Ghi chép TRỊNH LÊ KHANH
Nói đến đi thăm đất nước Chùa Tháp, người ta nghĩ ngay đến Siem Reap. Không phải thành phố này là điểm du lịch duy nhất ở Campuchia mà vì cái tên Siem Reap gắn liền với quần thể di tích Angkor - một trong những kỳ quan của thế giới - cùng nhiều điều mê hoặc, kích thích sự tò mò, khám phá của hàng triệu lượt khách mỗi năm.
Theo đoàn công tác của công ty Vietravel, chuyến bay của hãng hàng không Cambodia Angkor Air xuất phát từ TP Hồ Chí Minh đưa chúng tôi đến thành phố Siem Reap của đất nước Chùa Tháp chỉ sau 45 phút. Đón chúng tôi tại phi trường Siem Reap là anh chàng hướng dẫn viên tên Sorka. Nhìn màu da và cách nói tiếng Việt Nam lưu loát, hay pha trò, tiếu lâm... ai cũng tưởng anh là người Việt. Sorka giới thiệu một cách hài hước cái tên Việt là... “Cu Đen” - gọi tắt là Đen cho dễ nhớ.
***
|
Đền Angkor Wat. Ảnh: MINH MẪN |
Siem Reap đã tạo ấn tượng với tôi ngay khi đặt chân xuống sân bay. Sân bay nhỏ, nhà ga là một dãy nhà mái lợp ngói cao vút với lối kiến trúc mang đậm phong cách văn hóa Campuchia thể hiện sự chân thành, thân thiện.
Con đường từ sân bay vào nội ô mới mở rộng gần đây nhưng khá đẹp với cây xanh trồng hai bên đường. Đặc biệt, những ngôi nhà, những công trình kiến trúc, công sở đều như toát lên cái hồn văn hóa dân tộc Campuchia với những mái chóp nhọn, đầu hồi cong lên - biểu tượng đuôi rắn thần Naga trong truyền thuyết. Thấy khách có vẻ ngạc nhiên vì trung tâm thành phố không có những ngôi nhà cao tầng và các công trình kiến trúc hiện đại thường thấy ở các đô thị đang phát triển, Đen (Sorka) giải thích: “Siem Reap là thành phố du lịch, nên việc bảo tồn không gian văn hóa lịch sử rất được xem trọng. Chính quyền thành phố qui định: khu trung tâm nhà có chiều cao tối đa không quá 4 tầng, càng gần đến các di tích thuộc quần thể Angkor, nhà càng phải thấp tầng hơn. Có người “lách” quy định bị phạt rất nặng, buộc tháo dỡ thậm chí có thể bị rút giấy phép xây dựng...”.
Xe vượt qua chiếc cầu bắc qua con sông cắt ngang thành phố. Hai bên bờ sông cây xanh đều tăm tắp. Bờ sông phủ cỏ xanh rờn. Bây giờ là mùa khô, sông cạn nhưng nước vẫn trong xanh. Đen nói rằng sông có tên là Siem Reap Rive (sông Siem Reap) vốn là một con kinh thủy lợi dài 19 km được nhà vua Jayavarman huy động nhân dân đào cách đây hơn 1.200 năm để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn Siem Reap có 292 ngôi đền lớn nhỏ, trong đó nổi tiếng nhất là hai quần thể kiến trúc bằng đá Angkor Wat và Angkor Thom hay vẫn còn được gọi Đế Thiên Đế Thích. Trải qua hàng ngàn năm với những biến cố, thăng trầm của lịch sử nhưng nhiều công trình lịch sử, văn hóa và kinh tế vẫn được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Đó là điều kỳ diệu.
***
Angkor Wat nằm cách trung tâm Siem Reap khoảng 7km, về hướng Bắc. Đền tọa lạc trên diện tích khoảng 210ha, được ngăn cách với bên ngoài bởi một hào rộng 190m, đến nay nước vẫn trong xanh và một bờ tường đá dày 1m cao khoảng 8m tồn tại gần như nguyên vẹn. Lối chính vào đền quay về hướng Tây, buổi sáng mặt trời chiếu chếch ngược khiến hình ảnh khu đền đồ sộ nổi bật trên vùng sáng, toát lên sự uy nghi của một vương triều xa xưa. Đền chính có 398 gian phòng. Phòng nào cũng chạm khắc những hình tượng, hoa văn trên trần, cửa, hành lang, lan can đá. Hầu hết các vách chạm trổ phù điêu thể hiện huyền thoại trong sử thi Ramayana hay cảnh tượng các thần linh nhảy múa. Thu hút nhất là hình tượng các tiên nữ Apsara ngực trần căng tròn với những dáng đứng, điệu bộ và trang phục không giống nhau, gợi lên cảm giác thanh thoát về vẻ đẹp chứ không nhục cảm.
Đền có năm ngọn tháp. Tháp chính cao 65m, bốn tháp hai bên cao 40m bố cục cân đối, hài hòa khiến tổng thể đền hoành tráng nhưng không nặng nề, đơn điệu. Ba tầng chính điện nối với nhau bằng những hành lang sâu hun hút và bậc thang. Đâu cũng gặp những bức tranh tạc trên đá dựa theo sử thi Mahabharata và Ramayana của Ấn Độ. Đứng ngắm những bức phù điêu đá hồi lâu, người ta sẽ có cảm tưởng những nhân vật trong tranh đang mĩm cười, sẽ bước ra nhảy múa cùng chúng ta...
|
Chương trình biểu diễn giới thiệu văn hóa Angkor tại nhà hát Angkor Coex - Siem Riep. Ảnh: MINH MẪN |
Một bức phù điêu cao 2,5m dài hơn 800m tại hành lang tầng một của đền - được cho là bức tranh khắc đá lớn nhất thế giới, mô tả điển tích Bà la môn và những chiến công của vua Suryavarman II - người tạo dựng ngôi đền, hay cuộc chiến khuấy biển sữa trong truyền thuyết giữa các vị thần và không thể thiếu hình ảnh các tiên nữ Apsara. Các gian điện thờ tầng hai có nhiều tượng thần Vishnu to bằng đá đen được người dân lầm tưởng là Phật Thích ca nên khoác áo vàng và thờ cúng theo nghi lễ Phật giáo. Điều đó chứng tỏ có sự giao thoa về tôn giáo trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau trên đất nước Chùa Tháp.
Tầng ba cao nhất của công trình được chia làm bốn với hai hành lang cắt nhau thẳng góc. Điểm giao tiếp hai hành lang là trung tâm đền Angkor Wat đặt rất nhiều tượng Phật. Theo hướng dẫn viên Đen, tầng này xưa kia có nhiều tượng Vishnu đúc bằng vàng ròng nhưng bị mất cắp hết theo những biến động lịch sử.
***
Cổng phía Nam Angkor Thom cách cổng vào đền Angkor Wat gần 2km. Đây là kinh thành cuối cùng và tồn tại lâu dài nhất của Đế quốc Angkor xưa kia do vua Jayavarman VII cho xây dựng vào cuối thế kỷ XII. Thành có 4 cổng Đông, Tây, Nam, Bắc và một cổng phụ (tương truyền dành để đưa những người chết). Các cổng thành cao chạm khắc tượng bốn khuôn mặt đá. Con đường đá dẫn vào thành có hai dãy tượng, mỗi bên 54 pho tượng to xấp xỉ người thật đại diện cho hai thế lực Thiện và Ác, tay nâng thân rắn thần Naga trong tư thế kéo co theo truyền thuyết của Ấn Độ Giáo.
Bayon là ngôi đền trung tâm thành, gồm có ba tầng nhưng đã đổ nát khá nhiều.... Tuy nhiên, còn rất nhiều pho tượng bốn mặt với những nụ cười bí ẩn - đến nay các nhà khảo cổ, điêu khắc vẫn chưa giải mã được. “Nụ cười Bayon” không chỉ là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nghệ sĩ Campuchia mà còn cả các nghệ sĩ khắp thế giới. Tầng cao nhất của đền có 54 ngọn tháp lớn nhỏ, với tổng cộng 216 mặt tượng được cho là khuôn mặt của thần Lokesvara hay còn gọi là thần Avalokitervara. Đường nét mỗi tượng đá những biểu hiện cảm xúc hoàn toàn khác nhau: cười tươi, thể hiện sự khoan dung, giận dữ, phẫn nộ v.v... Nhiều học giả cho rằng khuôn mặt tượng là của nhà vua Jayavarman VII hay của Đức Phật hoặc Bồ Tát hay thần Siva... Nhưng dù của ai đi nữa thì những mặt tượng với nụ cười bí ẩn thu hút nhân gian vẫn là kiệt tác để nhân loại chiêm ngưỡng. Điều thú vị may mắn của lịch sử là các vị vua sau này mặc dù theo tôn giáo nào đi nữa cũng tưởng rằng các tượng thuộc tôn giáo mình nên không phá hủy theo thông lệ, mà vẫn giữ gìn và tôn tạo.
***
Thật ra, với thời gian và không gian hữu hạn của một lần tham quan Angkor khó có thể cảm nhận hết sự mê hoặc - nếu như buổi tối đầu tiên đến Siem Reap tôi không có dịp đến Nhà hát Angkor Coex xem trình diễn “Smile of Angkor” về văn hóa Angkor. Tại đây, chúng tôi đã có dịp thưởng lãm một chương trình ca múa - nhạc - hoạt cảnh hoành tráng về sự hình thành đế chế Angkor, công cuộc xây dựng các công trình, đến đài Angkor Wat, Angkor Thom, những cuộc chiến tranh với người Xiêm, những huyền thoại về cuộc chiến của các vị thần linh... Câu chuyện kể sắp xếp logic được thể hiện trên nền âm nhạc và ánh sáng hiện đại kết hợp đèn laser, máy chiếu và nhạc nước khiến lịch sử trở nên dễ hiểu và mang màu sắc huyền hoặc, thú vị.
Tôi nghiệm ra rằng, sự mê hoặc của Angkor không chỉ là các công trình hoành tráng và nghệ thuật có tuổi trên ngàn năm mà còn ở chỗ cách làm du lịch của Siem Reap. Người ta luôn gặp những nụ cười thân thiện chân thành, thái độ nhiệt tình không chỉ của những chàng trai, cô gái làm cơ sở dịch vụ mà cả của những người dân bình thường. Đáng nói là tại các khu di tích không thấy người ăn xin, người bán hàng rong đeo bám khách. Thỉnh thoảng chỉ gặp một vài nhóm nhạc dân tộc ngồi hòa tấu, ai muốn tặng tiền thì bỏ vào thùng, họ chắp tay cúi đầu cảm ơn. Khi đoàn khách nước nào đi qua họ sẽ hòa tấu nhạc của quốc gia đó. Một đoàn khách Hàn Quốc dừng lại và ca múa rất vui vẻ sau đó mới đi . Lúc chúng tôi đến gần thì họ hòa tấu ngay bài “ Như có Bác trong ngày vui đại thắng” một cách nhiệt tình. Có vậy mới biết để lấy tiền của du khách cũng cần biết thể hiện giá trị văn hóa và bản lĩnh, ý thức dân tộc...
Ông Sam Promonea Thứ trưởng Thường trực Bộ Du lịch Campuchia cho biết: Đất nước Chùa Tháp xem du lịch là mũi nhọn kinh tế và định hướng phát triển loại hình “Du lịch sinh thái” với văn hóa lịch sử là chủ đạo, trong đó Siem Reap là vùng trọng điểm. Năm 2010, có trên 2,5 triệu du khách đã đến và khoảng 20 - 25% khách đã trở lại. Dự kiến năm 2011 con số trên sẽ là 2,8 triệu và tương lai xa hơn vào năm 2015 con số trên khoảng 4,5 triệu khách, mục tiêu kỳ vọng sẽ là 8 triệu lượt khách vào năm 2020.
Biết đâu trong số những khách trở lại sẽ có tôi - vì sự mê hoặc Angkor, vì nhiều điều tôi vẫn còn chưa kịp khám phá hết ở đất nước đầy nụ cười và sự thân thiện này...