30/04/2015 - 20:17

SÓC TRĂNG

Nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc Khmer

Sóc Trăng là tỉnh có dân cư là người đồng bào dân tộc Khmer đông nhất so với các địa phương khác trong khu vực Nam bộ, chiếm trên 30% dân số của tỉnh. Nhiều năm nay, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc quan tâm đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc, góp phần tích cực trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer trên địa bàn.

Thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn, ấp đặc biệt khó khăn (gọi tắt là Chương trình 135), từ năm 1999 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư cho 137 lượt xã và 170 lượt ấp đặc biệt khó khăn, với kinh phí trên 744,3 tỉ đồng (cả 3 giai đoạn). Đến nay, tỉnh cũng đã thực hiện hơn 1.200 công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, điện thắp sáng, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế... Theo ông Lý Bình Cang, Trưởng Ban dân tộc tỉnh, trước đây, đồng bào Khmer của tỉnh, nhất là ở khu vực nông thôn, gặp nhiều khó khăn về: đường giao thông kém thuận lợi, nước sinh hoạt, điện thắp sáng, trường học, dịch vụ chăm sóc y tế... còn hạn chế nên đời sống gặp nhiều khó khăn; trình độ dân trí còn rất thấp. Chương trình 135 (cả 3 giai đoạn) và các chương trình dự án khác của Đảng, Nhà nước được thực thi đã giúp đời sống đồng bào Khmer phát triển toàn diện.

Trước đây, khi nói đến các ấp vùng sâu, có đông đồng bào Khmer, ai cũng ngán ngại đường sá sình lầy. Nhưng giờ đây, hầu hết các tuyến đường từ trung tâm huyện, xã đến phum sóc vùng sâu, vùng xa đều được bê tông, lót đan phẳng lì; những ngôi nhà khang trang mọc lên, những ánh đèn điện soi sáng làm cho phum sóc Khmer ngày càng đẹp. Ông Thạch Minh Lây, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, nói: “Xã có trên 98% là đồng bào Khmer, trước đây, việc đi lại chỉ đi bộ, lội sình, nhà lá chỉ đốt đèn dầu. Qua 3 giai đoạn thụ hưởng Chương trình 135 thì xã Phú Mỹ đã đổi mới hoàn toàn. Hiện nay, cả 6 ấp của xã đều có đường bê tông, lót đan nối liền nhau; nước sạch sinh hoạt, điện thắp sáng kéo đến tận nhà; hệ thống thủy lợi khép kín đảm bảo nước ngọt sản xuất quanh năm nên đời sống của đồng bào đã nâng lên. Trước năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo của ấp chiếm trên 34%, nay giảm xuống còn 17%. Đặc biệt, trường học của xã được xây dựng khang trang từ cấp mầm non đến THCS, ấp vùng sâu thì có điểm trường lẻ nên hầu hết con em ai cũng được đến trường dễ dàng. Nhờ vậy, trình độ dân trí của xã đã nâng lên”.

Là địa phương có đông đồng bào Khmer, sau khi thụ hưởng chính sách dân tộc, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên cũng đã khoác trên mình một diện mạo nông thôn mới. Ông Lê Minh Tán, Chủ tịch UBND xã Tham Đôn, cho biết:“Trước đây, ở Tham Đôn, nước ngọt và điện thắp sáng đều không có, đất thì ngập mặn, nhiễm phèn sản xuất không hiệu quả, hộ nghèo cao. Được Nhà nước đầu tư, đến nay, đường giao thông nông thôn đến từng phum sóc, hệ thống thủy lợi khép kín, bà con sản xuất 2 vụ lúa/năm và trồng màu quanh năm. Đặc biệt, Chương trình 134 đã xây trạm cấp nước sạch, giếng khoan đã giúp bà con có nước sạch sinh hoạt”. Bên cạnh đó, một số chương trình khác cũng được lồng ghép triển khai đồng bộ như 134, 167, 74... hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, vốn, con giống cây trồng, vật nuôi… cho đồng bào Khmer phát triển sản xuất nên tình hình kinh tế - xã hội của xã có bước phát triển vượt bậc.

Ông Nguyễn Trung Hiếu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng
tặng quà cho sư sãi nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây.  

Thực hiện Chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, tính đến năm 2014, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã phục vụ cho gần 150.000 hộ dân, tổng dư nợ gần 2.200 tỉ đồng. Những mô hình đang được đồng bào Khmer Sóc Trăng thực hiện có hiệu quả là nuôi bò sữa tại các xã Đại Tâm, Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên), Tài Văn, Viên An (huyện Trần Đề),... Theo ông Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, mô hình nuôi bò sữa trong đồng bào Khmer đang phát triển mạnh, hiệu quả bền vững. Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2013-2020, với mục tiêu phát triển đàn bò sữa của tỉnh lên 17.800 con, sản lượng sữa đạt 23.000 tấn/năm vào năm 2020. Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án hơn 286 tỉ đồng, trong đó, vốn huy động từ doanh nghiệp và các nông hộ là trên 201 tỉ đồng. Từ mô hình nuôi bò sữa nhiều hộ Khmer đã trở thành tỉ phú. Điển hình ông Liêu Anh Tuấn, ở ấp Sô La, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên. Hiện nay, ông có 25 con bò sữa, trong đó, 20 con bò đang cho sữa. Với số lượng bò này, ông đã mua máy vắt sữa theo đúng kỹ thuật mới và chuyển 10 công đất ruộng để trồng cỏ cho bò ăn. Ông Tuấn tính toán: “Một con bò cho sữa từ 15 đến 20 lít/ngày, bán với trên 12.000 đồng/kg. Vậy trong một ngày, với 20 con bò sữa, sau khi trừ chi phí cũng còn lời 3 triệu đồng. Trong một năm gia đình tôi nắm chắc trong tay trên 1 tỉ đồng”.

Trường dân tộc nội trú dành cho con em đồng bào Khmer, đã góp phần nâng cao
trình độ dân trí vùng đồng bào Khmer. 

Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế, công tác đào tạo cho con em đồng bào Khmer cũng được tỉnh quan tâm thực hiện. Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đã có 8 trường trung học cơ sở dân tộc nội trú, 1 Trường trung học phổ thông dân tộc nội trú dành cho con em đồng bào Khmer và Trường BTVH Pali Trung cấp Nam bộ dành cho tăng sinh. Song song đó, công tác xét cử tuyển hệ đại học, dự bị đại học dành cho con em đồng bào Khmer cũng được quan tâm. Bình quân mỗi năm có khoảng 200 học sinh được xét tuyển các trường đại học, cao đẳng. Tỉnh quan tâm thực hiện đào tạo gắn kết với công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc Khmer. Hiện nay, Đảng bộ tỉnh có 4.554 đảng viên là người dân tộc Khmer, chiếm 13,3% tổng số đảng viên; gần 5.000 cán bộ, công chức, viên chức là người Khmer; chiếm 20,32% tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh. “Hiện nay, các xã, phường, thị trấn có đông đồng bào Khmer đều có người dân tộc giữ vị trí chủ chốt. Vì vậy, việc triển khai các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước dễ dàng hơn”- Ông Lý Bình Cang khẳng định.

Song song đó, công tác tôn giáo cũng được tỉnh quan tâm thực hiện. Đến nay, tỉnh cũng đã xây dựng gần 100 lò hỏa táng cho 92 chùa và cụm dân cư có đông đồng bào Khmer. Đặc biệt, vào những ngày lễ tết như lễ Đôn-ta, Chôl Chnăm Thmây… tỉnh còn tổ chức nhiều đoàn đến thăm, chúc mừng và tặng quà cho các chùa Khmer và bà con Khmer nghèo trên địa bàn; truyền hình trực tiếp chương trình văn nghệ Khmer tại chùa để phục vụ cho đồng bào vui chơi giải trí. Hòa thượng Tăng Nô, Phó Hội trưởng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh cho biết: “Nhiều năm nay, Nhà nước rất quan tâm chăm lo cho đồng bào Khmer và việc tu học của sư sãi. Đối với chùa Khmer Nhà nước luôn tạo điều kiện tốt nhất để chùa xây dựng, trùng tu công trình trong chùa, tổ chức lễ hội truyền thống của dân tộc, mở lớp dạy chữ Khmer, Pali… Đặc biệt, Nhà nước đầu tư trên 28 tỉ đồng để xây dựng Trường BTVH Pali Trung cấp Nam bộ dành cho tăng sinh. Tăng sinh theo học trong trường đều miễn toàn bộ học phí và hưởng học bổng theo chính sách của Nhà nước. Từ đó, bà con phật tử Khmer và sư sãi càng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng”.

Qua nhiều năm thực hiện các chính sách dân tộc, tỉnh Sóc Trăng đã phân bổ hàng ngàn tỉ đồng đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc. Từ đó, nhiều hộ Khmer đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đề ra. Năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt cao với mức 10,04% (năm 2013 là 9,4%); sản lượng lúa đạt trên 2,265 triệu tấn, vượt chỉ tiêu là 2 triệu tấn; có hơn 14.400 hộ thoát nghèo, trong đó hộ nghèo dân tộc Khmer năm 2014, giảm xuống còn khoảng 23%. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 34,3 triệu đồng/người, tăng 4,3 triệu đồng so với năm 2013. Ông Lý Bình Cang, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: “Nhiều năm qua, những chính sách dân tộc đầu tư phát triển vùng đồng bào Khmer tại tỉnh thực hiện rất hiệu quả. Từ đó, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của bà con nâng lên, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi thay theo hướng hiện đại. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào Khmer; phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào Khmer để người uy tín thật sự là cầu nối của Đảng với nhân dân; củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc; tích cực thực hiện các chính sách và một số chương trình, dự án đầu tư cho đồng bào Khmer, nhất là hộ nghèo để phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer của tỉnh giảm còn dưới 12%”.

Bài, ảnh: DUY ANH

Chia sẻ bài viết