02/07/2012 - 22:02

Mưa giông và lốc xoáy gây nhiều thiệt hại tại Sóc Trăng và Trà Vinh

* Cà Mau: Di dời 300 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở

Tối 1-7, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tiếp tục xảy ra mưa to, kèm theo gió lớn và lốc xoáy làm sập và tốc mái thêm hàng chục căn nhà của dân tại các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu. Tính riêng trong 3 ngày qua, toàn tỉnh Sóc Trăng đã có gần 250 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 50 căn bị sập hoàn toàn; thiệt hại ước tính gần 1,4 tỉ đồng.

Trước đó, trong 2 ngày 29-30/6, mưa giông và gió lốc đã làm tốc mái và đổ sập gần 200 nhà của người dân tại huyện Vĩnh Châu. Tại huyện Mỹ Xuyên còn có 1 nhà xe bị sập và 6 phòng học bị tốc mái ở xã Gia Hòa 1. Chưa có thống kê thiệt hại về người.

Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, địa phương chịu thiệt hại nhiều nhất do giông lốc, chính quyền các địa phương và các ban, ngành và đoàn thể đang bám sát hiện trường, giúp dân khắc phục hậu quả, trước mắt, chính quyền phối hợp với đoàn thể, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn giúp bà con xây dựng lại nhà cửa.

* Liên tiếp trong những ngày cuối tháng 6-2012 (từ 28- 30/6) trên địa bàn tỉnh Trà Vinh xuất hiện mưa giông trên diện rộng làm ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hoạch gần 4.000 ha lúa đang trong giai đoạn chín rộ, làm ngã đổ khoảng 5.000 ha khác đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông và sắp chín.

Vào thời điểm mưa giông, máy gặt đập liên hợp (GĐLH) không thể thu hoạch được, buộc phải thu hoạch bằng thủ công; trong khi đó, nguồn lao động tại địa phương rất ít. Bởi vì trong những năm gần đây, có nhiều lao động ở vùng nông thôn đã “chuyển dịch” tìm việc làm tại các khu công nghiệp và ở các thành phố, thị xã. Từ đó, giá công thu hoạch bằng thủ công cao ở mức kỷ lục, tùy theo mức độ ngã đổ có giá từ 500.000- 600.000 đồng/công (1.000m2), tăng hơn gấp đôi so với thu hoạch bằng máy GĐLH. Hơn nữa, lúa tươi thu hoạch bằng thủ công thương lái rất kén chọn, thường mua thấp hơn lúa thu hoạch bằng máy GĐLH khoảng 150 - 200 đồng/kg...

Vụ lúa hè thu năm nay, Trà Vinh xuống giống được gần 80.000 ha; đến nay, đã thu hoạch được khoảng 8.000 ha, năng suất bình quân đạt 5,7 tấn/ha, tăng 0,3 tấn/ha so vụ hè thu trước. Tuy trúng mùa nhưng nông dân thu lãi không đáng kể, bởi vì giá lúa hè thu hiện đang đứng ở mức thấp, lúa tươi hiện chỉ có giá khoảng 3.800- 3.900 đồng/kg, lúa khô đủ chuẩn xuất khẩu chỉ khoảng 4.800- 4.900 đồng/kg (tùy loại), giảm khoảng 700- 800 đồng/kg so cùng thời điểm năm ngoái. Trong khi chi phí vụ lúa hè thu thường tăng hơn các vụ lúa khác trong năm từ 20- 30%; riêng các hộ gặp bất lợi về sâu bệnh, thời tiết như: khô hạn, thu hoạch đúng vào thời điểm mưa dầm,...chi phí cao hơn nhiều.

* Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết, đầu tháng 7 này, chính quyền địa phương sẽ hoàn tất việc di dời khoảng 300 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm ở ven biển, có nguy cơ sạt lở về nơi cư trú an toàn, ổn định cuộc sống lâu dài. Hiện nay, sau khi được chính quyền vận động, hầu hết bà con đều tự nguyện di dời.

300 hộ được di dời ra khỏi vùng nguy hiểm này nằm trong số gần 2.000 hộ dân đang cất lều, dựng trại cư trú trong khu vực rừng phòng hộ ven biển. Bà con sống rất tạm bợ, dùng cây lá dựng lều để ở và chặt cây rừng, bắt thủy sản bán để kiếm sống qua ngày. Hầu hết bà con không phải là người địa phương, không hiểu các quy định về bảo vệ rừng cũng như bảo vệ nguồn lợi thủy sản khiến các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong khâu quản lý, xử lý vi phạm.

Chính quyền địa phương đã đầu tư trên 300 tỉ đồng quy hoạch, xây dựng 5 khu tái định cư với tổng diện tích trên 1.000 ha để di dời các hộ dân về sinh sống. Sau 3 năm vận động, hiện đã có 170 hộ về nơi ở mới. Dự kiến trong năm 2012, chính quyền địa phương sẽ đưa tiếp khoảng 500 hộ về ở; trước mắt giải quyết số hộ hiện sống trong vùng nguy hiểm ven biển, nơi có nguy cơ sạt lở mạnh và triều cường dâng cao, số còn lại sẽ tiếp tục di dời trong thời gian tới.

CHANH ĐA - HUY HOÀNG - THÀNH NÊN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết