03/03/2012 - 09:06

Nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống coh học sinh phổ thông

Vừa qua, trong 2 ngày 23 và 24-2-2012, Đoàn Giám sát Tăng cường giáo dục kỹ năng sống (KNS) thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) (gọi tắt là Đoàn Giám sát) tiến hành khảo sát tình hình thực hiện công tác giáo dục KNS cho học sinh (HS) trong trường phổ thông ở TP Cần Thơ và tỉnh An Giang. Tại TP Cần Thơ, Đoàn Giám sát tiếp thu ý kiến, đề xuất của các giáo viên (GV) để báo cáo với Bộ GD&ĐT nhằm sửa đổi, bổ sung và có cơ sở hoàn chỉnh quyển sách về giáo dục KNS cho HS, tiến tới triển khai rộng rãi trong cả nước...

Trong giờ học, GV để HS chủ động thảo luận, trao đổi, nhất là hoạt động nhóm nhằm giáo dục KNS cho các em. 

Hàng năm, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đều xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, trong đó có nội dung giáo dục KNS cho HS. GV cần chú trọng giáo dục, rèn luyện cho HS các kỹ năng: tự nhận thức, kiểm soát cảm xúc, ứng phó với căng thẳng, lắng nghe tích cực, tìm kiếm và xử lý thông tin... Thời gian qua, việc tập huấn giáo dục KNS trong trường phổ thông được thực hiện bài bản, 100% giáo viên được tập huấn và có tài liệu hướng dẫn giáo dục KNS của Bộ; 100% cán bộ, giáo viên được tập huấn nội dung đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, tạo điều kiện, cơ hội cho học sinh được thực hành, trải nghiệm KNS trong học tập, thông qua các môn học, như: Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân... và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp...

Tại buổi làm việc, khi nghe báo cáo về những thuận lợi, khó khăn của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, Đoàn Giám sát đánh giá cao tình hình triển khai giáo dục KNS cho HS phổ thông và đặc biệt là TP Cần Thơ, ngoài giáo dục KNS trong các môn học còn chú trọng tổ chức nhiều hoạt động giáo dục ngoài giờ khác (các hội thi, câu lạc bộ...) đã góp phần rèn luyện, giáo dục KNS cho HS... Còn những khó khăn trong công tác giáo dục KNS ở TP Cần Thơ đang gặp vẫn là khó khăn chung của cả nước, như: một số học sinh được gia đình chăm sóc, nuông chiều quá mức đã hình thành các thói quen xấu, khó thay đổi; một số học sinh thờ ơ trong hoạt động của các môn học bị coi là không quan trọng như: Giáo dục công dân, Địa lý, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; chưa có bộ giáo trình chuẩn thống nhất về giáo dục KNS cho học sinh...

Đoàn Giám sát tiếp tục đến dự giờ ở các trường: Tiểu học Ngô Quyền, THCS Lương Thế Vinh và THPT Châu Văn Liêm trên địa bàn TP Cần Thơ, trao đổi với các GV về kinh nghiệm giáo dục KNS qua một số môn học. Đây cũng là dịp để Đoàn Giám sát nắm tình hình hoạt động thực tiễn ở địa phương, lắng nghe ý kiến đóng góp của các GV khi giáo dục KNS cho HS, để có cơ sở trình bày với Bộ GD&ĐT, giúp tài liệu giáo dục KNS được thực tế và mang tính khả thi hơn, kịp thời chỉnh sửa những mặt được, chưa được của tài liệu. Hầu hết, các trường đều ủng hộ giáo dục KNS cho HS. Tuy nhiên, nhiều GV cho rằng, do vấn đề thời gian, nội dung bài học nhiều, dài nên khó giáo dục KNS cho HS. Một số GV kiến nghị nên lập bộ môn riêng về giáo dục KNS; sách giáo khoa nên lồng ghép giáo dục KNS nhưng không nhất thiết bài học nào cũng giáo dục KNS; nên nêu những KNS có thể tích hợp trong bài dạy để GV có thể lựa chọn KNS phù hợp nhất giáo dục cho HS... Trước vấn đề này, ông Lê Thanh Sử, thành viên Đoàn Giám sát nêu rõ: “Giáo dục KNS ở đây không phải là tích hợp hay lồng ghép thêm nội dung mà là giáo dục KNS qua môn học, hoạt động ngoài giờ lên lớp bằng cách đổi mới các phương pháp, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS...”.

Ông Trần Quý Thắng, Trưởng đoàn Giám sát, nói: “Trước giờ, GV vẫn giáo dục KNS cho HS nhưng chưa đặt tên là dạy KNS như thế nào và mỗi GV có cách dạy, giáo dục khác nhau. Giờ Bộ GD&ĐT hệ thống hóa nó lại và gọi tên từng kỹ năng một, cách giáo dục từng kỹ năng như thế nào mà HS cần được giáo dục, về nội dung nào có thể giáo dục KNS và phương pháp giáo dục ra sao...”. Giáo dục KNS cho học sinh được thực hiện qua môn học không minh họa, đường nét tích hợp thêm vào nội dung môn học mà là theo một cách tiếp cận mới: sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, cho học sinh được thực hành, cải thiện KNS. GV chỉ cần tích cực đổi mới phương pháp, để HS hoạt động nhiều hơn, hoạt động nhóm, là đã dạy KNS cho HS, cách xử lý các tình huống, phân tích, đối chiếu, khai thác thông tin, suy nghĩ sáng tạo... đều có đầy đủ KNS. Ông Thắng nhận định: “Hiện nay, kỹ năng về học tập của HS tương đối tốt, còn KNS chưa tốt lắm. GV còn nhiều lúng túng về giáo dục KNS, do thói quen dạy theo phương pháp truyền thống nên HS chưa được làm việc nhiều trong giờ học, thảo luận ít. Chính sự tương tác giữa thầy và trò chưa nhiều, giữa trò với trò chưa nhiều nên giáo dục KNS chưa được tốt. Trong làm việc nhóm của HS sẽ nảy sinh nhiều tình huống, vì vậy cần tạo điều kiện cho HS được vận dụng các kỹ năng: quản lý, lãnh đạo, cách diễn đạt, tự tin...”.

Rèn luyện KNS cho HS trong trường phổ thông là điều hết sức cần thiết, đặc biệt là trong tình hình hiện nay cả nước xuất hiện ngày càng nhiều những vụ việc, những ứng xử sai lầm của HS mà nguyên nhân là do thiếu KNS. Ông Nguyễn Quý Đôn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, chia sẻ: “Thực chất KNS không phải là mới, cũng không phải là cũ. KNS đã có từ lâu đời, từ khi con người có hoạt động để tồn tại, chống chọi với thiên nhiên, vật lộn với cuộc sống để sinh tồn, phát triển... KNS mới ở đây là hệ thống hóa nó lại thành khái niệm, giáo dục KNS, có tài liệu, có trình tự... Vì thế, GV phải tự trau dồi tay nghề, tự học và tích lũy, phải cập nhật và tự nâng mình lên để làm tốt vai trò giáo dục, hướng dẫn KNS cho HS. Và đối với HS, KNS trong nhà trường chỉ là định hướng cơ bản, HS cần phải tự rèn luyện mình”.

Bài, ảnh: LÊ NGỌC

Chia sẻ bài viết