"Từ "Từ ấy" đến "Một tiếng đờn", thơ Tố Hữu là một nguồn mạch quan trọng tạo nên khuôn mặt đẹp của thơ ca Việt Nam hiện đại". Giáo sư Hà Minh Đức đã nhận định như vậy trong quyển "Tố Hữu - Thơ" (NXB Văn học, 2005, tái bản lần thứ 7). Quả vậy, trong suốt gần 70 năm hoạt động cách mạng và sáng tác, đồng chí Tố Hữu luôn lấy chủ nghĩa cách mạng, Đảng và Bác Hồ làm "kim chỉ nam". Ông gọi đó là: "Trăm năm duyên kiếp Đảng và thơ!".
Một số tác phẩm thơ của nhà thơ Tố Hữu được sưu tầm.
Đồng chí Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, bí danh là Lành, sinh ngày 4-10-1920 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Ðiền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ðồng chí tham gia Ðoàn Thanh niên Cộng sản và trở thành người lãnh đạo Ðoàn Thanh niên Dân chủ ở Huế từ năm 16 tuổi. Năm 1937, khi mới 17 tuổi, đồng chí vinh dự được gia nhập Ðảng Cộng sản Ðông Dương. Sự kiện này được đồng chí ghi nhớ bằng bài thơ "Từ ấy" rất nổi tiếng với những câu thơ thấm đượm tình yêu nước, niềm tin sắt son vào Ðảng:
"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim"
Ðồng chí là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, từng bị thực dân Pháp bắt, giam cầm và tra tấn nhưng vẫn giữ trọn khí tiết, vượt ngục trở về, tiếp tục tham gia sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Sau ngày đất nước hòa bình, đồng chí Tố Hữu tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc với nhiều trọng trách được Ðảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Ðồng chí từng giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng. Ðồng chí mất ngày 9-12-2002. Suốt gần 70 năm không ngừng nghỉ hoạt động cách mạng và làm thơ, đồng chí Tố Hữu đã có công lao, thành tích to lớn trong sự nghiệp cách mạng; được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Ðảng, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật, nhiều huân chương, huy chương và phần thưởng cao quý khác.
Cuộc đời hoạt động cách mạng trải qua nhiều lĩnh vực công tác, đặc biệt trên lĩnh vực công tác tư tưởng - văn hóa, đồng chí Tố Hữu luôn thể hiện phẩm chất cao quý là nhà hoạt động chính trị năng nổ, người lãnh đạo ưu tú trên mặt trận này của Ðảng. Ðồng chí là tấm gương mẫu mực thực hiện xuất sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Ðồng chí không chỉ truyền đạt đường lối văn hóa, văn nghệ của Ðảng đến với đội ngũ văn nghệ sĩ, với đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân, mà còn là người lính xung kích thực hiện thắng lợi đường lối ấy, góp phần xây dựng đời sống tinh thần ngày càng phong phú và lành mạnh.
Trong phạm vi bài viết này, xin được tưởng nhớ đến đồng chí Tố Hữu với phương diện nhà thơ và những vần thơ ở hai nội dung: viết về Bác Hồ và viết về người phụ nữ Việt Nam.
►"Bác ơi!"
Không chắc nhà thơ Tố Hữu đã là người làm thơ nhiều nhất về Bác Hồ nhưng đoan chắc rằng, ông là nhà thơ có nhiều bài thơ về Bác hay nhất, có sức sống bền bỉ nhất.
Trong tập thơ đầu tay "Từ ấy", nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ "Hồ Chí Minh", đề dưới bài thơ ngày 26-8-1945. Ông viết những câu thơ hùng hồn:
"Hồ Chí Minh
Hỡi ngọn đuốc thiêng liêng
Trên đầu ta, ngọn cờ dân tộc
Trăm thế kỷ trong tên Người: Ái Quốc
Bạn muôn đời của thế giới đau thương!"
Thơ Tố Hữu luôn nổi bật bởi tính tả thực, chi tiết nhưng lại dạt dào cảm xúc, hòa trong hồn thơ thấm đẫm hồn dân tộc. Sau bài thơ "Hồ Chí Minh", 6 năm sau - năm 1951, từ dấu ấn sâu đậm trong những ngày được làm việc bên cạnh Bác Hồ tại ATK Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ "Sáng tháng Năm", in trong tập "Việt Bắc". Ông viết bằng cả niềm tự hào:
"Vui sao một sáng tháng Năm
Ðường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ"
Bằng tất cả niềm kính yêu Bác, nhà thơ Tố Hữu "vẽ" chân dung Bác:
"Bàn tay con nắm tay cha
Bàn tay Bác ấm vào da vào lòng
Bác ngồi đó, lớn mênh mông
Trời xanh biển rộng ruộng đồng
nước non..."
Chiều 6-12-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí trong đoàn đại biểu của Ðảng ta từ Liên Xô trở về nước với bản Tuyên bố lịch sử của Hội nghị các Ðảng Cộng sản và công nhân ở Mát-xcơ-va. Nhà thơ Tố Hữu đã ghi lại sự kiện này trong bài thơ "Cánh chim không mỏi". Bác Hồ trong bài thơ này gần gũi xiết bao:
"Bác về, vui đó, con ơi!
Bác hôn các cháu, Bác cười với dân
Ngày vui, vui cả hai lần:
Bác về, mang cả mùa xuân lại nhà".
Nhưng có lẽ, nhắc đến hình ảnh Bác Hồ trong thơ Tố Hữu, ghi đậm dấu ấn nhất là hai bài thơ "Bác ơi!" và "Theo chân Bác" in trong tập "Ra trận". Tâm tình của nhà thơ cũng là tiếng lòng chung của cả dân tộc hướng về Bác. Bài thơ "Bác ơi!" được nhà thơ Tố Hữu viết xong ngày 6-9-1969, chỉ 4 ngày sau khi Bác kính yêu "lên đường, nhẹ bước tiên". Lời thơ tha thiết, tình cảm nặng sâu mà đến tận hôm nay, những ai đọc đều rưng rưng xúc cảm:
"Trái bưởi kia vàng ngọt với ai
Thơm cho ai nữa hỡi hoa nhài!
Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm
Quanh mặt hồ in mây trắng bay..."
Cũng trong bài thơ này, nhà thơ Tố Hữu đã nói hộ trọn tấm lòng người miền Nam "Thành đồng Tổ quốc":
"Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội
Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!"
Và rồi, những câu thơ như là chân lý, như lời sắt son núi cao, biển rộng:
"Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha"
Còn với bài thơ "Theo chân Bác" được nhà thơ Tố Hữu viết năm 1970, những vần thơ như một cuốn nhật ký về cuộc đời Bác, ghi lại hành trình cuộc đời giản dị, thân thương mà rất đỗi tự hào, vinh quang của Bác.
►"Những trái tim như ngọc sáng ngời!"
Một hình ảnh rất đẹp, xuyên suốt trong thơ Tố Hữu, chính là những người phụ nữ Việt Nam thuần hậu, hiền từ, sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời mình vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương. Những người mẹ, người chị... trong thơ Tố Hữu đã trở thành biểu tượng sáng ngời và vững chãi của phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến. Ðiển hình là những người mẹ kiên trung, vững vàng dọc dài đất nước: từ bá má Hậu Giang ở Nam Bộ đến mẹ Tơm, mẹ Suốt của dải đất miền Trung nắng và gió rồi bà Bủ, bà Bầm, bà mẹ Việt Bắc ở Thủ đô Kháng chiến. Mỗi nhân vật được nhà thơ khắc họa khác nhau nhưng tựu trung vẫn là những người mẹ hiền lành, đôn hậu và sáng ngời tình yêu nước. Trên tất cả là bà mẹ Tổ quốc rạng ngời ánh dương:
"Việt Nam, ôi Tổ Quốc thương yêu
Trong khổ đau người đẹp hơn nhiều
Như bà mẹ sớm chiều gánh nặng
Nhẫn nại nuôi con suốt đời im lặng"
("Chào Xuân 67")
Hình ảnh mẹ Tơm trong bài thơ cùng tên là một nét chạm trổ nhân vật bằng ngôn từ đầy sắc sảo:
"Sống trong cát, chết vùi trong cát
Những trái tim như ngọc sáng ngời!"
Và đây là khí khái của người mẹ miền Trung chèo đò chở chiến sĩ sang sông trong "Mẹ Suốt":
"Gan chi, gan rứa, mẹ nờ?
Mẹ rằng: Cứu nước, mình chờ chi ai?"
Về với miền Nam sông nước hữu tình, bà mẹ đồng bằng chân chất trong bài "Bà má Hậu Giang":
"Rừng một dải U Minh sớm tối
Má lom khom đi lượm củi khô
Ngày đêm củi chất bên lò
Ai hay má cất củi khô làm gì?"
Nhưng khi đối diện với quân thù thì kiên quyết, gan dạ, thẳng ngay như cây đước, cây tràm trên đất quê hương và sẵn sàng quyết tử vì Tổ quốc:
"Má già nhắm mắt, rưng rưng:
Các con ơi, ở trong rừng U Minh
Má có chết, một mình má chết
Cho các con trừ hết quân Tây!"
Với những hình ảnh người chị, người phụ nữ khác trong kháng chiến, nhà thơ Tố Hữu đều mang đến một chân lý: "Anh hùng đâu phải cứ mày râu!" như câu thơ trong bài thơ "Tấm ảnh". Nhà thơ Tố Hữu không dùng thủ pháp ước lệ, mà dường như cũng chẳng cần thiết, sự thật trong từng câu chuyện, từng con người cụ thể đã là một tượng đài cho thi hứng. Chất sử thi, anh hùng cách mạng trong thơ Tố Hữu như có lửa, hun đúc lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong lòng mỗi người. Ðiển hình có thể kể đến là nhân vật nữ anh hùng Trần Thị Lý được nhà thơ Tố Hữu khắc họa trong bài "Người con gái Việt Nam":
"Ôi trái tim em trái tim vĩ đại
Còn một giọt máu tươi còn đập mãi
Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời
Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!"
*
* *
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu, đọc lại những vần thơ do ông sáng tác, mỗi người như được hun đúc thêm tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và thấy rõ trách nhiệm công dân của mình, như nhà thơ Tố Hữu từng viết trong bài thơ "Ta đi tới":
"Lòng ta không giới tuyến
Lòng ta chung một cụ Hồ
Lòng ta chung một Thủ đô
Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!".
Bài, ảnh: DUY KHÔI