm nhạc nam JO1, INI được thành lập theo hình thức này cũng nhanh chóng trở nên nổi tiếng và không ít lần đứng đầu bảng xếp hạng Oricon. Sự nổi tiếng của các nhóm nhạc theo hình thức này có thể cứu vãn doanh thu, nhưng về lâu dài chất riêng của ngành công nghiệp âm nhạc Nhật Bản sẽ bị phai nhạt.

BẢO LAM (Theo Korea JoongAng Daily)

Chia sẻ bài viết