25/04/2012 - 15:12

VỤ LÚA HÈ THU 2012

Lúa phát triển tốt, nhưng lo chi phí tăng !

Tỉa giặm cho ruộng lúa vụ hè thu 2012 ở huyện Thới Lai. Ảnh: VĂN CÔNG

Đến thời điểm này, nông dân TP Cần Thơ đã cơ bản xuống giống dứt điểm vụ lúa hè thu 2012. Nông dân rất vui khi hầu hết các trà lúa đang phát triển khá tốt, tình hình sâu bệnh xảy ra không đáng kể. Tuy nhiên, gần đây giá phân bón và nhiều chi phí sản xuất đầu vào tăng, trong khi giá lúa hàng hóa vẫn còn bấp bênh đã làm cho nhiều nông dân không khỏi lo lắng…

VỤ HÈ THU NHIỀU TRIỂN VỌNG

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, vụ lúa hè thu 2012 thành phố có kế hoạch xuống giống 79.900 ha, đến nay nông dân thành phố đã xuống giống cơ bản dứt điểm vụ lúa này. Trong đó, có khoảng 63.000 ha lúa hè thu được gieo sạ sớm và tập trung, đến nay lúa được khoảng 30-50 ngày tuổi, đang trong giai đoạn làm đòng và đẻ nhánh... Từ khi xuống giống đến nay, nhìn chung trà lúa hè thu đang phát triển tốt, sâu bệnh chỉ xuất hiện rải rác với khoảng 884 ha (thấp hơn 474 ha so với cùng kỳ 2011), chủ yếu là rầy nâu mật độ thấp, bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá...Thời gian qua, Sở NN&PTNT đã triển khai cho ngành nông nghiệp các quận, huyện theo dõi tình hình sâu bệnh, đồng thời khuyến cáo nông dân phòng trừ sâu bệnh cho lúa hè thu 2012. Tuy nhiên, nông dân cũng cần thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện và chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa...

Theo Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Thới Lai, nông dân trong huyện đã xuống giống dứt điểm vụ lúa hè thu năm nay với 19.016,5 ha. Thới Lai cũng là địa phương xuống giống lúa hè thu sớm nhất trên địa bàn thành phố. Thời gian qua, trên địa bàn huyện sâu bệnh hại lúa chủ yếu là rầy nâu mật số thấp, bệnh đạo ôn xuất hiện rải rác trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng với tỷ lệ bệnh 5-7%. Ngoài ra, còn có hiện tượng lúa ngộ độc phèn và hữu cơ do nông dân xuống giống thời gian cách ly chưa đảm bảo giữa vụ lúa đông xuân và hè thu, nhưng thiệt hại không đáng kể... Mặc dù sâu bệnh ít xảy ra trên trà lúa nhưng các cán bộ trạm khuyến nông vẫn thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu bệnh, hướng dẫn nông dân cách phòng trị...

Đến ngày 20-4-2012, huyện Cờ Đỏ cũng đã cơ bản xuống giống dứt điểm lúa hè thu 2012, với diện tích xuống giống đạt trên 23.935 ha/ 24.158 ha (theo kế hoạch). Ông Lâm Minh Trí, Phó Trưởng phòng NN& PTNT huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Các trà lúa xuống giống sớm trên địa bàn huyện đã được khoảng 20-30 ngày tuổi, còn phổ biến nhiều nhất là các trà lúa từ 7-10 ngày tuổi. Nhìn chung lúa đang phát triển khá tốt, ít rầy nâu và các loại sâu bệnh gây hại.

NỖI LO CHI PHÍ SẢN XUẤT TĂNG CAO

Theo nhiều nông dân ở TP Cần Thơ, thời gian qua tình hình sâu bệnh trên lúa hè thu ít và lúa phát triển khá tốt, trời lại có mưa nên nông dân chưa tốn nhiều chi phí bón phân, xịt thuốc và bơm tưới nước cho lúa. Tuy nhiên, gần đây giá vật tư phục vụ sản xuất (như: xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng...), giá thuê nhân công cũng tăng nhiều đã làm nông dân trồng lúa không khỏi lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Quang, ở xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Gia đình tôi làm được 40 công ruộng. Sau khi thu hoạch lúa đông xuân, tôi đã tiến hành làm vệ sinh đồng ruộng và xuống giống lúa hè thu 2012. Đến nay, lúa hè thu đã được 1 tháng tuổi do lúa ít sâu bệnh nên chưa phải phun xịt thuốc lần nào, và chỉ mới bón 1 đợt phân. Dù vậy, tôi cũng rất lo chi phí sản xuất lúa vụ này sẽ tăng cao vì thời tiết nắng nóng, lúa chậm phát triển nên phải tăng cường phân bón nhiều hơn so với vụ đông xuân. Nhưng gần đây, giá phân bón đã có dấu hiệu nhích lên, giá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật hiện cũng tăng, bà con nông dân chúng tôi đang rất lo...”.

Ông Đoàn Văn Thương, ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai, cũng lo lắng: “Chục công đất nhà tui đã sạ lúa được 45 ngày tuổi, lúa đang làm đòng. Tuy nhiên, chi phí sản xuất lại tăng do gần đây giá phân bón tăng 20.000-40.000 đồng/bao (50 kg) tùy loại. Tuy nhiên, điều lo nhất vẫn là giá lúa đang bấp bênh.

Trước tình hình này, ngành nông nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật khuyến cáo nông dân áp dụng nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ông Lâm Minh Trí, Phó Trưởng phòng NN& PTNT huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Trong vụ hè thu 2012, bên cạnh việc khuyến cáo nông dân tăng cường sạ các giống lúa chất lượng cao, hạn chế sạ lúa IR50404 và các giống lúa cho phẩm chất gạo kém, ngành nông nghiệp huyện còn khuyến cáo nông dân áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất. Trong đó, ngay từ đầu vụ huyện đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn, hội thảo nhằm giúp nông dân đưa ra các giải pháp quản lý dịch bệnh hợp lý, từ đó không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến tăng chi phí phun xịt thuốc và có thể làm cho dịch bệnh bùng phát. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng đã khuyến cáo nông dân xuống giống tập trung theo lịch khuyến cáo né rầy và các điều kiện thủy văn thuận lợi nhằm giảm chi phí bơm tưới nước cho lúa; thực hiện việc sạ thưa, sạ hàng, bón phân cân đối, giảm lượng phân đạm hóa học, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học...”. Theo phòng NN& PTNT huyện Cờ Đỏ, vụ lúa đông xuân vừa rồi, tuy giá lúa đầu ra không cao nhưng nhờ lúa trúng mùa và giảm được chi phí sản xuất, nhiều nông dân trồng lúa trên địa bàn Cờ Đỏ đã đạt lợi nhuận từ 29-33 triệu đồng/ha lúa. Riêng các nông dân tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn đạt lợi nhuận lên đến 34-35 triệu đồng/ha.

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, gần đây, giá phân bón có nhích lên nhưng nhìn chung chưa ảnh hưởng nhiều đến sản xuất lúa hè thu trên địa bàn thành phố, do năm nay đất phù sa màu mỡ lúa phát triển rất tốt và ít tốn phân. Ngoài ra, các đại lý phân còn hàng tồn kho lớn nên trong thời gian tới giá phân bón ít có khả năng tăng cao... Song, để giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất, nông dân cần phải quản lý tốt đồng ruộng, quan tâm việc bón phân xịt thuốc, tưới tiêu nước hợp lý và thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật mà ngành nông nghiệp khuyến cáo.

VĂN CÔNG - ANH KHOA

Tỉa giặm cho ruộng lúa vụ hè thu 2012 ở huyện Thới Lai. Ảnh: VĂN CÔNG

Chia sẻ bài viết