04/08/2017 - 21:37

Luật sư trực ban 

Mô hình Luật sư trực ban được thực hiện ở Nhật Bản từ năm 1990 nhằm giúp những người bị rơi vào vòng tố tụng hình sự được bảo vệ ngay từ đầu. Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa tổ chức hội thảo về những thuận lợi, khó khăn khi áp dụng thí điểm mô hình Luật sư trực ban tại Việt Nam, nhằm góp phần chống oan sai, bảo đảm pháp chế, quyền con người, quyền công dân.

 Luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa lưu động.

 Một hình thức tăng cường trợ giúp pháp lý      

Luật sư trực ban là một hoạt động tự nguyện của luật sư nhằm trợ giúp pháp lý miễn phí cho những đối tượng là người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo khi họ có nguy cơ bị buộc tội và có thể phải chịu chế tài của luật hình sự mà chưa có luật sư bào chữa.

Mục đích của mô hình này là có luật sư thường trực để sẵn sàng hỗ trợ khi người bị buộc tội yêu cầu sự giúp đỡ của luật sư. Ban đầu, luật sư giúp họ biết được quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, của những người tham gia tố tụng có liên quan.

Theo luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đề án Luật sư trực ban của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đưa ra thực hiện thí điểm vào tháng 10-2017, dự kiến sẽ thí điểm tại Đoàn Luật sư TP Cần Thơ hoặc Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, sau đó sẽ nhân rộng ra các tỉnh khác.

Hoạt động của luật sư trực ban giúp cơ quan tiến hành tố tụng buộc tội đúng người, đúng tội và có căn cứ hợp pháp, góp phần chống oan sai, bảo đảm pháp chế, quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật.

Ở Việt Nam, tuy chưa có chế độ luật sư trực ban nhưng Đoàn luật sư nào cũng có văn phòng. Hằng ngày, văn phòng có người trực để tiếp nhận các công văn, giấy tờ và các thông tin, trong đó có công văn của cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu đoàn cử luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần.

Với Đề án Luật sư trực ban triển khai ở Việt Nam, luật sư trực ban chỉ tham gia các vụ án hình sự. Luật sư trực ban có nhiệm vụ tư vấn, giải thích quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người bị buộc tội; giải thích quyền được tự bào chữa, nhờ người bào chữa; tư vấn chi phí khi thuê luật sư bào chữa và các trường hợp không phải trả tiền cho luật sư bào chữa.

Vì vậy, hoạt động của luật sư trực ban còn là một hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp cho người yếu thế bị bắt tạm giữ, tạm giam, giúp họ hiểu biết và thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo pháp luật. Đồng thời giám sát việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng theo pháp luật.

Vẫn còn những băn khoăn

Mục đích của đề án Luật sư trực ban là hướng đến nền tố tụng minh bạch. Tuy nhiên, để áp dụng chế độ luật sư trực ban, cần có sự đồng thuận của các cơ quan tiến hành tố tụng. Nhiều luật sư bày tỏ sự lo ngại về khả năng thành công của mô hình này.

Trên thực tế, ngay cả khi đã có xác nhận bào chữa, luật sư vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đăng ký tiếp xúc bị can. Vì thế, nhiều luật sư cho rằng, việc đề nghị được tiếp xúc và tư vấn cho người bị tạm giữ khó được ủng hộ từ phía cơ quan điều tra.

Luật sư Trần Minh Trị, Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP Cần Thơ, nêu ý kiến: “Khi tham gia vào vụ án hình sự, luật sư- với vị thế bên “gỡ tội”, đối trọng với bên công tố “buộc tội” và hai bên chưa thật sự “cân bằng” về các quyền và nghĩa vụ trong tố tụng. Một bên tiếp xúc “lấy cung” vào bất kỳ thời điểm nào; một bên mong muốn tiếp cận “tham vấn” bằng cơ chế “xin- cho”. Hoàn toàn mất cân xứng về điều kiện tác nghiệp và hành nghề. Luật sư trực trợ giúp pháp lý có thể chưa nhận được sự ủng hộ từ phía cơ quan điều tra vì bị cho rằng có thể gây trở ngại cho hoạt động nghiệp vụ của điều tra viên đối với vụ án”.

 Theo ông Tsukahara Masamori, Chuyên gia Dự án JICA, Nhật Bản, Đề án Luật sư trực ban đã được Nhật Bản áp dụng từ những năm 1985-1990. Với mô hình này, người bị bắt, bị tạm giam nào cũng có quyền yêu cầu cảnh sát, kiểm sát viên, thẩm phán gọi luật sư trực ban. Mỗi đoàn luật sư đều giới thiệu và thông báo danh sách luật sư trực ban trên trang web của đoàn luật sư. Người bị bắt có thể chọn lựa, yêu cầu luật sư trực ban bảo vệ cho mình. Sở Cảnh sát, Viện Công tố, Viện Kiểm sát, Tòa án hoặc gia đình người bị bắt sẽ liên lạc với đoàn luật sư qua điện thoại, email, fax... để nơi đây cử luật sư trực ban đến trại theo yêu cầu của người bị bắt hoặc bị can. Luật sư trực ban giúp đỡ pháp lý miễn phí hoặc chi phí thấp.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho biết: Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đề ra những giải pháp thiết thực để tháo gở khó khăn nêu trên. Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư thực hiện thí điểm đề án tổ chức các buổi làm việc với ban, ngành hữu quan để thuyết phục, tạo sự đồng thuận; đề xuất xây dựng quy chế phối hợp…

Trong đó, quy định rõ về việc tạo điều kiện cho hoạt động của luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý. Đồng thời xây dựng cơ chế đăng ký, giám sát luật sư trực thực hiện trợ giúp pháp lý, đảm bảo quá trình làm việc của luật sư tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc quy định của pháp luật; đưa nội dung luật sư trực thực hiện trợ giúp pháp lý vào nội dung bồi dưỡng bắt buộc đối với luật sư. Sau khi thực hiện thí điểm, Liên đoàn sẽ có cuộc họp rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng mô hình.

Ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng: Đây là một mô hình tiến bộ, Liên hội Luật sư Nhật Bản đã áp dụng rất thành công. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, mô hình tố tụng Nhật Bản khác mô hình tố tụng ở Việt Nam. Để vượt qua được những khó khăn nêu trên, cần sự đồng thuận và quyết tâm cao của đội ngũ luật sư Việt Nam hiện nay.

 P.NGUYỄN

Chia sẻ bài viết