30/07/2020 - 07:30

Nâng cao cảnh giác với tội phạm mua bán người 

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người diễn ra ngày càng phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, chủ yếu tập trung vào phụ nữ và trẻ em gái. Tại TP Cần Thơ, các cơ quan ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái, nhằm phòng ngừa tình trạng mua bán người xảy ra.

Luật sư Dương Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Luật gia, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia TP Cần Thơ, tư vấn pháp luật cho phụ nữ.

Theo ngành chức năng TP Cần Thơ, gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện tình trạng phụ nữ ở các tỉnh trong khu vực ÐBSCL tập trung về Cần Thơ để một số đối tượng môi giới giới thiệu kết hôn với đàn ông Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc... Sau khi những phụ nữ này đồng ý, các đối tượng sẽ hướng dẫn làm thủ tục xin đăng ký kết hôn; có trường hợp đưa thẳng ra nước ngoài bán cho đàn ông Trung Quốc làm vợ. Số liệu thống kê từ Sở Tư pháp TP Cần Thơ, từ năm 2019 đến 30-5-2020, toàn thành phố có 2.594 trường hợp kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài. Trong đó, có trên 2.000 trường hợp đăng ký kết hôn và gần 600 trường hợp ghi chú kết hôn với người Trung Quốc, Hàn Quốc. Riêng 5 tháng đầu năm 2020 (từ ngày 1-1-2020 đến 30-5-2020), thành phố có 99 trường hợp ghi chú kết hôn với người Trung Quốc, Hàn Quốc.

Theo các ngành chức năng thành phố, nguyên nhân gia tăng tình trạng mua bán người là do siêu lợi nhuận, mất cân bằng giới, khó khăn về kinh tế, thiếu việc làm, thông thoáng trong xuất khẩu lao động, thiếu cảnh giác của phụ nữ vùng sâu, vùng xa, nông thôn, có trình độ học vấn thấp nên các đối tượng tiếp cận làm quen, giả vờ yêu đương rồi bán sang nước ngoài...

Ðể nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm mua bán người, trong 4 năm qua, từ năm 2016 đến tháng 6-2020, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn quận Ninh Kiều đã chủ động phối hợp với ngành chức năng tuyên truyền ngăn chặn các loại tội phạm và tệ nạn xã hội (TNXH), góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong từng hộ gia đình hội viên, phụ nữ. Hiện nay, 11 phường và 71 khu vực trong quận Ninh Kiều đều có mô hình phòng, chống tội phạm. Phát huy vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình phòng, chống tội phạm, TNXH, các cấp Hội phối hợp với các ngành chức năng vận động cán bộ, hội viên và nhân dân thực hiện tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc kết hợp với các cuộc vận động tại cơ sở. Qua đó, nhiều mô hình phòng, chống tội phạm được xây dựng, duy trì và nhân rộng như: “Toàn dân tham gia tố giác tội phạm và TNXH qua đường dây nóng”, “Phòng, chống tội phạm bằng hệ thống camera an ninh”, “Quản lý, cảm hóa, giáo dục các loại đối tượng ở cộng đồng dân cư”, “Phòng ngừa, quản lý, giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật”, “Quán cà phê pháp luật”, “Tiệm uốn tóc pháp luật”.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Lam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Cần Thơ, thời gian qua, Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố thường xuyên chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân và hội viên phụ nữ, nhất là nữ thanh niên, thiếu niên về phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người để chủ động phòng tránh; tích cực phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho các đối tượng là phụ nữ, trẻ em gái... Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người; ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng tội phạm; kịp thời hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nạn nhân. 

Bài, ảnh: XUÂN ĐÀO

Chia sẻ bài viết