10/10/2008 - 21:38

Nét văn hóa đặc sắc của người Chăm ở An Giang

Ở An Giang hiện nay có khoảng 13.000 người Chăm, sống tập trung ở 9 xóm thuộc các xã Khánh Hòa, Vĩnh Trường, Vĩnh Hanh, Phú Hiệp, Châu Phong, Khánh Bình, Nhơn Hội, Quốc Thái và Đa Phước. Người Chăm ở đây theo đạo Hồi giáo IsLam, có những nét sinh hoạt văn hóa riêng biệt.

Theo tuyến Quốc lộ 91, từ Long Xuyên ngược lên Châu Đốc, đến địa bàn xã Mỹ Đức, qua chiếc cầu bê tông phía Đông Bắc sẽ tới ấp Khánh An I, xã Khánh Hòa. Nơi đây có một làng Chăm gồm 240 hộ với gần 1.200 người Chăm đang sinh sống.

Hai bên con đường tráng nhựa vào làng Chăm là những ngôi nhà sàn khang trang. Kiểu nhà của người Chăm ở đây cũng khác lạ so với người Kinh: “nhà sàn tốp” là nhà có 4 kèo tiếp giáp với cột giữa ở trước, “nhà sàn hấp” là loại nhà có hai kèo tiếp giáp với cột giữa và hai kèo kia gởi phân nửa qua cột giữa, phân nửa qua kèo. Mái nhà lợp ngói hoặc lá, thường có bốn gian và một nhà bếp riêng. Hai gian ngoài dùng để tiếp khách nam, hai gian trong dùng để ngủ và tiếp khách nữ. Giữa hai gian có một vách ngăn, có cửa ra vào và che rèm thêu kết tủa rất đẹp. Đàng trước nhà có hàng ba, có cầu thang, khi lên nhà giày dép của chủ nhà và khách đều để phía dưới cầu thang. Khi khách đến nhà, chủ nhà trải chiếu mời khách ngồi nói chuyện, ăn bánh và uống nước trà. Người Chăm không dùng bàn ghế trong nhà. Ngày xưa, phụ nữ Chăm thường bị cấm cung, không cho tiếp xúc người ngoài. Ngày nay tập quán này đã được thay đổi dần, phụ nữ Chăm được đi học, mua bán và giao tiếp với xã hội.

Một buổi lễ trong thánh đường Châu Phong của đồng bào Chăm
An Giang. Ảnh: THÀNH NHÂN 

Giáo Cả (Ha-Kim) Musa Haji, người gần 40 năm làm Giáo Cả và hiện nay là Trưởng ban Đại diện Hồi giáo tỉnh An Giang là một ông già trên bảy mươi tuổi, gương mặt hiền từ, giọng nói chậm rãi từ tốn và rõ ràng. Ông rất cởi mở trao đổi với khách, tạo cho khách lạ như tôi cảm giác dễ làm thân và thầm kính phục.

Giáo Cả Musa Haji là chứng nhân của những ngày tháng khổ nhục trong sự kềm kẹp của chính quyền ngụy. Theo lời ông, thời đó người Chăm bị chèn ép, bị cấm đoán hành lễ, buộc phải treo cờ đạo của giáo phái khác. Giáo Cả Musa Haji so sánh rằng: Ngày nay đồng bào Chăm ở An Giang được quan tâm một cách đặc biệt, được hỗ trợ và tạo điều kiện để xóa đói giảm nghèo, được tự do hành lễ theo qui định Hồi giáo. Đồng bào còn được chính quyền địa phương và ngành chức năng giúp đỡ trong việc xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, có cả đội bóng đá, đội bóng chuyền, đội văn nghệ... mỗi khi tham gia các giải thi đấu đều đạt thứ hạng cao. Chính quyền đã tạo điều kiện đưa tiếng và chữ viết Chăm vào chương trình dạy song ngữ của trường tiểu học ở đây, giúp con em đồng bào Chăm được học tiếng và chữ viết của dân tộc mình. Điều này thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, muốn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa riêng của người Chăm. Giáo Cả Musa Haji khẳng định: “Người Chăm ở An Giang đã từng trải qua chế độ cũ, biết so sánh và nhận thức được điều tốt, điều xấu. Người Chăm đã xem và nghe đài, hiểu rõ đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, được HaKim, AhLi (chức sắc trong đạo) dạy dỗ nên biết sống, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, không thể để các phần tử quá khích nước ngoài lợi dụng, gây rối. Người Chăm ở đây ngày nay đoàn kết gắn bó với người Kinh và biết học hỏi cái hay, cái đẹp để tiến bộ...”.

Tôi có dịp dự một buổi hành lễ tại thánh đường Hồi giáo của người Chăm - nơi 12 giờ trưa thứ sáu hằng tuần tất cả nam tín đồ Hồi giáo từ 15 tuổi trở lên phải đến để nghe giảng về giáo luật.

Thánh đường Hồi giáo được xây dựng theo kiểu kiến trúc Mas Jid Mec Ca, là một căn phòng rộng, dài, nằm theo hướng Tây, cũng là hướng tín đồ nhìn về khi hành lễ (gọi là Ka’Bah). Ở phía Tây, vách thánh đường có một khoảng lõm vào được gọi là Mih Rab, bên phải có bục giảng (gọi là Min Bar) nơi để KhoTib đứng giảng cho tín đồ nghe về giáo luật bằng tiếng Chăm. Ở góc thánh đường có làm cái tháp cao, gọi là Manara để BiLal gióng chuông báo giờ hành lễ mỗi ngày năm lần như sau: SuBoh (rạng đông), ZuHur (trưa), Asar (chiều), Magh-Rib (hoàng hôn) và I-Sha (tối). Ngày thứ sáu hằng tuần thì lúc 12 giờ trưa, tất cả nam tín đồ trên 15 tuổi phải đến thánh đường để hành lễ (gọi là HaGay Lum At).

Hằng trăm người vận chăn, đầu đội khăn trắng, trang nghiêm, thành kính nghe giảng về giáo luật. Mọi người đứng ngay hàng thẳng lối và đồng loạt thực hiện các thao tác: Đứng im khoanh tay trước ngực, hoặc ngồi để tay trên đùi, vuốt mặt, hay cúi đầu sát đất với cả lòng thành kính của những tín đồ sùng đạo.

***

Cũng như người Kinh, muốn cưới vợ cho con, người cha cũng cho một người thân tín đi qua đàng gái để ngỏ lời (tiếng Chăm gọi là MaHa Chi Chu), khi đàng gái đồng ý, sẽ cử một người đại diện chính thức xin cưới (MaHa). Hai bên trai gái phải cùng theo đạo Hồi. Đàng gái sẽ bàn bạc với bà con trong tộc họ để cho biết “tiền đồng” (Isa Kah Win) và “tiền chợ” (Ba Lan Ja) là bao nhiêu. Khi đàng trai đồng ý chịu “tiền đồng, tiền chợ” thì hai bên gặp mặt để thống nhất ngày đám nói (HaGay PaKLoh PaNauaik). Ngày đám nói, hai bên họ tộc và chức sắc, bô lão được mời đến nhà đàng gái để dự tiệc. Đàng trai mang đến đàng gái một mâm lớn trái cây và hoa. Sau đám nói, các bạn chú rể đưa chú rể đến nhà đàng gái ra mắt cha mẹ, bà con họ tộc. Đêm sau, bạn cô dâu đưa cô dâu đến đàng trai để ra mắt. Sau đó, chú rể, cô dâu không được gặp mặt nói chuyện với nhau cho đến ngày đám cưới.

Trước ngày đám cưới, phụ nữ bên đàng trai mang đến đàng gái y phục cô dâu và tiền chợ chuẩn bị ngày cưới. Rồi quý ông bên đàng trai mang đến đàng gái một cái giường nằm và một cặp chiếu bông; ngày này được đồng bào Chăm gọi là Ha Gay Tong KaGe. Đàng gái sẽ trang hoàng phòng cô dâu.

Đêm trước ngày cưới của một cặp vợ chồng người Chăm, hai bên đàng trai, đàng gái đều có mời khách đến dự tiệc, đặc biệt bên đàng gái chỉ mời khách nữ, đàng trai chỉ mời khách nam, mà chỉ đãi bánh, uống nước trà, ca hát đến khoảng 20 giờ là nghỉ. Sáng sớm hôm sau, hai bên đàng trai, đàng gái đều có tiệc cơm đãi khách mời (gọi là Tukkgưh). Theo Giáo cả, người Chăm không ăn thịt heo, chó, mèo, rắn. Chỉ ăn bò, trâu, dê, cừu, gà, vịt... Nhưng phải được người trong đạo đọc kinh trước khi làm thịt thì người Chăm mới ăn.

Tôi đã có dịp chứng kiến một lễ cưới Chăm. Buổi trưa, bên đàng trai kết lộng hoa sặc sỡ cùng các vị bô lão và ba em bé trai, ăn mặc đẹp, tay các em có cầm khay – một khay đựng 2 lon gạo và 8 trái chuối, khai thứ hai đựng thuốc hút, trầu cau, vôi và khay thứ ba là các loại bánh dân tộc... cùng đưa chú rể đến thánh đường. Đến thánh đường, chú rể được cho ngồi đối diện với cha vợ (làm chủ hôn). Hai bên cha vợ có 2 vị bô lão, người có uy tín được chọn lựa cẩn thận. Có một vị đọc kinh dạy bảo chú rể về bổn phận làm chồng đúng theo phong tục tập quán và giáo luật đạo Hồi và pháp luật Nhà nước.

Sau khi hành lễ, đám đông đưa chú rể đến nhà đàng gái. Đến nơi, có một người trong tộc họ đàng gái ra dẫn chú rể đến phòng cô dâu cùng với 3 em bé mang ba khay tròn. Cô dâu ngồi trên giường, ăn mặc trang điểm lộng lẫy, trên đầu có cài 3 cây trâm Su Jôk. Có hai cây trâm ngắn để cài hai bên, cây trâm dài cài ngay chính giữa. Chú rể bước đến đưa tay nhổ cây trâm dài ra để lên đùi cô dâu, rồi xoay người ngồi xếp bằng song song với cô dâu (gọi là Pa Dim). Cô Dâu, chú rể cùng mọi người cầu nguyện xin thượng đế ban nhiều phước lành. Chú rể vào phòng cô dâu, thay sà rong, áo do cô dâu tặng và bước ra ngoài tiếp khách, còn cô dâu ở trong buồng. Sau đó chú rể về nhà mình.

Đến gần 20 giờ, chú rể được đám đông thanh niên và phụ nữ đưa đến. Những phụ nữ này vào phòng cô dâu giăng mùng trên giường và ra mời chú rể vào phòng. Cô dâu chú rể sẽ bắt tay nhau, đặt tay lên nhau, để hai bàn tay trong một cái ô bằng đồng trong đó có để sẵn tiền đồng để hai người tranh nhau lấy, ai lấy được nhiều tiền sẽ giữ tiền sau này. Tiếp đến một mâm cơm sẽ đưa vào để vợ chồng cùng ăn với nhau. Mọi người ra về. Đêm tân hôn, người Chăm gọi là đêm “Ma Lâm Sam Tâm Nết”.

Sau ba ngày, đàng trai đem vật dụng sinh hoạt của hai vợ chồng như: nồi niêu, soong chảo, chén... đến nhà đàng gái. Tất cả vui mừng, ăn tiệc bánh, uống trà. Đêm thứ tư, hai vợ chồng đi cùng vài người phụ nữ đến viếng nhà cha mẹ bên chồng. Cha mẹ và bà con bên chồng sẽ cho cô dâu chú rể tiền, vàng. Đêm thứ năm, hai vợ chồng cùng thăm viếng cha mẹ bà con bên cô dâu và cũng sẽ được nhận quà mừng của mọi người...

***

Giáo Cả MuSa Haji, Na cho tôi biết việc thành lập Ban đại diện Hồi giáo ở An Giang đã thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng dân tộc, thống nhất thực hiện các tập tục mang đúng bản sắc văn hóa truyền thống của người Chăm theo đạo Hồi Is Lam; đấu tranh phòng chống những thế lực thù địch gây chia rẽ giữa người Chăm và người Kinh, làm cầu nối giữa tín đồ Hồi giáo với Đảng và Nhà nước, giáo dục tín đồ thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân. Hiện nay, các cấp chính quyền của tỉnh, huyện rất ủng hộ và tạo điều kiện để Ban đại diện hoạt động. Giáo cả MuSa Haji khẳng định: “Hơn 30 năm dưới chế độ mới, đời sống vật chất, tinh thần của người Chăm ở An Giang ngày càng phát triển...”.

MAI BỬU MINH

Chia sẻ bài viết