11/05/2010 - 21:03

Nâng cao hiệu quả giám sát, thực hiện tốt chính sách dân tộc

Nhằm góp phần thực hiện tốt các chính sách đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cuối tháng tư vừa qua, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy Ban Dân tộc Chính phủ đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), HĐND TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc tại các tỉnh Tây Nam bộ”. Các đại biểu đã khẳng định việc thực hiện các chính sách về dân tộc bước đầu đã đem lại hiệu quả nhất định, đồng thời kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc để việc thực hiện các chính sách về dân tộc tại khu vực và cả nước đạt hiệu quả cao hơn nữa.

NHIỀU CHÍNH SÁCH CHĂM LO CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC

Qua quá trình giám sát việc triển khai, thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đại biểu cho rằng những năm qua, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương chính sách đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số...; nhiều chương trình, dự án đầu tư đã được triển khai thực hiện tại các vùng này làm cho cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, kết cấu hạ tầng xã hội được tăng cường; công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được những kết quả bước đầu. Văn hóa - xã hội phát triển phong phú hơn, quyền bình đẳng giữa các dân tộc đã được thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố.

Các đại biểu dự hội thảo. 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Sang, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và Lãnh thổ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: “Đồng bào dân tộc Khmer chiếm 90% đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng ĐBSCL. Nhiều thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer, như: Chỉ thị số 117-CT/TW về công tác đối với người Khmer của Ban Bí thư Trung ương Đảng; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, như: Quyết định 135/1998/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135); Quyết định 134/2004/QĐ-TTg về một số cơ chế chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (Chương trình 134); Quyết định 74/2008/QĐ-TTg (QĐ 74) về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn vùng ĐBSCL... Chỉ riêng Chương trình 135 đã có trên 735 tỉ đồng đầu tư cho các hạng mục hỗ trợ sản xuất, xây dựng 3.449 cơ sở hạ tầng thiết yếu; Chương trình 134 cũng đầu tư từ ngân sách Trung ương trên 261 tỉ đồng để xây dựng nhà ở, đất ở; việc triển khai thực hiện QĐ 74 cũng đã giúp hỗ trợ gần 700 tỉ đồng và phát vay với lãi suất bằng 0% cho đồng bào... Ngoài nguồn ngân sách của Trung ương hỗ trợ, các tỉnh, thành trong khu vực cũng đã dùng ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình dân sinh cho đồng bào dân tộc Khmer. Các chủ trương, chính sách này đã góp phần đẩy nhanh tốc độ xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa, cải thiện cuộc sống người dân”...

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Sang hiện nay có những chủ trương, chính sách của Trung ương được các địa phương tổ chức thực hiện còn chậm, nhất là QĐ 74, dẫn đến việc mức giá đất ở, đất sản xuất tăng, mức hỗ trợ của Trung ương và quy định vốn đối ứng của địa phương không đủ để mua đất ở, đất sản xuất cho đồng bào. Từ đó, dẫn đến tình trạng nguồn vốn của chương trình chưa được giải ngân đúng tiến độ. Đồng tình với các ý kiến này, ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cho biết thêm: “Mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu, nhưng phải thừa nhận KT-XH ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số về tổng thể còn chậm phát triển, nhiều nơi còn lúng túng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chất lượng sản phẩm thấp, thị trường tiêu thụ còn khó khăn; kết cấu hạ tầng còn thấp kém, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao. Nguyên nhân của sự tồn tại này là do việc tổ chức triển khai, chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn, có mặt yếu kém; việc quản lý điều hành ở một số nơi bị buông lỏng, công tác kiểm tra, giám sát làm chưa tốt,...”.

TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT...

Ông Sơn Minh Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc giám sát, khảo sát trên địa bàn tỉnh; xem xét việc vận hành, sử dụng nguồn vốn đầu tư cho các chương trình, dự án liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua hoạt động giám sát, đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp cho lãnh đạo tỉnh, các địa phương đề ra những giải pháp cụ thể, rõ ràng, góp phần cho việc quản lý, sử dụng ngân sách đầu tư phát triển KT-XH đối với đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả”. Ở tỉnh Kiên Giang, Đoàn ĐBQH thường xuyên phối hợp và tham gia với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh và UBMTQVN tỉnh tiến hành giám sát, khảo sát việc thực hiện chính sách dân tộc, như: đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với thanh niên dân tộc, hoạt động dạy và học tại các trường nội trú, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sạch,... Ông Danh Út, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, cho biết thêm: “Qua hoạt động giám sát, đã kịp thời phát hiện, kiến nghị cấp thẩm quyền tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình và chính sách”.

Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, thừa nhận: “Hoạt động giám sát nói chung của HĐND thời gian qua đã góp phần cho các địa phương thực hiện tốt các chính sách, giúp cho Quốc hội, Chính phủ ban hành chính sách phù hợp với thực tế, nhưng vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định...”. Ông Sơn Minh Thắng cũng đồng tình: “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm, việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và đời sống còn hạn chế; cuộc sống một bộ phận người dân vẫn còn khó khăn, nhất là những hộ nghèo sống bằng nghề nông nhưng không có đất sản xuất; số lao động thiếu việc làm và có việc làm không ổn định còn cao. Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn các chương trình hỗ trợ của Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương còn chậm”.

Để nâng cao vai trò, hiệu quả giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc tại các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, cũng như các hoạt động giám sát khác của cơ quan dân cử, tất yếu đại biểu dân cử phải nắm vững quan điểm, chủ trương chính sách. Những chủ trương chính sách chung phải được cụ thể hóa và tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm tự nhiên, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của từng dân tộc, từng vùng và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Ngoài ra, việc kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực của đại biểu dân cử, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án cũng như việc thực hiện các chính sách dân tộc cũng sẽ góp phần đảm bảo kết quả thực hiện của các ngành chức năng được tốt hơn. Ông Danh Út nói: “Trên thực tế, lĩnh vực giám sát rất rộng, nhiều vấn đề, văn bản có liên quan (chỉ riêng Chương trình 135 của Chính phủ đã có 41 văn bản của Chính phủ và 24 văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành...), nhưng đại biểu kiêm nhiệm nhiều nên việc tìm hiểu, nắm chủ trương, chính sách pháp luật,... cũng còn hạn chế. Do đó, Quốc hội cần xem xét tăng thêm đại biểu chuyên trách để công tác giám sát hiệu quả hơn”. Còn theo ông Sơn Minh Thắng, một trong những vấn đề then chốt là phải thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy tốt vai trò của nhân dân trong việc giám sát thực hiện chính sách dân tộc và phát huy tính tự lực, tự cường trong cộng đồng, từng hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Theo ông Nguyễn Hữu Tám, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Sóc Trăng, điều quan trọng trước tiên là địa phương, đơn vị phải báo cáo trung thực; đồng thời, các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành cần kịp thời, rõ ràng; kinh phí phải được phân bổ sớm để địa phương có thời gian tổ chức thực hiện...

Tuy còn những hạn chế nhất định, nhưng công tác giám sát của cơ quan dân cử đã góp phần tích cực trong việc thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Hy vọng rằng, những khó khăn, vướng mắc thời gian qua sẽ nhanh chóng tháo gỡ để công tác giám sát ngày càng hoàn thiện hơn, thúc đẩy phát triển KT-XH của vùng ĐBSCL và của cả nước.

Bài, ảnh: QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết