21/01/2021 - 06:27

Lớp học của bà Năm 

Bà Năm là cách gọi thân thương của các em học sinh dành gọi cô Lâm Ngọc Sương, 70 tuổi, giáo viên về hưu ở ấp Phước Thạnh, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Suốt 15 năm qua sau khi về hưu, bà Năm gắn bó với bao thế hệ em nhỏ, dạy các em kiến thức, đạo nghĩa ở đời và trao truyền tình thương như người bà, người mẹ.

Bà Năm và các em nhỏ ở lớp học chan chứa tình thương.

Nhà của bà Năm ở một vùng quê của xã Ðông Thạnh, tối tối vẫn bi bô tiếng tập đọc, đánh vần của các học trò nhỏ. Bàn ghế đã nhuốm màu thời gian, nhưng mỗi ngày đến lớp học của các em vẫn là một ngày vui vì luôn được bà Năm dạy cho những điều hay lẽ phải.

Bà Năm kể, năm 2005 bà về hưu sau 45 năm làm giáo viên. Vốn gắn bó với tiếng cười nói của trẻ thơ, về hưu thấy buồn nên bà mở lớp dạy học. “Tiếng lành đồn xa”, lớp dạy học của bà Năm rèn nét chữ, luyện phép tính, dạy nết người nên được phụ huynh các vùng lân cận như Phú Hữu, Cái Chanh, Thường Thạnh... đăng ký cho con học. Nhiều em đang học ở đây còn là con, cháu những người học trò cũ của bà đến gửi gắm. Mỗi buổi học từ 5 giờ đến 8 giờ tối, bà Năm chỉ nhận tiền thù lao 10.000 đồng mỗi em. Số tiền ấy thật khiêm tốn so với vật giá đắt đỏ bây giờ. Có nhiều người, kể cả phụ huynh, khuyên bà Năm nên “lên giá” để xứng với công sức dạy bảo các em, bà nói: “10.000 đồng với những gia đình khó khăn cũng lớn chứ không nhỏ. Thôi, bấy nhiêu đó là vừa rồi”. Vả lại bà Năm muốn san sẻ phần nào với phụ huynh, sợ các em có hoàn cảnh khó khăn gập ghềnh trên con đường học vấn.

Chẳng những vậy, 15 năm qua, gần 200 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đã được bà Năm dạy miễn phí, xem như con cháu trong nhà, cảm thông cho từng cảnh đời cơ cực. Ðặc biệt là dịp hè mỗi năm, đều có khoảng chục em nhỏ được bà Năm dạy học miễn phí. Hiện nay cũng có 3 em nhỏ đang được bà Năm “chắp cánh ước mơ” bằng tình thương của bà giáo về hưu. Bé gái tên K.T, có biệt danh là Gà Con, được bà Năm dạy từ lớp Lá, nay đã học lớp 2. Cha mẹ của Gà Con chia tay, cha em làm mướn kiếm sống, em được ông bà nội nuôi nấng. Gia cảnh khó nghèo nhưng Gà Con học giỏi và rất ngoan ngoãn. Gà Con lễ phép: “Con thương bà Năm lắm. Bà Năm dạy con tập đọc, tập viết”. Có những trường hợp khác như bé trai có cha đi làm thuê leo trên cao bị té, bị liệt giường; bé trai có cha cũng từng là học trò của bà Năm, nay phải đi làm thuê mưu sinh... đều được bà Năm dạy học miễn phí.

Ðiều đáng trân trọng ở lớp học nhiều tình thương yêu này là ngoài dạy chữ, bà Năm còn dạy các em lễ phép, cách cư xử với ông bà, cha mẹ, thầy cô, bè bạn... Bé Nguyễn Thúy Quyên nói: “Con được bà Năm dạy 4 năm rồi. Bà Năm đối xử tốt với tụi con lắm, dạy con biết lễ phép, dạ thưa, phải làm người tốt”. Còn bé Nguyễn Minh Khang kể: “Bà Năm dạy dễ hiểu, con học giỏi lên từ từ. Bà Năm thương tụi con lắm”.

Cứ tầm 5 giờ chiều, bà Năm lại ra trước cửa đón các em nhỏ. Các em thấy bà thì nhanh nhảu khoanh tay tròn vo, lễ phép cúi đầu: “Thưa bà Năm con mới tới”. Bà Năm xoa đầu trìu mến từng em với nụ cười phúc hậu. Cứ vậy, một buổi học chan hòa thương mến lại bắt đầu ở vùng quê nông thôn mới. Bà Năm chia sẻ mong muốn rằng, các em học từ lớp học nhỏ này, sau thành tài, có kiến thức để đi làm việc, giúp ích cho xã hội. “Các con tôi cũng khuyên tôi nghỉ ngơi, vui hưởng tuổi già, nhưng tôi thấy mình còn khỏe, vẫn còn tâm huyết với nghề, với các học trò nên tôi tâm nguyện sẽ tiếp tục dạy đến khi nào không còn đủ sức mới thôi” - bà Năm tâm sự.

Bài, ảnh: DUY LỮ

Chia sẻ bài viết