31/03/2020 - 06:56

Ông Dương Quốc Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Cần Thơ

Ngành bất động sản chủ động thích ứng, vượt khó 


Ông Dương Quốc Thủy

Tâm lý người dân lúc này là sẽ chờ tình hình dịch bệnh COVID-19 lắng dịu mới tính đến chuyện đầu tư vào bất động sản (BĐS) hay vẫn đầu tư ở thời điểm này để “bùng nổ” khi thị trường ổn định trở lại? Để trả lời cho câu hỏi này, ông Dương Quốc Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ, chia sẻ:

- Kể từ khi các địa phương trên cả nước trong đó có TP Cần Thơ ban hành chính sách tăng giá đất chu kỳ 5 năm (2020-2024) vào đầu năm 2020, thị trường BĐS Cần Thơ tăng trưởng rõ nét về lượng giao dịch cũng như giá bán. Cụ thể, tại thị trường thứ cấp, mức giá thời điểm tháng đầu năm 2020 đã tăng trung bình từ 20-30% so với đầu năm 2019, tập trung ở các sản phẩm nhà, đất riêng lẻ. Vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, tâm lý của đa số khách hàng là dồn tiền đầu tư ít nhất một sản phẩm BĐS để tích lũy, dẫn đến “cầu” tăng cao. Hơn nữa, việc mua vào dịp cuối năm để bán ra hưởng lãi từ chênh lệch giá dịp đầu năm cũng là một trong những bài toán hấp dẫn được giới đầu tư lựa chọn.

Bên cạnh đó, cuối tháng 2-2020, thông tin khởi công xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 nối liền cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và trước đó, thông tin Hiệp định thương mại tự do  Việt Nam-EU (EVFTA) được nghị viện châu Âu thông qua đã tác động tích cực đến nguồn vốn đầu tư, kích thích BĐS công nghiệp phát triển. Các khu vực vệ tinh: Nam Cần Thơ, Châu Thành - Hậu Giang, nơi tập trung các khu, cụm công nghiệp, trở thành cực nam châm thu hút đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt là nhu cầu thực về nhà ở và đất ở của giới công nhân viên chức lao động. Giá đất tại một số khu dân cư liền kề quốc lộ và khu công nghiệp tại các vị trí kể trên đã lên tới 25-28 triệu đồng/m2 - tương đương với mức giá hiện tại của một số vị trí trung tâm quận Cái Răng, Bình Thủy...

Đến giữa tháng 3-2020, các giao dịch mua đi bán lại ở thị trường thứ cấp có phần chững lại, không còn dồn dập như trước do tác động của dịch COVID-19; tuy nhiên, mức giá không có dấu hiệu giảm. Bên cạnh đó, nhu cầu sở hữu nhà ở thực, đặc biệt là khách hàng độ tuổi trên dưới 30 (có nhu cầu tách khẩu) vẫn tăng cao. Đây là nhu cầu thực nên dù thị trường có phần trầm lắng, lượng khách này sẽ có tâm lý chờ tình hình dịch bệnh lắng dịu, chọn thời điểm phù hợp để đầu tư BĐS.

Dự án khu đô thị Vĩnh Thạnh (Vĩnh Thạnh Center) nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV

Đâu là những khó khăn các doanh nghiệp BĐS gặp phải, thưa ông?

- Theo số liệu công bố từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2019, ngành kinh doanh BĐS có đến 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động và 686 doanh nghiệp giải thể. Số lượng 686 doanh nghiệp BĐS giải thể nói trên chủ yếu là những công ty môi giới. Trong thời điểm thị trường BĐS vẫn chưa hết khó khăn từ tác động của nền kinh tế trong và ngoài nước, thì đầu năm 2020, dịch cúm COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu một lần nữa đã gây thêm áp lực cho nền kinh tế và làm suy yếu nhiều ngành nghề, trong đó BĐS không phải ngoại lệ. Đặc thù của ngành kinh doanh BĐS là gặp mặt tư vấn trực tiếp, tổ chức sự kiện bán hàng tập trung đông người, nhưng trong tình thế hiện nay thì các sự kiện lớn cũng hạn chế bởi tâm lý ngại đám đông. Chính vì vậy, không ít sàn giao dịch và công ty môi giới trên cả nước phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Dịch COVID-19 tác động đáng kể tới sản phẩm BĐS trong các phân khúc: văn phòng cho thuê và BĐS nghỉ dưỡng cũng đang phá vỡ nhiều dự định của các chủ đầu tư BĐS lớn trong năm 2020. Hầu hết các kế hoạch tung sản phẩm mới của các chủ đầu tư lớn trong năm nay cũng đang trong tình trạng “hoãn”. Các khu công nghiệp đang mời gọi nguồn vốn FDI từ các tập đoàn đa quốc gia cũng đang phải vất vả chờ dịch bệnh qua đi. Một số công ty khác không dám mạo hiểm với các sản phẩm cao cấp, chỉ chào bán giai đoạn tiếp theo của dự án cũ hoặc mua đi bán lại. Và trong đó, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ đang đứng trước vực thẳm phá sản khi không thể vượt qua gánh nặng chi phí vận hành, tiền lương và đọng vốn.

Theo ông, doanh nghiệp BĐS trên địa bàn TP Cần Thơ cần làm gì để vượt qua  thử thách?

- Với tình hình khó khăn như hiện tại, theo dự báo, sự thanh lọc thị trường sẽ diễn ra rất mạnh trong năm 2020 nhưng cũng là “phép thử” để giữ lại những doanh nghiệp uy tín, vững về tài chính, đồng thời những doanh nghiệp yếu sẽ tự khắc bị đào thải. Yếu ở đây được hiểu là cả về nguồn vốn, kinh nghiệm và chất lượng nhân sự. Doanh nghiệp BĐS muốn tồn tại phải thay đổi cách thức hoạt động: chuyên nghiệp hóa - hiện đại hóa quy trình bán hàng; lựa chọn sản phẩm uy tín, pháp lý tin cậy, phù hợp nhu cầu khách hàng và chú trọng đào tạo nâng cao kỹ năng bán hàng cho môi giới.

Hiện nay, chúng ta chưa thể dự báo được thời điểm dịch bệnh kết thúc, nên bản thân doanh nghiệp cần có kịch bản riêng cho mình để vượt qua giai đoạn khó khăn này thông qua các chiến lược kinh doanh - tiếp thị linh hoạt, phù hợp với tình hình hiện nay. Đây cũng là thời điểm các đơn vị chủ đầu tư tập trung hoàn thiện các dự án còn dang dở về hạ tầng, củng cố niềm tin cho khách hàng về chất lượng sản phẩm. Bởi bên cạnh những kịch bản cho tình huống khó khăn, chúng ta cũng có nhiều cơ sở để tin tưởng vào một kịch bản lạc quan là dịch bệnh COVID-19 sẽ sớm được ngăn chặn thành công và hiện tại Việt Nam vẫn là quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt so với nhiều nước trên thế giới. Khi đó, thị trường BĐS Cần Thơ và miền Tây chắc chắn sẽ phục hồi nhanh chóng nhờ đã có những nền tảng tốt đã được gầy dựng: mức giá phù hợp, pháp lý đầy đủ, minh bạch và có sẵn lượng khách hàng tiềm năng xuất phát từ nhu cầu thực.

 Bên cạnh đó, ĐBSCL hiện là khu vực được Chính phủ đặc biệt quan tâm phát triển hạ tầng: cầu đường, cảng hàng không, logistics… với những công trình mang tính vĩ mô như cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ; cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (nằm trong cụm cao tốc phía Tây ĐBSCL); cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu; quốc lộ 60, cầu Đại Ngãi, cảng nước sâu Trần Đề… Khi những công trình này hoàn thành, chắc chắn miền Tây sẽ còn thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Xin cảm ơn ông!

MINH HUYỀN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết