15/02/2017 - 20:28

Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và thủy sản năm 2016

Nâng cao hiệu quả công tác thống kê

Cục Thống kê TP Cần Thơ vừa tổ chức Hội nghị tổng kết Tổng Điều tra nông nghiệp, nông thôn và thủy sản năm 2016 (gọi tắt là Tổng Điều tra). Qua tổng hợp nhanh một số chỉ tiêu của Tổng điều tra cho thấy, nông nghiệp, nông thôn TP Cần Thơ đã có những thay đổi tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn được nâng lên đáng kể. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư, phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; trình độ của cán bộ cấp xã được chuẩn hóa, đáp ứng thời kỳ đổi mới… Thành công của Tổng điều tra tiếp tục là cơ sở quan trọng để TP Cần Thơ triển khai thực hiện hiệu quả cao các cuộc điều tra thống kê có quy mô lớn ở các kỳ sau.

Kết quả khả quan

Bài liên quan:
Nguồn số liệu đáng tin cậy

Ông Nguyễn Văn Phát, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP Cần Thơ, cho biết: Qua tổng hợp nhanh một số chỉ tiêu Tổng điều tra cho thấy, nông nghiệp, nông thôn TP Cần Thơ đã có những thay đổi tích cực, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Số hộ nông lâm thủy sản và số hộ có thu nhập lớn từ nông lâm thủy sản giảm so với cuộc Tổng điều tra vào năm 2011. Cụ thể, trong 140.077 hộ được điều tra có 92.579 hộ nông lâm thủy sản, chiếm 66,09%; trong khi đó, năm 2011 con số này chiếm 78,51%. Ở khu vực thành thị, hộ có nguồn thu từ công nghiệp, xây dựng, thương mại, vận tải có xu hướng tăng (từ 9,89% năm 2011 lên 11,6% năm 2016).

 Một góc đường giao thông nông thôn ở huyện  Vĩnh Thạnh.

Nguyên nhân chủ yếu do quá trình đô thị hóa, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nhiều lao động nông lâm thủy sản chuyển sang tham gia các ngành nghề khác có thu nhập và công việc ổn định hơn. Kết quả điều tra ở khu vực nông thôn, tỷ trọng loại hộ và phân theo nguồn thu nhập chính từ nông lâm thủy sản có xu hướng giảm để chuyển sang các ngành khác, như: công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ…

"Kết quả nêu trên phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương nói riêng và thành phố nói chung. Đó là: Ngày càng nhiều lao động nông thôn dịch chuyển lên làm việc ở các công trình xây dựng, khu công nghiệp trong và ngoài địa bàn. Theo đó, bình quân nhân khẩu thực tế thường trú hộ nông thôn cũng giảm: Năm 2006 là 4,55 nhân khẩu/hộ, năm 2011 là 4,1 nhân khẩu/hộ và năm 2016 là 3,83 nhân khẩu/hộ" – ông Nguyễn Văn Phát cho biết.

Kết quả tổng hợp nhanh từ Tổng điều tra thể hiện: Khu vực nông thôn có chuyển biến tích cực ở nhiều lĩnh vực, như: giao thông, giáo dục, y tế, đời sống. Điển hình: 36/36 xã và 130/291 ấp có đường xe ô tô đến trụ sở UBND xã (các con số tương ứng của năm 2011 là 31/36 và 115/290); 36/36 xã có trạm y tế và có 34/36 trạm y tế xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế (năm 2011 là 29/36); số hộ có sử dụng nước từ công trình nước sinh hoạt tập trung trên 57.690 hộ, so với 44.445 hộ của năm 2011… Bên cạnh đó kết quả nhanh của Tổng điều tra cũng thể hiện, trình độ chuyên môn và nhận thức chính trị của cán bộ chủ chốt của xã (bí thư, chủ tịch) được nâng lên. Từ đó vận dụng khá tốt các chủ chương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để điều hành công tác chuyên môn, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Nâng cao hiệu quả điều tra, thống kê

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Kết quả của Tổng điều tra là cơ sở để các sở, ban, ngành hữu quan và các địa phương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, hoạch định chiến lược, giải pháp… làm tham mưu, góp phần đưa nông nghiệp, nông thôn của TP Cần Thơ phát triển bền vững. Xác định tầm quan trọng này, TP Cần Thơ đã thực hiện nghiêm túc các công việc có liên quan, như: thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp; tổ chức tốt việc lập bảng kê, trưng tập lực lượng tổ trưởng, điều tra viên; tập huấn nghiệp vụ; tuyên truyền về Tổng điều tra… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của Tổng điều tra.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Phát, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP Cần Thơ, Tổng điều tra còn một số hạn chế nhất định. Đó là: Một số hộ dân chưa nhiệt tình, chưa cung cấp thông tin đầy đủ theo yêu cầu của điều tra viên, ảnh hưởng đến chất lượng của số liệu khi tổng hợp. Việc huy động tổ trưởng và điều tra viên chủ yếu dựa vào cán bộ ấp, cán bộ xã. Một số nơi, đôi lúc chưa chú ý đến năng lực nên chất lượng công việc của một số điều tra viên và tổ trưởng chưa đáp ứng yêu cầu. Do đặc điểm của cư dân nông thôn, thành viên hộ làm nhiều ngành, nghề: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại… nên các điều tra viên gặp nhiều khó khăn trong thu thập đầy đủ thông tin về các nguồn thu nhập của hộ để đánh giá và phân loại hộ theo đúng ngành nghề sản xuất. Một số nơi, công tác giám sát, kiểm tra chưa kịp thời, chậm phát hiện các sai sót của điều tra viên trong phỏng vấn, ghi chép, nên một số thông tin phải điều chỉnh, tẩy xóa, làm phiếu không sạch… Mặt khác, các thông báo nghiệp vụ của Ban Chỉ đạo cấp trên chưa truyền tải đến điều tra viên kịp thời, đầy đủ, nên ảnh hưởng đến chất lượng số liệu…

Tại Cần Thơ, Tổng Điều tra diễn ra từ ngày 1-7 đến ngày 30-7-2016. Trên 1.100 tổ trưởng, điều tra viên tiến hành điều tra các nội dung của Tổng Điều tra ở 940 địa bàn với 140.077 hộ, 56 trang trại và 36 xã trên địa bàn thành phố. Đến ngày 28-9-2016, Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng Điều tra đã nghiệm thu các loại phiếu và các tài liệu liên quan của TP Cần Thơ.

Với những khó khăn trên, nhiều ý kiến cho rằng, để các cuộc điều tra của ngành thống kê đầy đủ và chính xác, ngành chức năng cần tiếp tục công tác tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để người dân ngày càng am hiểu và chấp hành. Trong đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền Luật Thống kê sửa đổi, bổ sung năm 2015 cũng như các văn bản khác có liên quan. Qua đó, làm cho người dân hiểu được ích lợi của Tổng điều tra, nhận thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình để sẵn lòng hợp tác, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác. 

Bài, ảnh: Hà Triều

Chia sẻ bài viết