03/09/2012 - 20:12

Nâng cao chuỗi giá trị cá tra từ sản xuất đến bàn ăn

Nâng cao chuỗi giá trị con cá tra từ nuôi trồng, chế biến đến bàn ăn là mục tiêu mà mô hình sản xuất VietGAP hướng đến, vừa góp phần để con cá tra- sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL phát triển ổn định và bền vững. Song, làm thế nào để xây dựng và nhân rộng mô hình là bước đi đầy chông chênh ở phía trước, nhất là trong bối cảnh đầu ra của con cá tra đang bấp bênh như hiện nay.

Mất cân đối cung- cầu

Ngành chế biến cá tra đang cần cải tổ để phát triển bền vững. Ảnh: T.HÀ 

Theo thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam (VASEP), trong 7 tháng đầu năm 2012 các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã xuất khẩu cá tra sang 120 thị trường trên thế giới, đạt giá trị trên 853,6 triệu USD. Thị trường EU vẫn là thị trường chủ lực, nhưng kim ngạch 7 tháng đã giảm 10% so với cùng kỳ năm 2011. Các DN còn chịu sức ép cạnh tranh với mặt hàng cá tra phi lê của các nước khác, một số DN cạnh tranh thiếu lành mạnh đã hạ giá bán từ 3 USD/kg xuống còn 2,6 USD/kg khiến cho ngành sản xuất cá tra từ đầu năm đến nay luôn trong tình trạng khủng hoảng.

Từ năm 2001 đến nay, diện tích nuôi cá tra của ĐBSCL liên tục mở rộng; đến năm 2012 tăng gấp 5 lần, sản lượng cá nguyên liệu tăng gấp 36 lần, sản lượng chế biến xuất khẩu tăng gấp 40 lần so với năm 2001. Theo phân tích của một số Hiệp hội thủy sản ở các địa phương vùng ĐBSCL, một nguyên nhân khác đẩy con cá tra lâm vào tình trạng thừa nguyên liệu còn do nhà nước chưa thể hiện hết vai trò hỗ trợ, thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết dọc của ngành cá tra. Hiện nay, liên kết giữa DN và người nuôi mới đạt 30% diện tích, với sản lượng từ 50-60% nhu cầu chế biến của từng DN. Như vậy, còn khoảng 60-70% sản lượng do người nuôi tự quyết định thời điểm thả giống và thả đồng loạt nên thu hoạch rơi vào khoảng tháng 6-7 đúng vào chu kỳ thu hoạch của nhiều DN. Cá quá lứa, DN không mua, nông dân lỗ trắng tay. Đó là những năm diện tích tăng nóng, còn 2 năm gần đây, diện tích nuôi cá tra giảm đáng kể, nhưng người nuôi cá có thời điểm bán cá nguyên liệu dưới giá thành sản xuất. Rõ ràng bất ổn của ngành cá tra ngoài tác động của thị trường nhập khẩu thì nguyên nhân sâu xa vẫn là bất ổn nội tại của ngành chưa giải quyết thỏa đáng.

Hiện nay, suất đầu tư nuôi 1ha cá tra nguyên liệu, người nuôi phải bỏ ra từ 8-10 tỉ đồng và 100% vốn này được vay từ các ngân hàng thương mại, nên chỉ cần lãi suất biến động tăng, giá thức ăn tăng, đầu ra không thuận lợi sẽ đẩy người nuôi lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần. Đó là chưa kể đến chất lượng con giống còn nhiều yếu kém (tỷ lệ hao hụt lên đến 30-40%), mức độ rủi ro từ dịch bệnh ngày một tăng. DN chế biến cũng khó không kém, DN chế biến cũng dựa vào vốn vay để sản xuất, kinh doanh và áp lực cạnh tranh trên thị trường lớn; một số DN hạ giá bán để giải phóng lượng hàng, trả nợ cho ngân hàng. Nhưng cũng có trường hợp, DN lợi dụng thị trường thấp điểm đã ép giá mua cá của nông dân, hoặc mua trả chậm để chiếm dụng vốn của nông dân. Thực trạng mất lòng tin giữa người nuôi cá và DN đang gia tăng, nếu không giải quyết rốt ráo những bất ổn này thì ngành cá tra sẽ mất dần những giá trị độc quyền của nó.

VietGAP- nâng cao chuỗi giá trị

Theo Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Vĩnh Long, là đối tượng thủy sản xuất khẩu chủ lực 10 năm qua, nhưng con cá tra vẫn chưa có một thương hiệu xứng tầm. Mô hình liên kết “4 nhà” được nhắc đến nhiều năm qua, nhưng “4 nhà” chưa thể hiện hết vai trò, vị trí của mình trong chuỗi liên kết này. Do vậy, cần phải cải tổ mạnh mẽ liên kết “4 nhà” để ngành cá tra phát triển ổn định, bền vững. DN cần minh bạch trong cung cấp thông tin thị trường và yêu cầu chất lượng sản phẩm của khách hàng cho người nuôi; Nhà nước cần tập huấn cụ thể các tiêu chuẩn của mô hình VietGAP cho DN, nông dân; Nhà khoa học nghiên cứu và đưa ứng dụng vào thực tiễn sản xuất; nhà nông phải tổ chức lại sản xuất theo hướng quản lý cộng đồng với các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã và giám sát lẫn nhau trong quá trình nuôi.

Mới đây, tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp tổ chức tại TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, nhiều người nuôi cá tra tỉnh Trà Vinh rất quan tâm đến việc nâng cao chuỗi giá trị cá tra, các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, nhưng quan trọng là nông dân được hỗ trợ gì khi tham gia mô hình VietGAP trên con cá tra. Ông La Minh Trung, nông dân nuôi cá tra ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, nói: “Người nuôi cá tra hiện đang lỗ 2.000- 3.000 đồng/kg. Đó là chưa kể công lao động vào, như vậy làm thế nào để con cá tra phát triển bền vững và người nuôi cá được hưởng lợi thực sự”. Một số ý kiến cho rằng, DN lập lờ không công bố cụ thể size cá, hoặc bắt cá chậm khiến cá quá size, với số lượng hàng trăm tấn thì nông dân làm cách nào để tiêu thụ hết ở chợ. Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm chứng nhận phù hợp QUACERT (Tổng Cục đo lường chất lượng) cho biết: “Việc đánh giá chất lượng sản phẩm cá tra phụ thuộc vào người mua hàng của chúng ta. Do vậy, nhà nước cần hỗ trợ DN, nông dân xây dựng vùng nuôi, hỗ trợ kinh phí để duy trì, tái cấp giấy chứng nhận chất lượng; đồng thời hỗ trợ DN xây dựng chuỗi siêu thị bán hàng ở nước nhập khẩu để tiếp thị sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng”... Và đây là thực tế mà DN, người nuôi không đủ thực lực đưa ngành cá tra vượt qua thách thức, nên rất cần “lực đẩy” từ các cơ quan nhà nước.

Bộ NN&PTNT đã ban hành hướng dẫn áp dụng VietGAP đối với nuôi thương phẩm cá tra (Quyết định 1617/QĐ-BNN-TCTS ngày 18/7/2011) đã cụ thể hóa việc thực hiện Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản ViteGAP tại Việt Nam. Ngày 9-1-2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất, sơ chế sản phẩm nông lâm thủy sản phải có đủ điều kiện sau: áp dụng VietGAP trong sản xuất, sơ chế sản phẩm; có hợp đồng tiêu thụ hoặc phương án tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, ngân sách nhà nước đầu tư 100% kinh phí về điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí để xác định các vùng sản xuất tập trung áp dụng VietGAP do cấp thẩm quyền phê duyệt; hỗ trợ không quá 50% tổng vốn đầu tư, cải tạo (đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm bơm, hệ thống xử lý nước thải...); đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông, dạy nghề cho lao động nông thôn... Từ chủ trương chung này, UBND các tỉnh, thành ban hành cụ thể nội dung, mức hỗ trợ, danh mục sản phẩm đặc thù của địa phương; phê duyệt vùng sản xuất tập trung; thực hiện giám sát, kiểm tra và báo cáo định kỳ về Bộ NN&PTNT... Với 4 tiêu chí cơ bản của VietGAP (đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội và truy nguyên nguồn gốc) là bước đi cần thiết để đưa nghề nuôi trồng, chế biến thủy sản Việt Nam vào trong khuôn khổ, nhằm xây dựng và bảo vệ thương hiệu thủy sản Việt trên trường quốc tế. Mô hình này đang được các địa phương, người nuôi cá rất quan tâm và tập trung thực hiện.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết