14/09/2016 - 22:01

Hợp tác quốc tế phát triển ngành du lịch

Mở hướng để người dân tham gia làm du lịch

Du lịch Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào nhiều hoạt động hội nhập quốc tế, cả song phương và đa phương. Phát triển du lịch và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch giúp quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao hơn nữa hình ảnh của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam- Pháp lần thứ 10, hội thảo chuyên đề Hợp tác Kinh tế và Du lịch đã bàn thảo về hướng phát triển của du lịch Việt Nam cũng như giới thiệu kinh nghiệm phát triển du lịch của các địa phương.

Tại Hội thảo chuyên đề hợp tác phát triển kinh tế và du lịch diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị 10, nhiều tỉnh, thành và các chuyên gia Việt Nam và Pháp cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển du lịch.

*Tăng cường hội nhập

Đến cuối năm 2015, Việt Nam đã ký kết 8 văn bản hợp tác đa phương và 80 văn bản hợp tác song phương với các nước trong khu vực và các thị trường trọng điểm như: ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Cộng hòa Pháp, Tây Ban Nha... để phát triển ngành du lịch. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, 8 tháng năm 2016, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 6,5 triệu lượt khách, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Những năm qua, du lịch Việt Nam là thành viên tích cực của các tổ chức du lịch chuyên ngành như: Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA), Hiệp hội Du lịch các nước ASEAN… tham gia hầu hết các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế như APEC, ASEAN, GMS, Hành lang Đông Tây... Trong các mối quan hệ đa phương, đa lĩnh vực, du lịch luôn được coi là một trong những ngành dịch vụ ưu tiên để hợp tác và đầu tư. Thông qua mở rộng hợp tác quốc tế, du lịch Việt Nam đã thu hút được nhiều dự án đầu tư từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), góp phần quan trọng đáp ứng yêu cầu về nguồn lực và cơ sở vật chất kỹ thuật cho sự phát triển. Điều này còn giúp du lịch Việt Nam tranh thủ kinh nghiệm, công nghệ, nguồn khách từ các đối tác quốc tế. Nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực quy hoạch du lịch, xây dựng và triển khai Luật Du lịch đã và đang được thực hiện hiệu quả.

Mục tiêu đến năm 2020, du lịch Việt Nam về cơ bản phát triển là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và mang tính chuyên nghiệp cao. Theo đó, đến năm 2020, mỗi năm du lịch Việt Nam sẽ thu hút 14 - 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 70 - 75 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 30 tỉ USD, đóng góp được 9% vào GDP. Được coi là một trong các nhóm giải pháp thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và với mục tiêu thu hút thêm nguồn ngoại lực cho phát triển, các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng để đảm bảo sự thành công của chiến dịch "Việt Nam - vẻ đẹp bất tận", góp phần mở rộng thị trường khách quốc tế. Với các chủ trương, định hướng, chiến lược đã đề ra cho ngành, hợp tác quốc tế sẽ tiếp tục được đẩy mạnh có trọng tâm hơn, chú trọng hiệu quả hướng đến mục tiêu phát triển du lịch một cách bền vững và khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới.

*Chú trọng đầu tư, phát triển theo lợi thế vùng, miền

Chú trọng đầu tư, phát triển theo lợi thế vùng, miền của mỗi địa phương là điều kiện tiên quyết để ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai. Nhiều địa phương trong cả nước đã và đang chọn hướng đi này…

Du lịch sinh thái đang trở thành xu thế và phát triển nhanh chóng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Các sản phẩm du lịch sinh thái tại Hải Phòng hiện được du khách quan tâm, đặc biệt là du khách quốc tế, có thể kể đến như: nhóm sản phẩm trải nghiệm thiên nhiên Vườn Quốc gia Cát Bà, hệ sinh thái rừng ngập nước trên địa hình núi đá vôi ở Ao Ếch trong hành trình xuyên rừng từ Vườn Quốc gia đến xã Việt Hải, sản phẩm du lịch cộng đồng dựa vào thiên nhiên, sản vật và văn hóa bản địa, sản phẩm du lịch sinh thái… Sự phát triển này đã có tác động tích cực, cải thiện sinh kế của cộng đồng dân cư địa phương tại các khu, tuyến, điểm khai thác du lịch. Mặt khác, việc người dân địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch còn góp phần vào công tác quản lý bền vững môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống, khuyến khích người dân đóng góp những kiến thức quý báu vào công tác bảo tồn hệ sinh thái động, thực vật, tài nguyên rừng, biển và bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống bản địa.

TP Cần Thơ được mệnh danh là Tây Đô - thủ phủ của miền Tây Nam bộ. Đặc biệt, hệ thống sông nước kênh rạch đan xen chằng chịt bao lấy các cù lao trên sông Hậu cùng nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo đã tạo điểm nhấn cho ngành du lịch thành phố phát triển. Điểm du lịch tiêu biểu tại TP Cần Thơ là chợ nổi Cái Răng được tạp chí du lịch Rough (Anh) công bố trong danh sách 10 khu chợ tuyệt vời nhất thế giới và vừa qua được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận Văn hóa Chợ nổi Cái Răng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. TP Cần Thơ còn có các điểm du lịch thu hút khách như chợ cổ Cần Thơ, di tích kiến trúc nghệ thuật nhà thờ họ Dương (nhà cổ Bình Thủy), hệ thống nhà cổ trên cù lao Tân Lộc, các điểm vườn du lịch sinh thái tại quận Cái Răng và huyện Phong Điền… Những năm qua, cơ sở vật chất ngành du lịch thành phố phát triển đồng bộ và hoàn chỉnh; kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, bộ và đường hàng không rất thuận lợi; các công trình vui chơi giải trí, di tích văn hóa, lịch sử được đầu tư tôn tạo khang trang, tạo mỹ quan cho thành phố. Những lợi thế trên đã thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch, nhất là lĩnh vực lưu trú. Hiện nay, thành phố đã phát triển được 236 cơ sở lưu trú đáp ứng yêu cầu phục vụ các cuộc hội nghị lớn mang tầm quốc gia và quốc tế.

Phương châm của ngành du lịch tỉnh Lào Cai là: "Lấy văn hóa dân tộc là nền tảng và là kim chỉ nam cho việc tạo ra các thế mạnh, các sản phẩm du lịch, đồng thời gắn việc khai thác du lịch với bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số để thu hút khách du lịch". Xuất phát từ nền tảng văn hóa tự nhiên, cùng với xu thế phát triển của du lịch thế giới đó là khám phá các nền văn hóa, khám phá thiên nhiên sinh thái, tỉnh Lào Cai chú trọng đến việc hình thành và phát triển nhiều tuyến, điểm du lịch cộng đồng. Đặc biệt, tuyến: Sapa – Lao Chải – Tả Van – Bản Dền – Thanh Phú; Tuyến Sapa – Cát Cát – Sín Chải… mỗi năm thu hút trên 20 vạn lượt du khách nước ngoài trải nghiệm. Ngoài ra, Lào Cai còn phát huy mô hình du lịch sinh thái liên kết "4 nhà". Theo đó, Nhà nước định hướng và xây dựng chính sách quản lý phát triển du lịch cho toàn vùng; các gia đình người dân tham gia làm du lịch; các nhà doanh nghiệp tăng cường quảng bá đưa du khách đến tham quan; các nhà tư vấn (nhất là các tổ chức phi Chính phủ) tư vấn cho người dân các biện pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Mô hình đề cao vai trò của người dân làm, thu hút đồng bào dân tộc thiểu số tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động du lịch nhằm nâng cao đời sống người dân, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phát triển loại hình du lịch sinh thái, giảm sức ép lên tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tối đa các suy thoái môi trường do du lịch tạo ra.

Hội thảo "Hợp tác kinh tế và du lịch" do TP Hải Phòng cùng Cộng đồng đô thị Bres Metropole – Oceane đồng chủ trì. Hội thảo nhằm phục vụ chiến lược phát triển quốc gia là một xu thế nhu cầu tất yếu của cả 2 nước và có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Hội thảo có 16 bài tham luận của 2 địa phương Việt Nam – Cộng hòa Pháp với những nội dung như điểm lại những hiệu quả hợp tác kinh tế và du lịch, đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản, du lịch trong thời gian qua. Qua đó, chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình triển khai hợp tác để tìm ra những phương thức và giải pháp cho những hợp tác trong thời gian tới để đạt được những thành tựu lớn hơn.

Bài, ảnh: Nam Hương

Chia sẻ bài viết