16/11/2022 - 08:16

Nam Mỹ thách thức vị thế của châu Âu tại World Cup 

BÌNH DƯƠNG (Theo AP)

Thế thống trị World Cup của các đội tuyển châu Âu có nguy cơ bị lật đổ bởi Brazil và Argentina tại Qatar năm nay.

Tuyển Argentina (số 2) từng thua Pháp ở World Cup 2018. Ảnh: 90min

7 trong số 8 đội tuyển vào tới trận chung kết World Cup gần đây đều đến từ châu Âu. Ðến nay, chỉ có 3 quốc gia ngoài châu Âu là Brazil, Argentina và Uruguay vào tới trận chung kết World Cup. Uruguay chưa góp mặt ở trận này kể từ năm 1950.

Trong khi đó, 13/16 đội vào tới bán kết gần đây cũng đến từ châu Âu. Chỉ 2 quốc gia ngoài cựu lục địa (không tính Brazil, Argentina) vào tới bán kết kể từ năm 1970 là Hàn Quốc năm 2002 và Uruguay năm 2010. Ðối với châu Phi, chưa đội nào đặt chân tới bán kết. Vòng này cũng chưa từng gọi tên đại diện Bắc Mỹ nào kể từ tuyển Mỹ ở kỳ World Cup đầu tiên trong lịch sử vào năm 1930. Tóm lại, các nước khắp thế giới đều được mời dự lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh, nhưng thực tế chủ yếu các đội châu Âu mới ở lại đến khi giải hạ màn.

Giải thích về vấn đề trên, Jonathan Wilson, cây bút bóng đá người Mỹ, cho rằng châu Âu giành thế thống trị gần đây là do các nền bóng đá hàng đầu của châu lục rót tiền và nguồn lực vào công tác đào tạo cầu thủ trẻ. Wilson gọi đây là “công nghiệp hóa quá trình sản xuất cầu thủ trẻ”, bắt đầu bằng việc Pháp mở trung tâm bóng đá quốc gia INF Clairefontaine vào thập niên 1990, được theo chân bởi Ðức, Tây Ban Nha và gần đây nhất
là Anh.

Những tài năng trẻ này sau đó tiếp xúc với giải vô địch quốc gia ở đất nước họ, mà đây lại là những sân chơi cấp CLB hùng mạnh và giàu có nhất thế giới. “Các bạn có những cơ sở đào tạo tốt nhất, thầy giỏi nhất để học hỏi. Rồi sau đó, bạn tự kiểm tra năng lực của mình bằng cách so găng với những đối thủ giỏi nhất”, Wilson lập luận.

Tính từ năm 1994, đội tuyển duy nhất ngăn cản được người châu Âu nâng cúp Vàng là Brazil do Luiz Felipe Scolari dẫn dắt tại World Cup 2002. HLV Scolari cho rằng ông đã có “một thế hệ xuất chúng”, tức bộ ba cầu thủ tấn công Ronaldo, Rivaldo và Ronaldinho. Ông còn nói các đội châu Âu hiện nay sản sinh cầu thủ tốt hơn trước sau khi nghiên cứu đội tuyển Brazil hồi năm 1958, tập thể đã mang về danh hiệu vô địch World Cup đầu tiên trong bộ sưu tập 5 danh hiệu của xứ Samba hiện nay.

Tuy nhiên theo Scolari, thế thống trị của châu Âu đang ở “giai đoạn” mà có thể bị kết thúc bởi tuyển Brazil tại Qatar lần này hoặc World Cup 2026. Cơ sở để ông lạc quan như thế là Brazil đến World Cup 2022 với tư cách ứng viên nặng ký nhất, bất bại tại vòng loại khu vực Nam Mỹ và chỉ thua 5/76 trận dưới thời HLV Tite. Còn nếu thất bại, trong 4 năm tới các tuyển thủ Brazil sẽ ở độ tuổi chín nhất của sự nghiệp, 26 hoặc 27 tuổi.

Trong khi đó, kẻ thách thức ngoài châu Âu lớn nhất đối với Brazil chính là Argentina, đội từng 2 lần vô địch World Cup và hiện đứng thứ ba trên bảng xếp hạng của FIFA. Xét trong 6 trận gần nhất, tuyển Anh chưa biết mùi thắng, Pháp và Ðức chỉ thắng 1 trận, còn Ý thậm chí không có vé đến Qatar. Trong khi các đội mạnh nhất của châu Âu đang chật vật, Argentina trải qua 35 trận bất bại dưới triều đại Lionel Scaloni, HLV hiện sở hữu đội bóng khá cân bằng với Lionel Messi dẫn dắt hàng công toàn sao.

Nếu không tính Brazil và Argentina, cũng rất khó tìm được đội tuyển nào ngoài châu Âu đủ sức lên ngôi thế giới bởi châu lục này đóng góp 10 đại diện trong tốp 12 của bảng xếp hạng FIFA và 13/32 đội tranh tài tại Qatar.

Chia sẻ bài viết