20/03/2021 - 09:47

Ngạc Xuyên - Ca Văn Thỉnh và “Hào khí Đồng Nai” 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công bố danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật năm 2021 do Hội đồng cấp cơ sở trình Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, để lấy ý kiến nhân dân. Nhà Nam Bộ học Ngạc Xuyên - Ca Văn Thỉnh với tác phẩm “Hào khí Ðồng Nai” là 1 trong 9 tác giả trong danh sách này, do tỉnh Bến Tre - quê hương ông đề cử.

Chân dung học giả Ngạc Xuyên - Ca Văn Thỉnh và thủ bút bài thơ ông viết gửi con trai - nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân vào năm 1964. Ảnh: Tư liệu gia đình

Học giả Ca Văn Thỉnh (1902-1987), có bút hiệu là Ngạc Xuyên (tức Rạch Cá Sấu - tên con rạch gần nhà ông ở Bến Tre), được xem là người tiên phong trong nghiên cứu văn hóa Nam Bộ. Ông còn được biết đến là người cha của những văn nghệ sĩ lừng danh nước nhà như Giáo sư, nhạc sĩ Ca Lê Thuần, họa sĩ Ca Lê Thắng, NSƯT Ca Lê Hồng, nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân (tên thật Ca Lê Hiến)...

Học giả Ca Văn Thỉnh có những bài nghiên cứu văn hóa, sử học Nam Bộ từ lúc còn khá trẻ và tạo được tiếng vang. Ðiều cốt lõi trong những bài nghiên cứu ấy, Ngạc Xuyên tiên sinh muốn khẳng định giá trị, bản sắc văn hóa đất Ðồng Nai hào khí (Ðồng Nai thuở xưa có thể tạm hiểu là một phần lớn vùng đất Nam Bộ bây giờ), bác bỏ những cách hiểu sai lầm về con người, lịch sử, văn chương, giáo dục vùng đất này.

Công trình “Hào khí Ðồng Nai”, tác phẩm được đề cử trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này, khá dày dặn và công phu. Tuyển tập này được ông Nguyễn Long Trảo (chồng của NSƯT Ca Lê Hồng) tổng hợp từ các bài viết của cố học giả, gồm nhiều tác phẩm di cảo chưa từng được công bố. “Hào khí Ðồng Nai” dày hơn 400 trang, gồm 20 chương, khái quát về đất và người Nam Bộ từ xưa đến nay. Ông Nguyễn Long Trảo cũng dành một chương viết về cuộc đời, sự nghiệp của nhạc phụ ông.

Trong “Hào khí Ðồng Nai”, có nhiều bài nghiên cứu được cố giáo sư Ca Văn Thỉnh công bố trên tờ Ðại Việt tập chí (1942-1943) với bút danh Ngạc Xuyên. Ông kể lại chuyện đất và người Nam Bộ với hào khí ngất trời như Nguyễn Trung Trực, Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Nguyễn Thị Tồn; chuyện đào kinh Vĩnh Tế, chuyện giữ gìn bản sắc văn hóa... Trong các bài viết khác, cụ Ngạc Xuyên luôn đặt vấn đề rằng, Nam Bộ là vùng đất “sinh sau đẻ muộn” thì liệu có một nền văn hóa, văn chương phong phú hay không? Qua những bài khảo cứu dày dặn, thuyết phục và khoa học như “Khổng học ở đất Ðồng Nai”, “Vạn thế sư biểu” Võ Trường Toản và những văn nhân khác ở đất Nam Bộ, cụ đã khẳng định Nam Bộ là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, đáng tự hào.

Mực thước, uyên thâm và nhân cách, học giả Ngạc Xuyên - Ca Văn Thỉnh đã để lại một “Hào khí Ðồng Nai” đáng trân trọng, trở thành sử liệu quý báu cho thế hệ hôm nay và mai sau.

DUY KHÔI 

 

Chia sẻ bài viết