28/10/2010 - 08:48

THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG:

Nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh doanh, đầu tư trong cộng đồng ASEAN

* Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Hội nghị lần thứ 7 Hội đồng Điều phối ASEAN

Ngày 27-10, tại Hà Nội, phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh về thương mại và đầu tư ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà xây dựng chính sách, các học giả đến từ các nước ASEAN và các nước đối tác của ASEAN đã đến dự Hội nghị; tin tưởng Hội nghị sẽ tiếp tục là cơ hội quý báu để thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh doanh, đầu tư trong cộng đồng ASEAN cũng như với các nước đối tác.

Theo Thủ tướng, sự trưởng thành của ASEAN có sự đóng góp quan trọng từ kết quả hình thành các khuôn khổ liên kết kinh tế ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN - một trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN. Những cam kết hội nhập, các chương trình hợp tác kinh tế cốt lõi của Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang từng bước đi vào cuộc sống. Một thị trường chung, một không gian kinh tế thống nhất đang hình thành dựa trên sự hài hòa cao về các quy tắc thương mại quốc gia và khả năng điều phối chính sách vĩ mô giữa các thành viên ASEAN. Quá trình này cùng với mạng lưới các Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand sẽ tạo ra sự năng động của các chủ thể sản xuất và quá trình lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ và tự do hơn về lao động và vốn trong nền kinh tế khu vực. Các chương trình, kế hoạch xây dựng cộng đồng ASEAN, trong đó có Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN mà các lãnh đạo sẽ thông qua dịp này sẽ tạo ra nhiều cơ hội thúc đẩy thương mại và đầu tư ở khu vực phát triển.

Thủ tướng cho rằng, các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhờ phát huy hiệu quả từ quy mô để tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và xác lập mức giá cả hợp lý. Người tiêu dùng ASEAN và Đông Á sẽ có những lựa chọn hiệu quả hơn về giá cả, chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Điều mong đợi hơn cả là quá trình này sẽ tạo nên sự liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp ASEAN và Đông Á, thúc đẩy phân công lao động khu vực, làm tăng năng lực cạnh tranh của khu vực với thế giới, tạo thêm công ăn việc làm, từ đó góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo, giảm khoảng cách phát triển và thúc đẩy ổn định xã hội.

Thủ tướng cũng cho rằng, việc tạo dựng khuôn khổ thể chế nhằm hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN và mạng lưới các Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN+1 như trên mới là những bước đi đầu tiên. Các nỗ lực này có chuyển thành những thành công trong kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng và sự phát triển chung mạnh mẽ hơn của cả khu vực hay không còn phụ thuộc rất lớn vào sự năng động của Cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa những thuận lợi từ các chương trình chính sách mà Chính phủ các quốc gia ASEAN đã tạo ra để tăng cường liên kết, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và đầu tư, kể cả cơ chế hợp tác công tư (PPP).

* Ngày 27-10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Hội nghị lần thứ 7 Hội đồng Điều phối ASEAN, nhằm hoàn tất toàn bộ công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, đồng thời trao đổi và quyết định về một số vấn đề thuộc phạm vi phụ trách. Tham dự có các Bộ trưởng, Thứ trưởng Ngoại giao của 10 nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chủ trì các Hội nghị.

Tại Hội nghị lần thứ 7 của Hội đồng Điều phối ASEAN, các Bộ trưởng đã kiểm tra và hoàn tất mọi công việc chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 và các Cấp cao liên quan, trong đó có dự kiến Chương trình hoạt động, các nội dung thảo luận và danh mục văn kiện của các Hội nghị Cấp cao do các Quan chức cao cấp (SOM) đệ trình. Các Bộ trưởng đã trao đổi và nhất trí khuyến nghị lên Lãnh đạo cấp cao xem xét quyết định về một số nội dung quan trọng tại Hội nghị Cấp cao lần này. Theo đó, các Bộ trưởng đã nhất trí trình Lãnh đạo các nước ASEAN thông qua Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN, Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo ASEAN về phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng nghề vì phục hồi kinh tế và phát triển bền vững; và Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường phúc lợi và phát triển của Phụ nữ và Trẻ em ASEAN. Các Bộ trưởng cũng đã cho ý kiến và thống nhất nhiều tuyên bố, chương trình hợp tác giữa ASEAN và các đối tác hiện nay, với tổng cộng hơn 30 văn kiện; cùng với dự thảo 7 Tuyên bố Chủ tịch của các Hội nghị lần này. Các Bộ trưởng đã nghe Báo cáo của Tổng Thư ký ASEAN, Chủ tịch Ủy ban các Đại diện thường trực (CPR) cũng như Chủ tịch Nhóm đặc trách về Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) và cho ý kiến chỉ đạo về những vấn đề này; đồng thời thông qua Ngân sách của Ban thư ký ASEAN cho năm tài khóa 2011. Ngoài ra, các Bộ trưởng cũng đã trao đổi về kết quả Diễn đàn Nhân dân ASEAN lần thứ 6 (APF-6) và thống nhất sẽ trình bản Tuyên bố cuối cùng của APF-6 lên các Nhà Lãnh đạo ASEAN.

Sau khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Hội đồng Điều phối ASEAN, các Bộ trưởng đã ký Văn kiện hợp nhất Quy tắc trình các tranh chấp không giải quyết được lên Cấp cao ASEAN vào Nghị định thư của Hiến Chương ASEAN về Cơ chế giải quyết tranh chấp và tham dự Lễ phát hành bộ tem “Việt Nam trong Cộng đồng ASEAN”.

THIỆN THUẬT (TTXVN)

Chia sẻ bài viết