30/05/2012 - 22:07

Làng bột Sa Đéc

Liên kết để tạo sức sống mới

Làng bột Sa Đéc là nơi từng cung cấp nguyên liệu phối trộn cho nhiều nhãn hàng lớn, nhiều công ty xuất khẩu có tiếng ở TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác. Nhưng chỉ một thập niên vừa qua, từ 1.000 hộ sản xuất đã giảm hơn một nửa. Mỗi năm có cả trăm cơ sở đóng cửa! Cuộc sàng lọc nghiệt ngã này vẫn chưa dừng lại!...

“Nút thắt” làng bột

Tại cuộc tọa đàm “Nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng của làng bột Sa Đéc” (25-5-2012) - do Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, UBND thị xã Sa Đéc, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh - Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp tổ chức, ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Mỗi năm Đồng Tháp có sản lượng gạo trên 3 triệu tấn, trên địa bàn có hơn 800 cơ sở, doanh nghiệp chế biến gạo... Nguồn nguyên liệu dồi dào cùng với những tên tuổi đỉnh cao của làng bột Lộc Sánh, Bích Chi, Sa Giang... nhưng thực trạng vẫn là làm ăn phân tán, sức cạnh tranh không bền vững, trong khi người kinh doanh “sống được” thì vẫn chưa có cách cải thiện thu nhập của người làm bột.

Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm làm từ bột tại buổi tọa đàm
“Nâng cao giá trị sản phẩm làng bột Sa Đéc”. 

Theo ông Phạm Văn Điệp, người từng thu mua bột, có hai điều khiến làng bột bất lợi. Đó là người làm bột phải bán ngay mà không thể dự trữ nên thường xuyên bị ép giá. Mỗi nhà có một kiểu làm, chất lượng bột không theo tiêu chí chất lượng chung nên các cơ sở khó liên kết với nhau. Cơ sở làm bột nhưng lợi ích chính từ chăn nuôi heo (lấy bã bột làm thức ăn chăn nuôi), rất ít cơ sở lời từ làm bột. Phần lớn nhà cung cấp nhỏ yếu đều “ẩn danh”, không tên tuổi, không thương hiệu... Đó là “nút thắt” của làng bột Sa Đéc khi nhìn theo dòng chảy thị trường. Bà Mật Bích Khuầy, Phó Giám đốc Công ty Cổ Phần Xuất nhập khẩu Sa Giang, cho biết: “Các sản phẩm chế biến từ gạo của chúng tôi xuất khẩu sang các nước như: Đức, Ba lan, Mỹ, Anh, Pháp... và tiêu dùng nội địa. Do chúng tôi đi vào thị trường bằng chất lượng và công tác phục vụ khách hàng nên được nhiều khách hàng tin dùng”.

Tương phản với các nhà chế biến, an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là thách thức với làng bột. Đây được xem là nút thắt chặt nhất. Vì chất lượng không được xem là an toàn với người tiêu dùng sẽ không thể đăng ký nhãn hiệu, huy động vốn đầu tư thiết bị công nghệ, xây dựng và quảng bá thương hiệu bột. Ông Trần Kiêm Khánh (Tư Khánh- “cha đẻ” thương hiệu Bích Chi), người đi tiên phong trong việc chế biến tạo ra giá trị tăng thêm từ sản phẩm sau gạo trong hơn nửa thế kỷ qua, bày tỏ: “Nếu không sớm xây dựng, đăng ký thương hiệu ở các nước, quảng bá hình ảnh, tương lai làng nghề bột gạo Sa Đéc lại ngậm ngùi như nước mắm Phú Quốc. Bột gạo sẽ là thế mạnh thứ hai của Việt Nam sau gạo được thế giới biết đến. Bột gạo Việt Nam chế biến được hàng trăm món ăn ngon bổ sung nguồn thực phẩm cho con người”.

Làm gì để tạo sức sống mới?

Những cơ sở làm bột mong muốn tạo dựng một thương hiệu cho làng nghề Sa Đéc nhưng không thể hợp tác với nhau để tạo ra nguồn nguyên liệu đồng đẳng. Nguyên nhân chủ yếu do từng cơ sở lâu nay tự thân vận động, tự xây dựng năng lực sản xuất, cung ứng. Sự mong muốn được pháp lý công nhận vị thế làng nghề trong điều kiện làm ăn nhỏ lẻ, quy trình lạc hậu, môi trường có nhiều rắc rối, phẩm chất không đồng đều, những cam kết từ cơ sở tới bàn ăn vẫn chưa rõ ràng... thực sự có nhiều rào cản.

Tại buổi tọa đàm, ý kiến từ “4 nhà” cho thấy, xây dựng tiêu chí chất lượng chung cho các cơ sở sản xuất bột nguyên liệu gắn với hệ thống nhận diện thương hiệu, đưa đặc sản bột địa phương chinh phục người tiêu dùng khắp nơi cần cách tiếp cận khác biệt so cách làm lâu nay. Theo đại diện Bột Tài Ký, Mikko, khả năng hợp tác với các nhà cung cấp còn rất lớn nếu có những tín hiệu mới từ làng bột. Tiến sĩ Võ Tấn Thành, Bộ môn Chế biến, Khoa Nông Nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ: Thông tin tiến bộ mới khả dụng cho làng bột trong việc tạo ra sức sống mới, ví dụ như: cách tạo ra mật tinh bột hoặc những kỹ thuật sấy hữu hiệu để bảo quản bột trong thời gian dài... Một chuyên gia của BSA gợi ý liên kết các tác nhân trong làng bột thông qua những điểm hội tụ để thu hút các nhà chế biến-kinh doanh bột, các nghệ nhân từng tạo ra giá trị tăng thêm cho những món ăn “tươi” để từ đó xây dựng hình ảnh chung cho đội hình làng nghề, giá trị mới của những sản phẩm đa dạng, tinh tế, thiện nghệ. Đặc biệt, các cơ sở tận dụng những cơ hội lồng ghép từ việc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu theo chương trình hỗ trợ của Bộ Công thương.

Theo UBND thị xã Sa Đéc, để tháo gỡ khó khăn cho làng bột Sa Đéc, địa phương sẽ tập trung tổ chức quảng bá sản phẩm bột Sa Đéc thông qua chương trình khuyến công, hướng dẫn hộ sản xuất xây dựng thương hiệu hàng hóa, đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị sản xuất cho các hộ, quy hoạch lại làng nghề bột với diện tích khoảng 50 ha tại xã Tân Phú Đông để tập trung các hộ sản xuất bột về đây. Theo ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, dự án 37 tỉ đồng có thể giúp làng bột xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm, sẽ sớm được triển khai.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: Sự nổi tiếng của các thương hiệu chế biến kinh doanh bột như: Sa Giang, Bích Chi, Lộc Sánh... góp phần thuận lợi đưa các sản phẩm bột của Sa Đéc tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Nhưng để ngành bột vươn lên mạnh mẽ, việc nghiên cứu, phát triển làng nghề theo chiều sâu, nâng cao hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng, nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm từ bột đòi hỏi tính tiên phong của các doanh nghiệp. Đặc biệt, sự phát triển chiều sâu theo hướng nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản xuất là điều cần sớm thực hiện. Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, vai trò cầu nối từ ngành công thương, chính quyền địa phương liên kết thông tin giữa các doanh nghiệp với các hộ sản xuất, thúc đẩy các hoạt động hợp tác bền vững hết sức quan trọng.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Chia sẻ bài viết