Nhìn lại chặng đường phát triển gần 20 năm qua, từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (2004-2023), TP Cần Thơ gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BÐKH), thiên tai, sạt lở, triều cường... Các hiện tượng này đã tác động đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đời sống của người dân. Nhưng nhờ sự hỗ trợ tích cực của bộ, ngành Trung ương; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực của các cấp chính quyền, nhân dân, các tổ chức quốc tế… TP Cần Thơ đã từng bước ứng phó BÐKH, khắc phục thiệt hại, ổn định phát triển KT-XH.

Ðại diện Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT và lãnh đạo TP Cần Thơ khảo sát điểm sạt lở tại sông Trà Nóc (quận Bình Thủy) và đưa ra kế hoạch xây dựng kè phòng chống sạt lở thời gian tới.
Ðặc điểm thiên tai
Theo Viện Nghiên cứu BÐKH - Trường Ðại học Cần Thơ, TP Cần Thơ có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Cao độ mặt đất phổ biến từ 0,6-0,8m so với mực nước biển. Các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt đất đai tương đối cao, từ 1,4-2,5m, trong khi các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Ðỏ, Thới Lai, Phong Ðiền cao độ khu dân cư khoảng 1-1,5m và đồng ruộng 0,4-0,8m. Chế độ thủy văn dòng chảy trên hệ thống sông, kênh thuộc TP Cần Thơ chịu sự chi phối của dòng chảy sông Mekong (thông qua sông Hậu), thủy triều biển Ðông, mưa nội vùng và hệ thống hạ tầng cơ sở. Trong đó, tổ hợp sự giao tranh giữa ảnh hưởng của chế độ dòng chảy thượng nguồn sông Mekong và chế độ triều biển Ðông chi phối mạnh nhất. Các yếu tố ảnh hưởng tùy theo thời gian, không gian và hiện trạng các công trình hạ tầng cơ sở mà tác động lên từng nơi, từng lúc khác nhau.
Với địa hình trên, hằng năm TP Cần Thơ đều chịu tác động của BÐKH, với các loại thiên tai chủ yếu, như sạt lở bờ sông, lốc xoáy, ngập lụt, triều cường… Trong các loại thiên tai trên, những năm gần đây thiệt hại do sạt lở bờ sông và lốc xoáy gây ra trên địa bàn TP Cần Thơ là chủ yếu, thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Ðiển hình, từ năm 2010 đến 2022, thiên tai đã làm 71 người chết, trong đó sạt lở làm chết 4 người, sét đánh làm chết 23 người, 41 người chết đuối và 3 người chết do lốc xoáy; tổng số người bị thương 30 người; tổng số 719 căn nhà bị sập, hư hại; 2.593 căn nhà bị tốc mái, xiêu vẹo; 9.870m chiều dài bờ sông, đường giao thông bị sạt lở…
Riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, thành phố xảy ra 3 loại hình thiên tai gồm: sạt lở bờ sông (34 đợt sạt lở bờ sông, làm bị thương 2 người, làm sạt hoàn toàn 8 căn nhà, sạt một phần và ảnh hưởng nghiêm trọng trên 20 căn nhà, tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở là 1.976m); triều cường với mức đỉnh triều tương đương mức báo động III vào những ngày Tết Nguyên đán 2023, đồng thời trong những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2023 triều cường vượt báo động III từ 0,12-0,13m, gây ngập nghẹt đô thị, ảnh hưởng sinh hoạt, đi lại, mua bán của người dân; mưa lớn kèm theo giông lốc gồm 9 đợt, làm sập, tốc mái và hư hỏng hàng chục căn nhà...
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhận định: “Thời gian qua, TP Cần Thơ bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT), Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, UBND TP Cần Thơ trong triển khai công tác PCTT, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn. Nhờ đó đã hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra. Ðặc biệt, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền là yếu tố quan trọng trong việc triển khai công tác ứng phó và hạn chế thiệt hại do thiên tai. Nhất là vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “Bốn tại chỗ” nên huy động được sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp và nhân dân trong công tác PCTT. Sau khi thiên tai xảy ra, cấp ủy cùng chính quyền, đoàn thể ở địa phương kịp thời huy động lực lượng tại chỗ để hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất...”.
Nâng cao hiệu quả ứng phó
TP Cần Thơ chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả); nâng cao hiệu quả và hoàn thiện hệ thống thu thập số liệu, hệ thống dự báo, cảnh báo và truyền tin ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả… đã góp phần hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra. Các sở, ban, ngành thành phố, các quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ, xây dựng chương trình, kế hoạch ứng phó phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương, cơ quan, đơn vị…
Nhiều năm qua, TP Cần Thơ tranh thủ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, nguồn vốn từ Ngân hàng thế giới và các tổ chức quốc tế khác trong đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và ngập lụt ở các đô thị. Cụ thể: Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ tập trung triển khai thực hiện các hạng mục ưu tiên của Dự án 3, với tổng mức đầu tư hơn 7.343 tỉ đồng, tương đương 322,21 triệu USD. Ðây là dự án lớn mà thành phố triển khai, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng tầm đô thị trung tâm vùng ÐBSCL, tăng cường khả năng thích ứng của đô thị trước BÐKH ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong dự báo khí tượng thủy văn và PCTT; tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia, đối tác phát triển, nhà tài trợ, cơ quan nghiên cứu khoa học trong khu vực và trên thế giới về công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, nhất là hợp tác chia sẻ thông tin dự báo, cảnh báo về thiên tai, quản lý tài nguyên nước…

Kè sông Thốt Nốt là một trong những công trình được đầu tư xây dựng góp phần chỉnh trang đô thị, phát triển văn hóa, du lịch tại địa phương.
Ðối với các công trình phòng, chống sạt lở, thời gian qua, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu (PTDS-PCTT&TKCN) TP Cần Thơ đã phối hợp với địa phương thực hiện gia cố trên 3.000m kè chống sạt lở bằng các giải pháp dân gian, truyền thống (cừ dừa, cừ bạch đàn, cừ tràm kết hợp rọ đá và vãi địa kỹ thuật). Dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương thực hiện gia cố tại các vị trí sạt lở bằng các giải pháp dân gian, truyền thống với tổng chiều dài khoảng 5.000m, kinh phí thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi và từ Quỹ PCTT của thành phố. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, thành phố đầu tư xây dựng các công trình kè bảo vệ bờ với mục tiêu chống sạt lở, kết hợp di dời dân cư sống ven sông vào vùng ổn định và chỉnh trang đô thị. Trong đó có hàng chục công trình kè chống sạt lở, như Kè chống sạt lở sông Ô Môn, Rạch Cam, sông Trà Nóc, Rạch Gốc, sông Bình Thủy, sông Phong Ðiền, Giáo Dẫn, sông Thốt Nốt… với tổng kinh phí xây dựng gần 2.000 tỉ đồng, tổng chiều dài kè kiên cố trên 20km. Bên cạnh đó, thành phố còn đầu tư với tổng số tiền hỗ trợ thiệt hại và khắc phục khẩn cấp các công trình bị ảnh hưởng do thiên tai từ năm 2018 đến nay là 265,71 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách địa phương, Trung ương và Quỹ PCTT của thành phố…
Theo Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ, trong các năm qua, TP Cần Thơ rất quan tâm đến công tác PCTT, sạt lở… Tuy nhiên, ngân sách của địa phương còn nhiều khó khăn, hạn hẹp, chưa đủ vốn để đầu tư một số công trình ứng phó thiên tai, kè chống sạt lở trọng điểm bức xúc. Do đó, thời gian tới, thành phố kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT và các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ bố trí vốn để thành phố đầu tư xây dựng một số công trình kè chống sạt lở trọng điểm, bức xúc, như 2 dự án kè chống sạt lở sông Trà Nóc, với chiều dài 2,5km, kinh phí đầu tư dự kiến 250 tỉ đồng; Dự án kè chống sạt lở khẩn cấp tại vị trí có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm sông Bình Thủy (đoạn từ cầu Rạch Chanh đến cầu Rạch Cam), với chiều dài xây dựng 650m, kinh phí đầu tư dự kiến 100 tỉ đồng; Dự án kè chống sạt lở khẩn cấp kênh Cái Sắn với chiều dài 2km, kinh phí đầu tư dự kiến 300 tỉ đồng… Các dự án trên được triển khai thực hiện sẽ góp phần ổn định bờ sông, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch và đô thị tại TP Cần Thơ.
Ông Nguyễn Ngọc Hè nhấn mạnh: “Ðối với các dự án PCTT, sạt lở đang triển khai thực hiện, thành phố sẽ tập trung kiểm tra, đôn đốc để công trình hoàn thành theo đúng tiến độ; các dự án đã có kế hoạch đầu tư thực hiện cũng sớm hoàn thành thủ tục để triển khai thực hiện theo kế hoạch. Thời gian tới, nếu xuất hiện thiên tai, các điểm sạt lở mới ngoài kế hoạch đầu tư xây dựng công trình kiên cố, chính quyền địa phương khắc phục trước mắt và báo cáo thành phố để có kế hoạch đầu tư khắc phục lâu dài bằng các công trình kiên cố. Thành phố sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, tổ chức quốc tế, các thành phần kinh tế để được đầu tư kinh phí, triển khai thực hiện các công trình PCTT, sạt lở, góp phần ổn định cuộc sống người dân, bảo vệ môi trường, chỉnh trang đô thị và thích ứng với BÐKH...”.
Bài, ảnh: HÀ VĂN