29/10/2015 - 10:13

Nên quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin

Sau 5 năm thực hiện Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 5-10-2011 của UBND TP Cần Thơ về Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động cơ quan Nhà nước thành phố giai đoạn 2011-2015, đến nay, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã tích cực triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch, góp phần quan trọng trong việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước. Qua đó, đã đạt được những kết quả rõ nét trên 3 lĩnh vực hạ tầng, ứng dụng và nhân lực CNTT…

Kế hoạch 40 nói trên đã đặt ra mục tiêu chủ yếu là cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt nhất, nhanh và chính xác nhất, làm cho hoạt động của cơ quan Nhà nước minh bạch hơn. Đồng thời, xây dựng hoàn thiện hệ thống thông tin, tạo môi trường làm việc trên mạng diện rộng, ổn định giữa các cơ quan Nhà nước thành phố, nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc, giảm thời gian, chi phí hoạt động của cơ quan Nhà nước. Từ năm 2011 đến nay, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã tích cực triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch này.

Công chức Bộ phận TN&TKQ của UBND xã Trường Xuân B đang giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.

Theo ông Dương Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, kiêm Giám đốc Trung tâm Công nghệ phần mềm Cần Thơ, hạ tầng kỹ thuật CNTT tại thành phố ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi triển khai ứng dụng CNTT, đáp ứng đầy đủ nhu cầu cơ bản trong các cơ quan nhà nước. Việc triển khai ứng dụng CNTT tại các Sở, ban ngành, UBND quận, huyện trong thời gian qua cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về sự cần thiết phải đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành. Các ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước đã được triển khai tập trung thực hiện đồng bộ trên các mặt: Đầu tư phần mềm ứng dụng; xây dựng các quy định mang tính pháp lý để bảo đảm việc ứng dụng đồng bộ, dữ liệu liên thông; xây dựng các quy định về duy trì và phát triển lâu dài các ứng dụng trong cơ quan sử dụng…

Hệ thống thư điện tử của thành phố đã được trang bị, đưa vào khai thác và tiếp tục được duy trì, củng cố nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả và ổn định, phục vụ tốt nhu cầu trao đổi thông tin và chỉ đạo điều hành. Hiện nay, toàn thành phố có 80% CBCC được cấp hộp thư điện tử và 65% CBCC thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc. Riêng Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế sử dụng hệ thống thư điện tử đạt 100%. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai tại 32/32 đơn vị (gồm 23 Sở, ban ngành và 9 UBND quận, huyện) đạt 100%. Ngoài ra, tại một số Sở, ngành đã triển khai các phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn như: Phần mềm và cơ sở dữ liệu về đất đai, địa giới hành chính (Sở Tài nguyên và Môi trường); phần mềm và cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư); phần mềm và cơ sở dữ liệu quản lý học sinh (Sở Giáo dục và Đào tạo); phần mềm và cơ sở dữ liệu đối tượng chính sách, người có công (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội); phần mềm và cơ sở dữ liệu quản lý bằng lái xe; phần mềm và cơ sở dữ liệu quản lý phương tiện giao thông (Sở Giao thông Vận tải); phần mềm và cơ sở dữ liệu quản lý hộ tịch (Sở Tư pháp)… Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai, cấp phát và sử dụng 238 chữ ký số chuyên dùng trong cơ quan Nhà nước và 687 chữ ký số cá nhân, nhằm nâng cao mức độ an toàn và bảo mật cho các giao dịch điện tử giữa cơ quan quản lý Nhà nước trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, phần mềm Một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến đã được thành phố triển khai xây dựng tại 19/23 Sở, ban ngành; 9/9 UBND quận, huyện và 85/85 UBND xã, phường, thị trấn, giúp giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch, nhằm hỗ trợ tổ chức, công dân có thể trực tiếp tra cứu thông tin về tình trạng hồ sơ hành chính, thuận lợi trong giao dịch, trao đổi thông tin với cơ quan hành chính. Hiện nay, 100% các dịch vụ hành chính công của cơ quan Nhà nước thuộc UBND thành phố đã được cung cấp trực tuyến ở mức độ 1, 2 trên Cổng thông tin điện tử thành phố (người dân có thể xem thông tin về thủ tục, tải các biểu mẫu điện tử về điền thông tin mà không cần phải mua hồ sơ); trong đó có 101 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 83 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp… Theo ông Nguyễn Tấn Dược, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, ứng dụng CNTT vào hoạt động cơ quan Nhà nước mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là thực hiện dịch vụ hành chính công trực tuyến ở mức độ 3 và 4 là rất cần thiết. Tuy nhiên, do trình độ dân trí và thói quen của người dân nên hiệu quả sử dụng các dịch vụ trên còn hạn chế. Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP Cần Thơ, cho biết: Mặc dù, hạ tầng kỹ thuật CNTT đã được cải thiện, nhưng số lượng máy tính/CBCC chưa đảm bảo 100% theo mục tiêu Kế hoạch số 40/KH-UBND đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thực hiện các dự án xây dựng, triển khai phần mềm ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước. Vì thế, thành phố cần quan tâm đầu tư thêm máy tính cho đội ngũ CBCC. Ngoài ra, ông cũng thống nhất thành lập Ban Quản lý Dự án CNTT tập trung có cơ chế hoạt động phù hợp…

Hướng tới việc xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử, làm cơ sở đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước thành phố ở mức hiện đại, ông Dương Thế Dũng kiến nghị: Thành phố cần ưu tiên dành nguồn kinh phí phù hợp, đồng bộ cho việc triển khai các nhiệm vụ, dự án ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước thành phố, đặc biệt từ nguồn vốn sự nghiệp thường xuyên hàng năm cho những nhiệm vụ bảo trì, nâng cấp, hỗ trợ kỹ thuật và mở rộng các hệ thống thông tin nhằm đảm bảo phát huy nhanh, hiệu quả đầu tư và duy trì bền vững các phần mềm ứng dụng, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật đã đầu tư…

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết