20/12/2018 - 20:43

Nâng chất hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã 

Nhiều năm qua, ngay từ đầu năm, Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao (TTVH-TT) xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã). Năm 2018, hoạt động này được TTVH thành phố đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Chiều về, sân bóng đá xã Trung An, huyện Cờ Đỏ lại nhộn nhịp với các cầu thủ miệt vườn say sưa bên trái bóng tròn. Sân bóng có diện tích đến 10.000m2, được đầu tư đầy đủ các hạng mục như khu kỹ thuật ban huấn luyện, khán đài, khu tuyên truyền, cổ động… Có thể nói, TTVH-TT xã Trung An là một trong những đơn vị hiếm hoi của cả nước sở hữu sân bóng quy mô như thế.

Độc giả đọc sách tại thư viện trong khuôn viên TTVH-TT phường Trường Lạc (Ô Môn). 

Được thành lập từ năm 2013, TTVH-TT xã Trung An là một trong 2 đơn vị được thành phố chọn thí điểm mô hình này (cùng với phường Thới Long, quận Ô Môn). Hơn 5 năm qua, TTVH-TT xã Trung An hoạt động rất hiệu quả, tạo sân chơi lành mạnh cho người dân. Ông Đàm Văn Lễ, công chức văn hóa - xã hội xã Trung An, cho biết: TTVH-TT xã có đầy đủ phòng chức năng như phòng làm việc ban chủ nhiệm, phòng truyền thống, thư viện, hội trường… Trung tâm có 8 câu lạc bộ trực thuộc: bóng đá, bóng chuyền, múa lân, cầu lông, đờn ca tài tử, cờ tướng, thể dục thể thao và dưỡng sinh. Xã Trung An còn có 2 sân khấu ngoài trời phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn nghệ của bà con. Với việc hoạt động bài bản và có chiều sâu, TTVH-TT xã Trung An đã đạt giải A tại Liên hoan các mô hình văn hóa tiêu biểu cấp thành phố năm 2018.

Đó là một trong những điển hình về việc nâng chất hoạt động TTVH-TT cấp xã của thành phố trong thời gian qua. Một số điển hình khác có thể kể như TTVH-TT phường Ba Láng (quận Cái Răng), phường Trường Lạc (quận Ô Môn), phường An Cư (quận Ninh Kiều), phường Bình Thủy (quận Bình Thủy), xã Trường Xuân (huyện Thới Lai)… Theo thống kê, toàn thành phố hiện có 64/85 TTVH-TT cấp xã. Trong đó, huyện Phong Điền và quận Ô Môn có 100% xã, phường, thị trấn có TTVH-TT. Hầu hết các Trung tâm này đều được xây cất khang trang, trang thiết bị rất tươm tất, đúng quy định.

Đặc biệt, việc TTVH thành phố ban hành Kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động của TTVH-TT cấp xã hằng năm đã tạo "cú hích" cho phong trào. Qua đó, TTVH thành phố chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn tổ chức hoạt động biểu diễn; cách quy tụ, tạo sân chơi thông qua các câu lạc bộ tại TTVH-TT cấp xã. Hằng năm, TTVH thành phố tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ văn hóa cấp xã. Đây là giải pháp hữu hiệu trong điều kiện cán bộ văn hóa - thể thao cấp xã chưa đáp ứng trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thường xuyên biến động. Ông Lâm Văn Xính, công chức văn hóa - xã hội xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, cho biết: "Tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn chuyên môn, rất bổ ích. Những kiến thức đó hỗ trợ tôi rất nhiều trong công tác hằng ngày của TTVH-TT xã".

Mấy năm gần đây, việc bình xét chất lượng hoạt động của TTVH-TT cấp xã còn là một trong những tiêu chí xếp loại thi đua của hệ thống TTVH-TT quận, huyện nên các địa phương rất quan tâm. Ngoài ra, mô hình câu lạc bộ TTVH-TT cấp xã đang được quận Cái Răng và quận Ô Môn thực hiện. Theo đó, định kỳ hằng quý, chủ nhiệm các TTVH-TT phường sẽ gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm trong nâng chất hoạt động. Bà Lê Thị Hồng Thắm, công chức văn hóa - xã hội phường Trường Lạc, quận Ô Môn, nói: "Mỗi lần gặp gỡ như vậy chúng tôi học hỏi được nhiều cách làm hay và nhất là thêm nhiệt huyết để nâng chất phong trào".

Hằng năm, TTVH thành phố đều tổ chức khảo sát, đánh giá và xếp loại hoạt động TTVH-TT cấp xã. Kết quả năm 2018, trong số 64/85 xã, phường, thị trấn có TTVH-TT thì có 16 đơn vị đạt loại Tốt, 32 đơn vị đạt loại Khá và 16 đơn vị đạt loại Trung bình. Theo đánh giá của đoàn khảo sát, một số điểm cần khắc phục của hệ thống TTVH-TT cấp xã là lưu trữ hồ sơ, ban hành kế hoạch chưa được thực hiện tốt; nhân sự mỏng và hay thay đổi. Nhiều Trung tâm, địa điểm, sân bãi, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa đã xuống cấp. Kinh phí địa phương hỗ trợ cho hoạt động phong trào chưa bảo đảm ở một số đơn vị như An Hòa, An Lạc, Hưng Lợi (Ninh Kiều), Bùi Hữu Nghĩa, An Thới, Thới An Đông (Bình Thủy)…

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Ánh Lê, Giám đốc TTVH thành phố Cần Thơ, hai vấn đề mà nhiều địa phương rất ít quan tâm là thư viện và tổ chức hoạt động thể thao. Theo đó, nhiều thư viện chưa trang bị, bổ sung sách đầy đủ, như An Phú (Ninh Kiều), Trung Hưng (Cờ Đỏ), Thuận An, Thới Thuận, Thốt Nốt (Thốt Nốt), Đông Thuận, Trường Xuân A, Trường Thắng (Thới Lai)… Nhiều TTVH-TT cấp xã tổ chức giải thể thao chưa đủ số lượng theo quy định, không tham gia giải thể thao địa phương tổ chức…

Giám đốc TTVH thành phố Cần Thơ Nguyễn Thị Ánh Lê nhận định, kinh nghiệm cho thấy, một khi các quận, huyện và cấp xã có sự quan tâm đầu tư, đôn đốc các TTVH-TT cấp xã hoạt động thì chất lượng luôn được đảm bảo. Vì vậy, sự "vào cuộc" của địa phương là rất cần thiết. Trong đó, ngoài cuộc khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố thì TTVH-TT quận, huyện cũng phải thường xuyên khảo sát, đánh giá, kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn hoạt động cho cơ sở. Ngoài ra, bà Lê còn cho biết, năm 2019, TTVH thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố là Trung tâm Thể dục - Thể thao và Thư viện để phối hợp giúp TTVH-TT cấp xã phát triển toàn diện các phong trào.

 

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết