21/03/2008 - 09:55

Đồng chí Phan Thanh Sĩ, Ủy viên UBTƯMTTQVN, Chủ tịch UBMTTQVN TP Cần Thơ:

Lựa chọn, cơ cấu vào MTTQ những cán bộ có uy tín, bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, không ngại va chạm

Mặt trận cơ sở như là “chiếc cầu nối” truyền tải những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến nhân dân; “phản hồi” ý kiến, nguyện vọng của nhân dân đến Đảng, Nhà nước; đồng thời vận động nhân dân ở các khu dân cư cùng thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhân chuẩn bị Đại hội MTTQVN cấp cơ sở, phóng viên Báo Cần Thơ đã phỏng vấn đồng chí Phan Thanh Sĩ, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch UBMTTQVN TP Cần Thơ, xung quanh vấn đề này.

* UBTƯMTTQVN đã có hướng dẫn đại hội Mặt trận các cấp, trong đó, quý II và quý III năm 2008 tiến hành đại hội Mặt trận cấp xã. MTTQ thành phố có chỉ đạo cụ thể gì để đại hội Mặt trận cơ sở thành công, thưa đồng chí ?

 

- Ban Thường trực UBMTTQVN thành phố đã có kế hoạch hướng dẫn tổ chức đại hội Mặt trận các cấp và thành lập Ban Chỉ đạo đại hội. Trong đó, từ tháng 4 đến tháng 9-2008 tổ chức đại hội Mặt trận cấp xã. Hiện nay, Mặt trận các quận, huyện đã triển khai kế hoạch đại hội Mặt trận từng cấp theo quy định; một số đơn vị cấp xã đã chuẩn bị xong văn kiện, sẽ tiến hành đại hội vào trung tuần tháng 4-2008.

Yêu cầu của đại hội Mặt trận cơ sở lần này, trong dự thảo báo cáo, bên cạnh những kết quả làm được, phải nêu những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện chương trình phối hợp, thống nhất hành động trong nhiệm kỳ qua, rút ra bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình phối hợp, thống nhất hành động phải gắn với tình hình, nhiệm vụ của địa phương và đề ra các biện pháp cụ thể để thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Trước khi tiến hành đại hội Mặt trận cấp xã ít nhất 15 ngày, cần tổ chức hội nghị Ban Công tác Mặt trận. Trong hội nghị, thảo luận đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo nhiệm kỳ và chương trình hành động của Mặt trận cấp xã nhiệm kỳ tới; hiệp thương cử đại biểu đi dự đại hội Mặt trận cấp xã. Về nhân sự, tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương mà cơ cấu thành phần ủy viên UBMTTQ theo hướng mở rộng thành phần cá nhân tiêu biểu và chuyên gia trên các lĩnh vực; chú trọng tỷ lệ nữ, người ngoài Đảng và thành phần tiêu biểu của các giai cấp, tầng lớp xã hội, các tôn giáo, dân tộc, doanh nhân... tham gia UBMTTQ các cấp; đảm bảo có trên 30% người ngoài Đảng...

* Thời gian qua, từng lúc, từng nơi có tình trạng xem nhẹ công tác Mặt trận, nên bố trí, phân công cán bộ chưa đúng tầm. Đại hội lần này, MTTQ thành phố có chỉ đạo cụ thể gì nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở ?

- Thực tế trong thời gian qua, từng lúc, từng nơi chưa xác định đúng và đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của UBMTTQ các cấp, vẫn còn tình trạng xem nhẹ công tác Mặt trận, nên việc bố trí, phân công cán bộ chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ. Cán bộ Mặt trận được bố trí từ nhiều nguồn khác nhau, nhất là ở cơ sở, nên chưa đều tay, trình độ, năng lực, chế độ chính sách đãi ngộ chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Vì vậy, Đại hội MTTQ các cấp lần này phải thực hiện theo tinh thần Chỉ thị số 18 – CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng: “...Các cấp ủy Đảng phân công đồng chí ủy viên thường vụ cấp ủy làm bí thư đảng đoàn Mặt trận và giới thiệu để đại hội bầu giữ chức Chủ tịch UBMTTQVN cùng cấp...”.

Theo Thông tri số 28/TTr-MTTW hướng dẫn đại hội Mặt trận cấp xã, cán bộ chuyên trách Mặt trận phải có phẩm chất, năng lực đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của Mặt trận, phải có tâm huyết với công tác Mặt trận và được quần chúng nhân dân tín nhiệm. Mặt khác, Mặt trận cũng đề xuất với Đảng, Nhà nước có chế độ, chính sách hợp lý cho cán bộ làm công tác Mặt trận, đặc biệt là cán bộ Mặt trận cơ sở, để cán bộ Mặt trận yên tâm công tác. Chú trọng phát hiện những nhân tố mới tích cực để giới thiệu cho Đảng, quan tâm đào tạo chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế thừa.

* Theo đồng chí, UBMTTQVN cấp xã và Ban Công tác Mặt trận các khu vực, ấp thời gian qua có làm tốt công tác tuyên truyền, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hưởng ứng phong trào hành động cách mạng ở địa phương ?

- Giữa năm 1995, UBTƯMTTQVN đã khởi xướng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với 6 nội dung thiết thực: phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, các hoạt động văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền và tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện... UBMTTQ cấp xã và Ban Công tác Mặt trận khu vực, ấp đã làm nòng cốt triển khai thực hiện cuộc vận động này, các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia, đạt nhiều kết quả thiết thực.

Hằng năm, dịp kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18-11) đã trở thành “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” để sơ kết 1 năm thực hiện cuộc vận động và biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Trong dịp này, tại các khu dân cư còn kết hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: trao nhà đại đoàn kết; thăm hỏi, giúp đỡ các hộ nghèo, neo đơn; tham gia các công trình phúc lợi xã hội...

Cuộc vận động ngày càng được mở rộng, nâng chất, gắn với các phong trào, các cuộc vận động khác và được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ KT-XH, an ninh quốc phòng ở địa phương. Thông qua cuộc vận động này, vai trò của UBMTTQ cấp xã và Ban Công tác Mặt trận khu vực, ấp được khẳng định và phát huy. Có thể nói vai trò hoạt động MTTQ cấp xã và Ban Công tác Mặt trận khu vực, ấp là nhân tố thúc đẩy các phong trào hành động cách mạng của nhân dân ở địa phương. Mặt trận là nơi tập hợp đoàn kết toàn dân, cũng là nơi gần gũi dân, nắm vững tâm tư nguyện vọng, là chỗ dựa của các tầng lớp nhân dân.

* Thưa đồng chí, thời gian tới, Mặt trận cơ sở phải làm gì để thực hiện tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội ?

- Thời gian qua, Mặt trận cơ sở đã làm được rất nhiều việc, thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Thông qua các buổi tiếp xúc, hội họp, Mặt trận cơ sở tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân. Mặt khác, nắm bắt những bức xúc, tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước.

Theo tôi, thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận cơ sở cần quan tâm thực hiện tốt một số vấn đề sau đây: Trước hết, bản thân cán bộ MTTQ phải thấy được vai trò là chỗ dựa của các tầng lớp nhân dân. Những gì bức xúc của nhân dân thì MTTQ phải có ý kiến mạnh mẽ. Muốn làm được điều đó, mỗi cán bộ Mặt trận phải hiểu đúng vị trí, chức năng của mình, làm đúng luật, đúng quyền hạn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao cho. Điều quan trọng để thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội là phải không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, nhất là trình độ chuyên môn, của đội ngũ cán bộ các cấp. Đồng thời, phải lựa chọn, cơ cấu vào MTTQ những cán bộ có uy tín, bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, không ngại va chạm. Xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác bằng quy chế, nghị quyết liên tịch giữa Mặt trận với chính quyền phối hợp thống nhất hành động giữa Mặt trận với các tổ chức thành viên nhằm nâng cao trách nhiệm của mỗi bên trong việc xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân; thực hiện tốt việc hiệp thương lựa chọn để bầu những người xứng đáng nhất vào cơ quan dân cử. Cụ thể hóa đề án phản biện xã hội của Mặt trận Trung ương cho phù hợp với tình hình địa phương nhằm động viên các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nhân sĩ, trí thức, cá nhân có tâm huyết, am hiểu trong các lĩnh vực của đời sống xã hội tham gia đề xuất, phản ánh với Đảng, kiến nghị với Nhà nước trước khi có các chủ trương, nghị quyết mới để đạt được “ý Đảng, lòng dân”. Thông qua những hình thức tập hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân đóng góp, xây dựng các dự án Luật; giám sát công tác cải cách hành chính; phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong quy hoạch, chỉnh trang đô thị...

* Đối với các hoạt động của Mặt trận và các thành viên Mặt trận, qua theo dõi thời gian qua, điều gì khiến đồng chí tâm đắc và trăn trở nhất ?

- Qua nhiều năm tham gia và quan tâm theo dõi hoạt động của Mặt trận cùng các tổ chức thành viên của Mặt trận, điều mà tôi tâm đắc nhất là: Mặt trận và các thành viên đã thể hiện được là nơi tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các thành phần, giai cấp, tôn giáo, dân tộc, người Việt Nam định cư ở nước ngoài... đều xem Mặt trận là chỗ dựa để nói lên tâm tư nguyện vọng của mình đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Uy tín của Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận đối với các tầng lớp nhân dân ngày càng tăng, nhất là thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, vận động cứu trợ thiên tai... đã mang lại hiệu quả to lớn và thiết thực. Tiếng nói của Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận đối với cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp ngày càng có uy tín; niềm tin đối với Mặt trận được tăng lên. Mặt trận thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Tuy nhiên, điều khiến tôi trăn trở nhất là trên thực tế, vẫn còn tình trạng nhiều cấp, nhiều nơi xem nhẹ, coi Mặt trận chỉ ngang cấp với phòng, ban của chính quyền địa phương hoặc một tổ chức mang tính dân chủ hình thức; Luật MTTQVN đã ban hành từ lâu nhưng đến nay còn nhiều cấp chính quyền chưa quán triệt đầy đủ. Đối với MTTQ, khả năng giám sát và phản biện xã hội còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Cán bộ Mặt trận nhiều nơi còn yếu, chưa đảm đương nổi nhiệm vụ. Chế độ chính sách đối với cán bộ Mặt trận, nhất là ở cơ sở chưa phù hợp...

* Xin cảm ơn đồng chí!

THANH THY (thực hiện)

Chia sẻ bài viết