18/09/2009 - 21:00

Nếp sống đẹp ở một làng nghề

 Phơi nhang.

Đi trên quốc lộ 1, cách bến phà Cần Thơ vài trăm thước thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long, người ta thấy những cây nhang vàng tươi được phơi đầy hai bên đường. Đó là Xóm Nhang, thuộc khóm 4 và khóm 8, thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Xóm Nhang nổi tiếng không chỉ vì đây là một làng nghề mà còn là xóm làng tiên tiến của Cái Vồn nhiều năm qua.

Tình làng nghĩa xóm đậm đà

Ở Xóm Nhang lúc nào cũng tràn ngập không khí thân tình. Mọi người hỏi nhau về chuyện nghề, rủ nhau đi chợ sáng, quan tâm sức khỏe của nhau. Nhờ nghề làm nhang, đời sống kinh tế của bà con Xóm Nhang giờ đây đã ổn định. Công việc sản xuất nhang tuy không làm giàu nhưng lại là nghề mưu sinh, giúp cải thiện cuộc sống của dân cư. Những căn nhà tường khang trang, ấm cúng và đầy đủ tiện nghi mọc lên ngày càng nhiều ở Xóm Nhang này.

Mối dây gắn kết các hộ làm nhang trong xóm chính là Tổ Hợp tác làng nghề truyền thống - làm nhang thị trấn Cái Vồn. Từ 24 hộ ban đầu, đến nay tổ hợp tác đã có gần 50 hộ trong xóm làm nhang. Tổ hợp tác thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt, trao đổi giữa các hội viên. Trong các buổi sinh hoạt như vậy, chủ đề chính thường bàn cách để nâng cao chất lượng nhang, chuyện buôn bán nguyên liệu và thành phẩm. Nếu gia đình nào có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn làm ăn thì sẽ được những gia đình khá giả hơn cho mượn. Trong buổi gặp mặt, bà con còn tâm sự về những niềm vui hay khó khăn trong cuộc sống để san sẻ cùng láng giềng. Chú Ba Tiếu, một trong những người làm nhang lâu đời ở Xóm Nhang, cho biết: “Mỗi lần họp mặt là rôm rả lắm. Mọi người quan tâm nhau từ chuyện làm ăn, chuyện học hành của con cái hay sức khỏe... Mọi người trong xóm dù kỳ cựu hay tứ xứ đều quan tâm, đùm bọc nhau như họ hàng ruột thịt vậy”. Tổ hợp tác còn làm hồ sơ cho bà con vay vốn ngân hàng, tạo điều kiện để phát triển làng nghề. Ông Nguyễn Văn Đức, Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: “Nhờ bà con được vay vốn nên có điều kiện sản xuất, qui mô cũng tăng lên”.

Khi gia đình nào trong xóm có đám tiệc thì gần như cả xóm đều dành thời gian để tiếp giúp gia chủ: người sắp xếp bàn ghế, người nấu nướng, bếp núc. Ý thức “Hàng xóm láng giềng, tối lửa tắt đèn có nhau” đã trở thành nếp nghĩ nếp làm ở Xóm Nhang. Đơn cử nghề làm nhang đòi hỏi diện tích mặt sân rộng, khô ráo để phơi nguyên liệu và thành phẩm nhưng đa phần các hộ dân Xóm Nhang không có sân rộng. Bà con biết san sẻ sân phơi và giàn phơi cho nhau. Khi trời mưa, mọi người lại ùa ra cùng nhau thu gom lá gòn, tăm nhang. Gia đình nào khi đến hẹn giao nhang cho khách hàng mà nhang làm không kịp thì mọi người trong xóm sẵn sàng làm phụ. Cho nhau mượn nguyên liệu làm nhang đã trở thành việc làm quen thuộc ở nơi đây.

Bà con Xóm Nhang từ lâu đã xem nghề làm nhang không chỉ đơn thuần là một nghề phát triển kinh tế mà còn là một nét văn hóa truyền thống của địa phương. Bác Tư Bu, một người làm nhang kỳ cựu, tâm sự: “Nhiều đoàn khách nước ngoài đến, xem chúng tôi xòe phơi nhang trên giàn phơi, họ rất thích thú và trầm trồ. Chúng tôi vui lắm và càng quyết tâm gìn giữ nghề này”. Các vị cao niên ở Xóm Nhang luôn ý thức truyền nghề cho thế hệ trẻ. Ngoài thời gian đi học, các trẻ em ở Xóm Nhang được người lớn dạy cho cách trộn bột, cách phơi nhang, sốc nhang, bó nhang để tập luyện lao động, yêu nghề và tiếp giúp gia đình. “Tôi không bắt cháu tôi sống bằng nghề nhang, nhưng tôi muốn truyền cho chúng “máu nghề”, truyền cho chúng nét văn hóa độc đáo của Xóm Nhang!” - bác Tư Bu bộc bạch.

Thôn xóm yên bình

Xóm Nhang nằm ven quốc lộ 1A nên số lượng người tham gia giao thông hằng ngày rất đông, lượng người tạm trú trên địa bàn cũng nhiều. Xóm Nhang gần bến phà Cần Thơ, nơi mà tình trạng xã hội khá phức tạp. Tuy vậy, an ninh trật tự trong Xóm Nhang lúc nào cũng được giữ ổn. Chính quyền hai khóm 4 và 8 cử lực lượng tổ tự quản thường xuyên tuần tra, canh gác. Bà con kể rằng: mấy năm trước, một số phần tử xấu từ các địa phương khác về đây thường xuyên tụ tập tiêm chích ma túy, trộm cắp, lôi kéo các thanh niên trong xóm vào tệ nạn... Nhưng chính quyền địa phương đã cùng Công an thị trấn Cái Vồn tổ chức các đợt truy quét. Các bậc cha mẹ quan tâm dạy bảo và kiểm soát con em trong xóm nên chưa có trường hợp đáng tiếc xảy ra. Khi trong xóm có người nào thường xuyên nhậu nhẹt, gây rối, tụ tập đá gà, cờ bạc thì các bậc cao niên cùng bà con gặp gỡ họ, chỉ cho họ biết những việc làm sai trái để khắc phục, sửa chữa. Cô Trần Thị Giỏi, ngụ ở Xóm Nhang, bộc bạch: “Tôi coi mấy tụi nhỏ trong xóm như con cháu mình vậy. Đứa nào sai quấy, nói tục chửi thề hay quậy phá xóm làng là tôi la rầy liền. Phải dạy tụi nó bằng tình nghĩa thì nó mới nghe mình”.

Nhiều năm qua, Xóm Nhang luôn là điểm sáng trong phong trào bảo vệ trật tự an ninh của thị trấn Cái Vồn. Trước đây, tình trạng bà con phơi lá gòn, tăm nhang, nhang thành phẩm trên mặt đường còn phổ biến, vừa gây mất an toàn giao thông lại mất vẻ mỹ quan nhưng sau khi được các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động thì bà con đã chấm dứt tình trạng này. Ông Trần Văn Tám, Phó Trưởng Công an thị trấn Cái Vồn, cho biết: “Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, gây mất an toàn giao thông ở Xóm Nhang hầu như đã không còn tái diễn. Có được điều này chính là nhờ vào ý thức tốt của bà con trong xóm”.

Dù mọi người trong xóm đều làm nhang nhưng không bao giờ xảy ra tình trạng cạnh tranh, phá giá nhau. Không những vậy mà bà con còn giúp tìm đầu ra cho sản phẩm. Nếu thấy nơi nào tiêu thụ nhang nhiều thì bà con giới thiệu cho bà con trong xóm. Chính những tình cảm ấy đã giúp thương hiệu nhang ở Xóm Nhang Cái Vồn ngày càng uy tín và thu hút được nhiều khách hàng hơn. Ông Trần Quang Đông, Cán bộ Văn hóa thị trấn Cái Vồn, nhận xét: “Đây là một khu dân cư nhiều năm liền giữ vững nếp sống văn hóa. Bà con rất ý thức trong việc xây dựng làng xóm lành mạnh, yên vui. Hướng sắp tới chúng tôi sẽ lấy Xóm Nhang làm điển hình cho một số xóm làm nghề truyền thống khác: Xóm Tương, Xóm Đan đát...”.

* * *

Tình nghĩa xóm làng đã góp vào nét đẹp của một làng nghề truyền thống, trở thành nếp sống, nếp nghĩ căn bản ở địa phương. Bà con Xóm Nhang luôn trăn trở làm sao để mọi người khá giả hơn, con em trong xóm được học hành đến nơi đến chốn, xây dựng một Xóm Nhang với những nét văn hóa mới. Nhiều năm liền khóm 4 và khóm 8, thị trấn Cái Vồn - địa bàn Xóm Nhang luôn đạt danh hiệu khóm văn hóa tiêu biểu của thị trấn.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết