07/06/2020 - 06:51

Món quà của mùa hè 

Truyện ngắn: Vũ Thị Huyền Trang

 

Mùa hè Nu quanh quẩn ở nhà với bà. Bà đã hơn tám mươi tuổi, lưng còng, tóc trắng, mắt mờ. Bà chậm chạp, biết không thể đuổi theo đứa cháu đang tuổi ăn tuổi nghịch nên Nu bị nhốt trong nhà. Nhà gần đường, không rào che chắn. Nhiều lúc nghĩ đến cảnh tượng một đứa nhỏ chạy ào ra giữa luồng xe cộ lao tới là bố mẹ Nu thấy rùng mình.

Nhà dùng cửa cuốn, vừa cách âm vừa che ánh sáng. Khi đi làm bố mẹ chỉ để hé một xíu cho nhà đỡ tối tăm. Quả bóng Nu đá mạnh cỡ nào thì cũng chỉ chạm đến cửa là dừng. Đống đồ chơi chỉ khiến thằng nhỏ háo hức được mấy hôm đầu rồi chỏng chơ một xó. Chiếc điện thoại mẹ dúi cho Nu trước khi đi làm trở thành thú vui níu chân một đứa trẻ khỏi những trò nghịch. Ngón tay Nu lướt trên màn hình rồi dừng lại ở video các bạn nhỏ đi ra đồng bắt cua, hun dế, săn chuột đồng, xem chuồn chuồn ớt. Đối với Nu những cảnh tượng ấy xa lạ như là ở một thế giới khác.

Trong khi ngay sau nhà Nu là cánh đồng sót lại của thị xã đâu có thiếu cào cào, châu chấu, cua đồng. Những đêm mưa ếch nhái kêu ộp oạp vọng vào nhà. Nu ao ước được một lần được lội bùn bì bõm ngó trong gốc rạ ngập sâu dưới nước thấy đôi mắt đen láy của chú cua đồng. Nhưng bố mẹ lúc nào cũng bận rộn từ sáng đến đêm. Bà nội thì từ lâu đôi chân run lẩy bẩy không bước ra khỏi nhà. Với một người già cánh đồng chỉ còn trong ký ức…

- Bà ơi. Tại sao tối nào cháu cũng nghe thấy tiếng dế kêu?

- À. Chúng gọi bạn đấy cháu ạ. Khi đông vui chúng sẽ thi nhau gáy râm ran.

- Những con dế cũng cần phải có bạn mới vui. Vậy mà cháu không có ai chơi cùng cả.

- Ôi cháu tội nghiệp của bà. Cháu còn có bà mà.

Ngày nào cũng vậy, sau khi buông chiếc điện thoại khỏi tay, là Nu đưa mắt tìm bà. Nãy giờ Nu bỏ quên bà ngồi trong góc tối trên chiếc ghế mây đã cũ, nhìn đăm đăm vào vệt nắng lọt qua khe cửa sau nhà.

- Đó là nắng từ cánh đồng rọi vào. Bà ngửi thấy mùi của bùn đất, lúa non.

- Nắng cũng có mùi vị hả bà?

- Có chứ, chẳng qua là mình nhiều khi vội vã quá mà không cảm nhận được. Nắng chợ khác nắng sông. Nắng vườn nhà khác nắng ngã ba ngã bảy. Nắng của tuổi già khác nắng của ấu thơ non nớt...

- Vậy nắng cũng có tuổi đúng không bà?

- Không đâu. Nắng vẫn thế nhưng mắt của bà cháu mình nhìn sẽ khác nhau ít nhiều. Bà bây giờ nhìn đâu cũng thấy nắng của ngày xưa. Nắng lọt qua mái lá chiếu xuống bức tường đất bám đầy bồ hóng đen sì. Mạng nhện giăng chằng chịt như một mê cung, khói từ bếp của cụ ngoại bay lên phảng phất. Cả đời bà chưa từng thấy nắng ở đâu đẹp thế. Như sợi chỉ lấp lánh luồn qua những bụi bặm, tối tăm, nghèo khó.

- Bà ơi vậy lúc ấy nắng có mùi gì?

- À! Mùi cơm sôi, tép kho và mùi của những củ khoai vùi đưới lớp tro nóng của căn bếp củi.

- Thích thật. Tuổi thơ của bà thật nhiều hương vị.

Nu ngồi bệt xuống đất, ôm lấy chân bà. Nhắc đến hương vị thằng bé nhớ ngay đến mùi mì tôm mẹ làm mỗi sáng. Một quả trứng, ít hành lá, vừa tiện vừa nhanh. Nu nhớ cảm giác ngán đầy ứ lên tận cổ mỗi lần mở chiếc đĩa úp trên tô mì, mùi gia vị nồng xộc vào mũi. Trong nhà còn có mùi rượu của bố sau mỗi cơn say. Bố thường về nhà muộn, có khi gà gáy báo canh mới nghe tiếng cửa mở. Bố về là nhà cửa ầm ĩ bởi tiếng nôn ọe trong nhà vệ sinh, tiếng cằn nhằn của mẹ, tiếng bố đi ngật ngưỡng trong nhà đá phải thứ này thứ kia. Sau này Nu còn nhiều lần ngửi thấy mùi thuốc lá bay vào từ ban công. Bố đứng đó một mình, khói thuốc cũng bay lên lặng lẽ. Nu không dám cựa mình, nằm yên nghe ngóng xung quanh. Tiếng ếch nhái gọi bầy vọng vào từ cửa sổ. Từ từ nhắm mắt lại Nu ngửi thấy mùi lúa non dìu dịu trong cánh mũi. Mùa hè có lẽ đã đi qua một nửa. Bà nói nhanh thôi lúa sẽ chín, người ta thu hoạch rồi cánh đồng khi đó chỉ còn trơ gốc rạ. Những con cào cào dần cũng bỏ đi. Làm sao để Nu có thể ra đồng chơi vào mùa gặt nhỉ?

- Xuống đồng chơi? Dưới đó chẳng có gì đâu.

- Nhưng con chưa được xuống đó bao giờ. Bà từng bảo cả tuổi thơ của bố được chạy nhảy trên cánh đồng làng. Bố mải chơi, ngày nào bà cũng phải cầm roi đi tìm về. Vậy mà giờ bố bảo cánh đồng chẳng có gì…

- So với ngày xưa thì mọi thứ bây giờ đều khác.

Nu mang câu nói của bố đi hỏi bà. Bà xoa đầu cháu nhỏ, bỏm bẻm cười:

- Chỉ có bố cháu là khác xưa thôi. Vì khác xưa nên mắt nhìn cái gì cũng thấy nhiều đổi khác.

- Thế ngày xưa bố cháu là người thế nào?

- Hệt như cháu bây giờ. Thơ ngây và háo hức. Đến một độ tuổi nào đó người ta sẽ bớt dần háo hức với đời. Cơm áo gạo tiền và đủ thứ bon chen khiến người ta mệt mỏi.

- Thế thì làm người lớn không có gì vui sao bà?

- Có chứ. Ai rồi cũng phải trưởng thành. Mỗi một tuổi đều cho ta trải nghiệm. Nhưng cái háo hức ấy, không phải ai cũng giữ được đâu cháu à.

Mắt bà lại nhìn ra phía cánh cửa sắt được đóng kín. Nhưng hình như bà nhìn xa hơn thế. Cánh cửa kia không thể nào cản được những tươi xanh trong ký ức của bà để thoát khỏi những tù túng của hiện tại. Nếu không có bé Nu, căn nhà này với bà chẳng khác một nhà tù giam lỏng. Bà chỉ có thể nghe thấy từng tiếng thở già nua yếu ớt của chính mình. Tiếng nói chuyện thủ thỉ nhẹ nhàng của con dâu qua điện thoại liên miên với đối tác. Những lời ngọt ngào tử tế dành hết cho người ngoài. Tội nghiệp bé Nu, cháu nhỏ của bà chỉ được nhìn thấy phần cục cằn nhất của bố mẹ mình. Rồi nó sẽ lớn lên thế nào trong căn nhà thiếu vắng tiếng cười?

Nu đã chán dán mắt vào điện thoại. Thằng nhỏ nằm vật xuống nền nhà, giang tay giang chân nhìn chiếc quạt trần quay tít. Nó lại nhớ đến mùa hè năm xưa, nghe tin ông nội yếu nên cả nhà về quê. Ông nằm đã mấy ngày không ăn uống mà vừa thấy Nu về là cố gượng dậy. Ông đòi mọi người dìu ra ngoài sân ngồi tỉ mẩn làm cho Nu một chiếc chong chóng giấy. Sân nhà ông nhiều gió, chong chóng quay tít hệt như chiếc quạt trần. Bà ngồi bên cạnh ông nhìn Nu cầm chong chóng chạy quanh sân, cười nhăn nheo khóe mắt. Đêm ấy ông đi trong giấc ngủ, nhẹ như chiếc lá rơi. Bà để lại căn nhà nhỏ và mảnh vườn quê, theo con cháu lên thị xã ở. Nu mang theo bên mình chiếc chong chóng ông làm. Mùa hè năm ấy vừa đẹp nhất lại cũng vừa buồn nhất trong tâm trí của Nu. Bắc ghế lấy chiếc chong chóng từ trên đỉnh giá sách, Nu ngắm nghía dấu vân tay của mình in trên lớp bụi. Dắt bà lên tầng hai, Nu mở toang cửa sổ chìa chiếc chong chóng ra ngoài. Gặp gió ào đến chong chóng quay tít bung từng hạt bụi li ti lấp lánh trong ánh nắng chiều.

- Bà thấy có đẹp không?

- Đẹp lắm.

- Nhưng sao bà nhắm mắt mà vẫn nhìn thấy đẹp?

- À. Là bà thấy hình ảnh chiếc chong chóng đang quay trong ký ức. Thấy ông ngồi bên cạnh bà mặc chiếc áo màu gụ. Bàn tay ông nhăn nheo khẽ run lên khi bám vào thành ghế. Đôi bàn tay ấy suốt một đời lam lũ lo cho gia đình. Lúc bố cháu còn nhỏ, cũng là đôi bàn tay ấy dìu dắt từng bước một.

- Khi nào thì cháu nhắm mắt lại cũng có thể nhìn thấy được mọi thứ như bà?

- Đơn giản lắm. Khi tâm trí hướng về điều gì đó thì cháu sẽ luôn nhìn thấy nó. Nhưng nhìn thấy không phải điều quan trọng. Quan trọng là cháu nhìn thấy được điều gì. Bà chỉ mong cháu luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp.

Cuối cùng bà cũng từ bỏ cõi trần để đi theo ông. Nu nhớ mãi hình ảnh bà ngồi trên chiếc ghế bành mặt hướng về vệt nắng hắt qua khe cửa. Nu ngắm nhìn khuôn mặt bà rất lâu, cứ ngỡ đó chỉ là một giấc ngủ lành. Nắng chiếu lên đuôi mắt nhăn nheo của bà rất dịu dàng. Mãi đến tận khi bà đã nằm dưới tầng đất lạnh lẽo nơi quê nhà, Nu vẫn tin bà chỉ là đang nhắm mắt lại để nhìn thấy những điều tốt đẹp hiện về từ ký ức. Bố nói “bà đã đi gặp ông”. Nu thì nghĩ ông bà chưa bao giờ chia cách. Như là Nu vẫn thấy bà ở đây, đâu đó trong căn nhà cũ. Bà về theo những hạt nắng vàng, theo luồng gió khẽ mơn man trên da thịt của Nu. Căn nhà cũ lâu không có người ở giờ ấm khói hương. Mảnh vườn xưa lâu không có người chăm nhưng lá vẫn xanh, chim vẫn hót. Nu ngồi ngoài hiên nhà thử nhắm mắt lại và chợt thấy rất nhiều hình ảnh đẹp đẽ ùa về lấp lánh. Bố mẹ cũng ra ngồi cạnh Nu tự lúc nào. Tối đó Nu ngửi thấy hương hoa cau rụng ngoài sân phơi mình dưới ánh trăng mềm mịn.

Chia sẻ bài viết