20/12/2007 - 21:16

Một số vấn đề về thừa kế, chuyển nhượng, phân chia tài sản liên quan đến nhà, đất

Hỏi:
1/Anh ruột và chị dâu tôi đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy gần 3.000m2 đất. Anh chị tôi có 2 con đã thành niên có công ăn, việc làm ổn định. Anh tôi chết năm 2005. Vậy theo quy định của pháp luật thì cha mẹ tôi được hưởng di sản thừa kế của anh tôi để lại không? Tại sao? Nếu có thì phải làm thủ tục như thế nào?

Dương Thị Điệp (phường Long Hòa, quận Bình Thủy)

2/ Trước đây, cha mẹ chồng tôi có cho vợ chồng tôi lô đất diện tích khoảng 7.000m2. Nay, do vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, chúng tôi thuận tình ly hôn. Nếu ly hôn, tôi có được hưởng một phần tài sản nói trên không?

Nguyễn Thị Tuyết Minh (phường Long Hòa, quận Bình Thủy)

3/ Vợ tôi cùng 2 đứa cháu gái (cháu ruột) đứng tên chủ quyền giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở quyền sử dụng đất ở, căn nhà ở Việt Nam, tọa lạc tại phường An Thới, quận Bình Thủy. Hiện tại, họ đang định cư ở Hoa Kỳ. Vậy muốn bán căn nhà nói trên thì thủ tục làm thế nào?

Nguyễn Ngọc Thành (phường Tân An, quận Ninh Kiều)

4/ Tôi có 200m2 đất thổ cư đang tọa lạc tại phường An Hòa, quận Ninh Kiều. Nay muốn chuyển nhượng cho người khác thì thủ tục thế nào? Cơ quan nào thực hiện chứng thực việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói trên?

Nguyễn Hoàng Đông (phường An Hòa, quận Ninh Kiều)

5/ Tôi và em trai ruột cùng đứng tên sở hữu nhà và đất. Nay, em tôi đã mất. Vậy thủ tục cần làm những gì, thế nào?

Trần Thị Ở (phường Thới Bình, quận Ninh Kiều)

* Những thắc mắc của các bạn đọc trên được Luật sư Ngô Công Minh, Cộng tác viên Trung tâm TGPL Cần Thơ, trả lời như sau:

1/ Trường hợp của bà Dương Thị Điệp (phường Long Hòa, quận Bình Thủy): Anh ruột, chị dâu của bà đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tọa lạc tại phường Long Hòa là tài sản chung của vợ chồng (Điều 27 Luật Hôn nhân gia đình).

Trường hợp anh ruột của bà chết năm 2005, nếu như anh của bà không để lại di chúc hợp pháp cho người khác thì phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người vợ trở thành di sản thừa kế (Điều 634 Bộ luật Dân sự) được phân chia cho người thừa kế theo quy định pháp luật.

Tại thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết (điểm a, khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự). Như vậy, cha, mẹ bà là người thừa kế thuộc hàng thứ nhất được thụ hưởng kỷ phần (cha, mẹ bà mỗi người được hưởng một suất thừa kế theo pháp luật) do con ruột chết để lại.

Thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo pháp luật, người thừa kế có thể tiến hành các thủ tục tại cơ quan công chứng (Điều 49, Điều 50 Luật Công chứng) hoặc chứng thực tại UBND có thẩm quyền (Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT/BTP-BTNMT ngày 13-6-2006).

2/ Trả lời chị Nguyễn Thị Tuyết Minh (phường Long Hòa, quận Bình Thủy): Cha mẹ chồng cho chị khoảng 7.000m2 đất nếu như chị hoàn tất thủ tục chuyển nhượng và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật thì đây là tài sản chung của vợ chồng (Điều 27 Luật Hôn nhân gia đình). Khi ly hôn tài sản là quyền sử dụng đất được giải quyết phân chia cho vợ chồng (Điều 95, Điều 97 Luật Hôn nhân gia đình) hoặc vợ chồng có thể thỏa thuận khác để phân chia khi thuận tình ly hôn.

3/ Trường hợp anh Phạm Ngọc Thành (phường Tân An, quận Ninh Kiều): Hiện nay, người thân của anh đang định cư tại Hoa Kỳ, nếu như họ muốn chuyển dịch tài sản này cho người khác thì có thể thực hiện như sau:

- Trở về Việt Nam để tiến hành các thủ tục tại Phòng công chứng (Điều 35, Điều 36, Điều 37 Luật Công chứng ngày 12-12-2006) gồm các giấy tờ sở hữu nhà, đất, giấy tờ cá nhân (hộ chiếu) và giấy tờ khác để chứng minh. Hoặc ủy quyền cho người khác cư trú tại Việt Nam định đoạt tài sản này. Văn bản ủy quyền do chính quyền nơi cư trú xác nhận phải được hợp thức hóa Lãnh sự (Điều 26 Pháp lệnh lãnh sự ngày 13-11-1990). Và như vậy khi tiến hành thủ tục mua bán nhà thuộc sở hữu chung phải có sự đồng thuận của đồng sở hữu (Điều 96 Luật Nhà ở).

4/ Trả lời anh Nguyễn Hoàng Đông (phường An Hòa, quận Ninh Kiều) như sau: Việc chuyển nhượng 200m2 đất thổ cư được chứng thực tại UBND phường, xã nơi có đất. Về thủ tục chứng thực người chuyển nhượng phải có giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền tài sản và giấy chứng minh nhân thân người chuyển nhượng, người được chuyển nhượng cùng với phiếu yêu cầu (mẫu 01/PYC) và hợp đồng chuyển nhượng (mẫu số 7/HĐCN) (trình tự, thủ tục được thực hiện theo Điều 27 Luật Đất đai và Thông tư liên tịch số 04/2006 ngày 13-6-2006 của Bộ Tư pháp và Bộ TNMT).

5/ Thắc mắc của chị Trần Thị Ở (phường Thới Bình, quận Ninh Kiều) được trả lời như sau: Hai chị em ruột cùng đứng tên sở hữu nhà đất, nay người em chết thì phải lập thủ tục thừa kế để khai nhận di sản do người em chết để lại, nếu như không có di chúc thì di sản này thuộc trường hợp thừa kế theo pháp luật (Điều 675 Bộ luật Dân sự) và những người thừa kế theo pháp luật được thụ hưởng di sản ấy theo thứ tự hàng thừa kế (Điều 676 Bộ luật Dân sự), thủ tục khai nhận di sản thừa kế có thể lập tại Phòng công chứng hoặc chứng thực tại UBND quận, huyện.

Bích Anh (thực hiện)

Chia sẻ bài viết