06/05/2022 - 15:10

Lực đẩy tăng trưởng từ khối doanh nghiệp FDI 

Năm 2021, doanh nghiệp (DN) vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) định hướng xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề do đứt gãy chuỗi cung ứng và nguồn nhân lực; còn DN FDI định hướng thị trường nội địa cũng gặp khó trong tiếp cận khách hàng nội địa. Nhưng niềm tin kinh doanh tại Việt Nam của DN khối ngoại đã tăng trở lại. Điều này thể hiện qua kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021.

Vốn FDI đầu tư vào Việt Nam 4 tháng năm 2021-2022. Nguồn: Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài

Khó nhưng DN vẫn lạc quan

Kết quả điều tra PCI năm 2021 có 1.185 DN FDI đến từ 46 quốc gia, vùng lãnh thổ đang hoạt động tại 22 tỉnh, thành phản hồi thông tin (tỷ lệ phản hồi 28,2%). Về quy mô, 82,3% DN vốn dưới 100 tỉ đồng, 85,5% có dưới 200 lao động và 95% có quy mô doanh thu dưới 300 tỉ đồng. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiệu quả hoạt động của các DN FDI năm 2021 có sự suy giảm so với năm trước. Tỷ lệ DN báo lãi chỉ 38,72%, con số thấp nhất trong 10 năm qua; 47,9% DN báo lỗ (năm 2020 con số này là 47,1%) và là mức cao nhất kể từ năm 2012. Chỉ 7,8% DN tăng vốn đầu tư trong năm 2021 và là năm thứ hai liên tiếp dừng ở mức tăng 1 con số. Kết quả này phần nào cho thấy dịch COVID-19 đã có tác động tiêu cực đến DN FDI. 

Tác động của đại dịch còn làm thay đổi cơ cấu khách hàng của DN trong năm qua. Nhóm khách hàng chính của DN FDI vẫn là các DN FDI khác tại Việt Nam (chiếm tỷ lệ 48,4%). Khoảng 32,8% DN FDI cung ứng sản phẩm và dịch vụ của mình cho DN tư nhân trong nước và 13,1% cung ứng trực tiếp cho người tiêu dùng Việt Nam. Tỷ trọng khách hàng tại Việt Nam và xuất khẩu trở về nước xuất xứ giảm, trong khi có sự gia tăng đáng kể tỷ trọng xuất khẩu sang nước thứ ba. 

Dù vậy, khối FDI ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực xuất khẩu hay thị trường nội địa vẫn lạc quan về môi trường kinh doanh Việt Nam. 47,7% DN có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong vòng 2 năm tới (kết quả điều tra PCI 2020 chỉ 40,8%). Khó khăn, nhưng 50,6% DN đã tăng quy mô lao động trong năm 2021. 

Kết quả PCI năm 2021 cũng phản ánh các DN tư nhân trong nước tiếp tục là nhóm nhà cung cấp được DN FDI sử dụng nhiều hơn cả (với tỷ lệ 52,4%); có 6,9% DN FDI sử dụng nhà cung cấp là DN nhà nước và 9,9% sử dụng nhà cung cấp là cá nhân/hộ gia đình. Điều này cũng cho thấy, khối nội đang rất nỗ lực kết nối chuỗi cung ứng với khối ngoại và cũng để có thể đi sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Các đánh giá của DN FDI về chất lượng hạ tầng, môi trường kinh doanh và mức độ tin tưởng vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của các cấp chính quyền đều ở mức khá trong năm 2021. Có tới 65,1% DN tin tưởng vào các cam kết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương. 

Theo GS.TS Edmund Malesky, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI, trong số DN FDI phản hồi có 57,4% hoạt động trong ngành sản xuất, chế tạo, 35% hoạt động trong ngành dịch vụ, thương mại. Trong số này có 27% xuất khẩu về nước xuất xứ và 31% xuất khẩu sang nước thứ 3. Hiệu quả hoạt động của DN FDI năm 2021 kém hơn so với năm 2020. Nhưng DN FDI đều nhận định tích cực về các cải thiện cơ sở hạ tầng; chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của DN. Nhìn tổng thể thì Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài.

Cần những động lực mới

Mặc dù khối ngoại lạc quan và tin tưởng vào chất lượng điều hành kinh tế của Việt Nam, nhưng kết quả PCI năm 2021 cũng phản ánh, DN cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ chính quyền. Năm 2021, dù 41,9% DN cho biết không chi trả chi phí chính thức, đây là nhận định tích cực nhất kể từ năm 2010 trở lại đây. Nhưng vẫn còn tình trạng “tham nhũng vặt” trong giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là liên quan đến thủ tục đất đai, vay vốn, thủ tục xuất nhập khẩu, thanh kiểm tra. Có tới 60,4% DN đồng ý với nhận định “công việc được giải quyết như mong muốn sau khi trả chi phí không chính thức”.

Chi phí tuân thủ pháp luật cũng là gánh nặng với DN. Tỷ lệ DN FDI phải dành 5% quỹ thời gian của lãnh đạo cho việc tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật tới 60,6%, tăng so với con số 32,9% của năm 2020… Dù vậy, gần 55% DN FDI cho biết vẫn có thể cầm cự được tại Việt Nam trong vòng 1 năm tới, nếu tình hình kinh tế và dịch COVID-19 tương tự bối cảnh quý III-2021.  

Một số đối tác có vốn FDI lớn đầu tư vào Việt Nam 4 tháng năm 2022. Nguồn: Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài

Từ kết quả PCI năm 2021, khuyến nghị chính sách được VCCI và USAID đưa ra là DN khối ngoại cần được tạo thuận lợi hơn trong thực hiện các thủ tục triển khai dự án đầu tư, cụ thể là cấp phép xây dựng, thẩm duyệt phòng cháy, đánh giá tác động môi trường. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần tiếp tục đẩy mạnh, đặc biệt trong một số lĩnh vực như xuất nhập khẩu, thanh kiểm tra, thủ tục tố tụng tòa án và thủ tục hành chính đất đai. Chất lượng cơ sở hạ tầng cũng cần nâng cao hơn nữa; đồng thời, tiếp tục cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo nguồn cung lao động cũng là kỳ vọng từ phía các DN FDI đối với các địa phương.

Ngoài ra, kết quả điều tra PCI 2021 tiếp tục phản ánh nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang hướng tới việc trở thành vệ tinh cho các dự án FDI lớn tại Việt Nam. Nhưng Việt Nam cần có những chính sách hiệu quả hơn nhằm tạo thuận lợi cho các DN trong nước hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như có thể tận dụng cơ hội kết nối với các DN FDI để hưởng lợi sự lan tỏa của công nghệ và quản trị.

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, cả nước hiện có 34.892 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đăng ký gần 424,59 tỉ USD. Vốn thực hiện lũy kế đạt trên 257,52 tỉ USD, bằng 60,7% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Khối FDI hiện chiếm 73,4% kim ngạch xuất khẩu và 65,8% kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Việc chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất, nhập khẩu cũng là áp lực lớn đến khối DN nội và chất lượng tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Các chuyên gia cho rằng, tạo sự cân bằng tăng trưởng và cũng để vừa giữ vị thế là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài, cần phải xây dựng nền kinh tế tự chủ dựa trên tăng trưởng khối nội. Đồng thời còn để cải thiện vị trí trên chuỗi toàn cầu và khả năng chống chịu trước các cú sốc, tác động lớn từ bên ngoài. Song song đó, khuyến khích thu hút các dự án FDI tạo sức lan tỏa, kết nối với khu vực trong nước.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết