09/11/2024 - 23:03

Ngàn năm sau nữa 

Truyện ngắn: Khuê Việt Trường

Cuộc sống của hai vợ chồng Hà là những lần dời nhà, mỗi lần một lý do khác nhau. Nhà được dời lần thứ năm, lần này gần một nhà thờ. Căn phòng nhỏ nằm trên tầng hai, riêng tư tuyệt đối. Cứ mỗi lần lần dọn nhà là Hà sụt mất di mấy ký. Vốn dễ ăn, dễ ngủ, nhưng giờ đây Hà lại mang đầy giấc mộng trong đêm, cảm thấy những bữa cơm gia đình trở thành gánh nặng tinh thần. Bởi những lần Linh trở về, ngồi chung mâm càng ít dần. Những lần Hà chong cửa đợi chồng, mâm cơm cứ nguội lạnh theo đêm cũng tăng dần.

Những lần dọn nhà cũng là những lần Hà cố níu giữ trái tim người đàn ông của mình. Linh luôn bực bội với những tiếng cãi cọ từ các phòng thuê bên cạnh, có khi bởi tiếng ồn từ những cô gái thuê phòng đêm đêm đi làm ở các quán bar. Những lúc đó, Hà lại sốt sắng đổi nhà.

Nhưng dẫu đã năm lần dọn nhà, bữa cơm gia đình Hà cũng thật buồn. Chỉ có Hà và hai đứa con, một góc mâm cơm trống vắng. Hai đứa nhỏ vô tư kể chuyện trường lớp, chẳng biết Hà đang buồn. Ðôi khi chúng lại vô tư nhắc lời hứa của Linh: “Mẹ ơi, ba hứa đưa tụi con đi công viên chơi trượt nước. Tuần này đi nghen mẹ”. Thế là cơn giận dữ lập tức tràn về, giống như một cơn lũ ở thượng nguồn vội vã đổ về xuôi: “Ăn cơm lẹ lên còn học bài, không có công viên nào hết, nghe chưa?!”.

Ðêm trôi qua êm, thanh âm thưa thớt của xe máy ngoài đường, tiếng thằng bé bán mì gõ gõ vào hai thanh cây vang ra đều đặn đến khó chịu. Hai đứa nhỏ quên mất chuyện mẹ vừa gắt gỏng, ngồi trước tivi xem phim hoạt hình.

May mà căn phòng mới thuê có lan can. Lan can của một căn nhà không phải để làm cho đẹp, cũng chẳng phải để vài cây kiểng hứng ánh sáng mặt trời. Ðó còn là nơi để người ngồi ngóng trông đợi người về, là nơi để một mình trầm khuất nỗi buồn. Hà đang ngồi thầm trong bóng tối nơi lan can nhà ngóng trông Linh về. Nỗi ngóng trông đã sáu tháng rồi, trong tuyệt vọng. Cũng lạ cho trái tim người phụ nữ, đó chỉ là một vật thể nhỏ bé, vậy mà dẫu cho hy vọng chỉ giống như một đóm than sắp tàn, chuẩn bị cho một vùng tro nguội lạnh, thì vẫn không nguôi chờ đợi. Vẫn không nguôi mang trong lòng mình một niềm hy vọng mong manh.

Ðêm buông xuống, những âm thanh đường phố lần lần rời rạc. Rồi cuối vùng xe không chạy qua nữa, chỉ còn bóng đèn đường hiu hắt. Hà vẫn ngồi thầm trong tối, lắng nghe trong không gian như có lời kinh đọc nguyện cầu từ xa xa kia vang đến. Tiếng đọc kinh rất khẽ, trôi mênh mông, nhưng Hà vẫn nghe rõ như lời kinh kia đang đọc cho mình, đang vỗ về Hà trong nỗi buồn này.

Lấy nhau đúng 15 năm. 15 năm không vun vén riêng được cho mình một căn nhà. 15 năm gánh nặng áo cơm gia đình trên vai Hà. 15 năm ấy biến Hà thành một người hay gắt gỏng, khác với Hà của ngày xưa. Từ một rổ hoa lẻ loi ở góc chợ, Hà đã gây dựng lên một hàng hoa có nhiều mối đặt hàng vào những ngày khai trương, lễ Tết. Hà hài lòng với những gì mình có. Hằng ngày, vốn không có công ăn việc làm, Linh làm công việc kết hoa, đi đưa hoa cho khách hàng. Nhưng Linh tự cho mình có máu nghệ thuật, mà thực ra là để biện minh cho tánh ham chơi. Ðôi khi thay vì đi giao hoa, Linh lại sa đà vào một cuộc vừa uống bia vừa đàn hát nào đó của bạn bè. Kết quả là trong bữa cơm tối, Hà đã dằn chén cơm trên tay anh xuống, nói lời cay đắng.

Chén cơm Hà dằn xuống bàn từ trên tay Linh bắt đầu cho chuỗi ngày tan vỡ. Hôm đó Linh về nhà trễ, cả tuần Linh không ăn cơm nhà, sau đó thì anh báo cho Hà biết là anh đi làm, anh sẽ ở luôn chỗ làm. Hà cứ tưởng Linh dọa mình, sau cơn giận anh phải tìm về. Nhưng ngày cứ trôi, cứ trôi. Còn Linh thì biền biệt.

Ðiều kinh khủng trong đời sống vợ chồng đã xảy ra. Linh đã về một ngôi nhà khác, ngôi nhà đó có một người hơn Hà tất cả: tuổi trẻ, nhan sắc và tiền bạc.

Một người từng trải trong làm ăn như Hà tưởng rằng nghe tin này sẽ đến tận nơi đôi tình nhân sinh sống để quậy phá. Nhưng Hà chỉ lẳng lặng theo dõi hai người từ xa, cam chịu một cách kỳ lạ. Hà cũng chẳng đi tìm Linh để chất vấn, cũng chẳng đối mặt với Hoa. Trong mông lung cuộc sống, tưởng rằng Linh là gánh nặng của Hà, nhưng khi Linh rời khỏi căn nhà, Hà thấy như gió lùa vào nhà nhiều hơn, thấy lòng mình trở nên trống trải. Hà giấu kín nỗi đau trong lòng, đợi Linh về để lo cho anh bữa ăn ngon, để nói với anh lời ngọt ngào.

Ra chợ, Hà sống theo trí tưởng tượng của mình. Khi rảnh rỗi, Hà kể tốt về chồng, điều ngược với trước kia. Có hôm Hà đeo chiếc đồng hồ mới, hồ hởi khoe là chồng tặng. Có lúc mặc một chiếc áo mới, Hà nói với bạn hàng là Linh đi làm mua về cho Hà. Những câu chuyện kể của Hà hồn nhiên, khiến cho nhiều người nghe không khỏi chạnh lòng. Bởi ở khu chợ nhỏ này, đâu có chuyện gì giấu kín được, trong đó có chuyện Linh công khai ăn ở với người phụ nữ khác, mãi không về nhà. Nhưng nỗi đau của người phụ nữ phải chăng cần được xoa dịu bằng những câu chuyện kể như thế? Ðể trấn an rằng chồng mình vẫn ở bên cạnh mình? Ðể rồi đêm xuống, Hà lại ngồi ở hành lang, âm thầm trong tối đợi chờ một phép màu đưa Linh về lại.

Chờ đợi cho đến ngày Hà tự tỉnh ngộ...

***

Họ không ra tòa tranh cãi chuyện tài sản và con cái. Vì tài sản có đâu mà tranh. Con thì Linh không cần. Hà nghĩ không cần một phiên tòa để khẳng định một sự rạn vỡ, để phán xử một người đàn ông ngoại tình tự cho có quyền dứt bỏ vợ con. Cuộc chia tay lặng lẽ, không nước mắt, không bịn rịn. Những câu chuyện kể của Hà về Linh trong những phiên chợ không còn nữa. Rồi chợ vẫn phải ồn ào từng phiên đắt ế. Hà cũng đã mệt nhoài. Hà đã can đảm ký tên vào tờ đơn ly hôn. Tờ đơn ấy đã đưa cho Linh. Với Hà, vậy là hết. Thôi thì cứ chấp nhận nỗi đau này, bởi níu kéo làm gì khi trái tim người đàn ông đã chênh chao về hướng khác. Thôi thì tập một mình chống chọi cuộc đời để nuôi hai con khôn lớn như đã từng sống một mình. Hà có đớn đau hay hân hoan hạnh phúc thì ngày vẫn trôi qua, mùa vẫn trôi qua. Bởi cả ngàn năm sau nữa, chuyện tình yêu vẫn là điều không ai đoán được ai và ai sẽ đi chung hết một con đường...

Chia sẻ bài viết