21/02/2016 - 16:23

Lúa đông xuân dễ tiêu thụ

Nông dân tại nhiều địa phương ở TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân 2015-2016. Dù lượng lúa hàng hóa trong dân đang tăng mạnh nhưng giá lúa vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thu mua lúa, gạo được nhiều tiểu thương và doanh nghiệp đẩy mạnh ngay sau Tết Nguyên đán 2016 đã giúp nông dân tại nhiều địa phương gặp thuận lợi trong tiêu thụ lúa…

*Giá tăng, nông dân dễ tiêu thụ lúa

Vào thời điểm cuối tháng 1 và đầu tháng 2-2016 (trước Tết Nguyên đán 2016), lúa đông xuân thu hoạch sớm có giá bán cao hơn cùng kỳ năm trước ít nhất khoảng 500 đồng/kg. Tại nhiều tỉnh vùng ĐBSCL như: Sóc Trăng, Vĩnh Long… lúa đông xuân sớm được nông dân bán lúa tươi IR 50404 ngay tại ruộng cho thương lái mức từ 4.700-4.800 đồng/kg, còn các loại lúa tươi hạt dài như: OM 5451, OM 4218, OM 4900 có giá 4.900-5.000 đồng/kg. Giá lúa gạo đang ở mức cao so với cùng kỳ năm trước do ngay từ cuối năm 2015 và bước vào đầu năm 2016 các doanh nghiệp nước ta đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo, tạo thuận lợi về đầu ra trong xuất khẩu.

Nông dân ở Trường Thành bán lúa tươi ngay tại ruộng cho thương lái.

 

Hiện nay, giá không còn ở mức cao như trước Tết do lúa đông xuân bước vào thu hoạch rộ nhưng nhiều nông dân vẫn còn bán được lúa với giá tăng cao ít nhất khoảng 150-300 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.Tại nhiều quận, huyện của TP Cần Thơ như: Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ… giá lúa tươi IR 50404 phổ biến 4.400-4.450 đồng/kg; nhiều loại lúa hạt dài và lúa thơm giá 4.500- 4.800 đồng/kg. Theo nhiều nông dân trồng lúa ở TP Cần Thơ, năm nay không chỉ lúa bán được giá mà việc tiêu thụ lúa của nhà nông cũng khá thuận lợi do có nhiều tiểu thương, doanh nghiệp tham gia thu mua lúa gạo ngay từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2016. Phần lớn nông dân đã bán được lúa tươi tại ruộng cho thương lái và doanh nghiệp ngay sau khi lúa được thu hoạch. Có lẽ vấn đề khiến nhà nông không vui chính là năng suất lúa đông xuân năm nay thấp hơn so cùng kỳ năm trước, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân dù giá bán lúa có tăng.

Ngay từ thời điểm 25 Tết, khi lúa còn mới đỏ chín trên đồng, ông Huỳnh Văn Học, ngụ xã Trường Thành, huyện Thới Lai cùng nhiều bà con canh tác trên cùng cánh đồng đã thỏa thuận giá bán lúa tươi cho thương lái ở mức 4.400 đồng/kg và nhận tiền cọc mỗi công khoảng 300.000 đồng. Đến ngày 17-2 (tức mùng 10 Tết), lúa được thu hoạch và thương lái đến thu mua như đã hẹn. Ông Huỳnh Văn Học cho biết: "Nhìn chung việc tiêu thụ lúa của nông dân trong vụ này khá thuận lợi, không có chuyện thương lái bỏ tiền cọc không đến thu mua lúa hoặc đòi giảm giá thu mua vì bước vào thu hoạch rộ giá giảm mạnh. Tuy nhiên, vụ này nhiều diện tích lúa của bà con ở đây chỉ đạt năng suất từ 0,8-1 tấn/công tầm lớn (1.300 m2), thấp hơn khoảng 100-200 kg/công. Do vậy, phần lớn nông dân chỉ đạt lợi nhuận khoảng 1,5- 2 triệu đồng/công". Theo ông Đoàn Văn Hậu, ngụ phường Phước Thới, quận Ô Môn, vụ lúa đông xuân này nông dân ở đây cũng gặp thuận lợi trong tiêu thụ lúa. Hầu như bà con sản xuất lúa trên các cánh đồng ở Phước Thới đã nhận tiền cọc bán lúa cho thương lái từ trước và trong Tết Nguyên đán 2016 nên qua Tết chỉ chờ đến ngày thu hoạch đã hẹn, rồi cân lúa cho thương lái. Ông Hậu cho biết: "Vừa qua, đã thu hoạch và bán lúa tươi IR 50404 ngay tại ruộng cho thương lái được với 4.400 đồng/kg, cao hơn 250 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Nhưng do năng suất lúa chỉ đạt gần 1 tấn/công, thấp hơn 100 kg/công, nên trừ đi chi phí sản suất, mỗi công lúa tôi chỉ thu được khoảng 2 triệu đồng".

* Thu hoạch khá thuận lợi

Năm nay, năng suất lúa đông xuân tại nhiều địa phương giảm do lũ về ít, đồng ruộng thiếu phù sa màu mỡ như mọi năm. Mặt khác, thời tiết diễn biến bất thường, với tình hình nắng nóng tăng cao so với mọi năm và sự xuất hiện bất ngờ của sương mù, thời tiết lạnh trong những thời điểm có nhiều trà lúa trong giai đoạn trổ đến chắc hạt và chín. Điều này đã khiến nhà nông không vui khi năng suất nhiều trà lúa đông xuân đang giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết nắng, không xuất hiện các đợt mưa trái mùa đã giúp việc thu hoạch lúa đông xuân của nông dân đang diễn ra khá thuận lợi. Nông dân không phải lo tình trạng thiếu nhân công trong thu hoạch lúa.

Thu hoạch lúa đông xuân bằng máy gặt đập liên hợp tại xã Trường Thành, huyện Thới Lai.

Ông Nguyễn Văn Trung, ngụ phường Phước Thới, quận Ô Môn, cho biết thêm: "Gần đây, trời nắng, không mưa nên bà con thuận lợi trong thu hoạch lúa. Đặc biệt, do bà con đã có kinh nghiệm và chủ động tiêu thoát nước cho ruộng lúa trước khi chuẩn bị thu hoạch để tránh nền đất bị sình lầy nên có thể dễ dàng đưa các máy gặt đập liên hợp vào ruộng thu hoạch lúa". Theo anh Nguyễn Văn Hùng, ngụ ấp Định Hòa A, xã Định Môn, huyện Thới Lai, năm nay nhiều ruộng lúa đông xuân ít bị đổ ngã cũng góp phần giúp việc thu hoạch thuận lợi. Đặc biệt, ngoài lượng máy gặt đập liên hợp tại địa phương, nhiều chủ máy gặt đập liên hợp từ các nơi khác cũng đến thành phố để làm dịch vụ.

Tại TP Cần Thơ, phần lớn các diện tích lúa đông xuân đã được thu hoạch, vận chuyển và sấy lúa bằng các thiết bị cơ giới. Đáng chú ý, các máy gặt đập liên hợp đã giúp người nông dân thu hoạch lúa nhanh chóng và tiết kiệm hơn 50% chi phí so với thu hoạch bằng tay. Giá thuê máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa đang ở mức từ 270.000-300.000 đồng/công, tùy diện tích và lúa đứng hay ngã. Hiện nay, một số ít diện tích lúa đông xuân của bà con do sản xuất trong các vùng nhỏ lẻ, manh mún khó đưa máy gặt đập vào để thu hoạch, buộc phải thu hoạch theo kiểu thủ công truyền thống. Thu hoạch lúa theo kiểu này, tính ra chi phí có thể lên đến 600.000-700.000 đồng/công lúa.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết