11/01/2010 - 21:15

XÂY DỰNG MẠNG LƯỚI CÁC TRƯỜNG CAO ĐẲNG, ĐẠI HỌC VÙNG ĐBSCL

Liên kết để phát triển mạnh hơn

Liên thông trong đào tạo sẽ giúp các trường ĐH, CĐ thuận lợi hơn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Trong ảnh: Học viên lớp cao đẳng liên thông Chăn nuôi thú y tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ.

Những năm gần đây, hàng loạt các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) được thành lập ở ĐBSCL. Sự hợp tác giữa các trường hầu hết mang tính riêng lẻ. Liên kết như thế nào để phát huy thế mạnh của từng đơn vị, thúc đẩy phát triển đào tạo nguồn nhân lực cho vùng? Cuối tháng 12 vừa qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Trường ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp thảo luận về việc xây dựng mạng lưới các trường CĐ, ĐH vùng ĐBSCL. Đây là bước chuẩn bị để tiến đến một bước hợp tác, liên kết chặt chẽ hơn giữa các trường.

* Mở rộng liên thông

ĐBSCL hiện có 11 trường ĐH, 1 phân hiệu của Trường ĐH Thủy sản Nha Trang đặt tại tỉnh Kiên Giang, 27 trường CĐ. Mỗi trường có thế mạnh riêng về đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, có điểm chung là phần lớn những trường ĐH, CĐ mới thành lập đang gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cũng như nguồn lực tài chính phát triển trường. Liên kết để phát huy thế mạnh của từng trường, khắc phục khó khăn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng là vấn đề đã và đang được đặt ra. PGS.TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Qua chuyến đi làm việc với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, tôi nhận thấy vấn đề phát triển nguồn nhân lực rất bức thiết. Để phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, các trường ĐH, CĐ trong vùng phải liên kết với nhau và liên kết với các trường ĐH mạnh trong cả nước”.

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển ĐBSCL, đào tạo liên thông là giải pháp các trường đề cập đến. Đây là hình thức đào tạo mềm dẻo, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng nâng cao trình độ, tri thức. Theo ông Ngô Tấn Lực, Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, hiện nay, sinh viên tốt nghiệp loại khá- giỏi của Trường ĐH Tiền Giang muốn học liên thông lên bậc học cao hơn tại Trường ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhưng không được, vì Trường ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Tiền Giang chưa có sự liên thông trong đào tạo. Tương lai, nếu có sự gắn kết giữa mạng lưới các trường CĐ, ĐH vùng ĐBSCL và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh thì liên thông sẽ thuận lợi hơn. Ông Lực phân tích: “Cả nước có 15 trường CĐ cộng đồng, hơn một nửa tập trung ở ĐBSCL. Tuy nhiên, đầu tư cho các trường phân tán, manh mún, đào tạo thì chồng chéo... Sự liên kết, liên thông giữa các trường sẽ khắc phục được tình trạng trên”.

Liên thông để đào tạo giảng viên cho các trường CĐ, ĐH cũng được bà Võ Thị Xinh, Hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Kiên Giang, đặt ra trong bối cảnh đội ngũ cán bộ giảng viên của các trường còn thiếu và yếu. Còn ông Trần Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long, cho rằng: “Trường ĐH Cần Thơ có hình thức đào tạo e-learning (đào tạo trực tuyến). Để nâng cao trình độ cán bộ giảng viên, các trường trong vùng rất cần sự hỗ trợ của Trường ĐHCT, nhất là với hình trực tuyến”.

* Liên kết để phát triển bền vững

Theo PGS.TS Lê Quang Minh, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐBSCL vẫn là khu vực có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp CĐ, ĐH/ 10.000 dân thấp nhất nước. Cụ thể, bình quân cả nước có 161 sinh viên/ 10.000 dân, trong khi ĐBSCL chỉ có 40 sinh viên/ 10.000 dân. Tỷ lệ người lao động qua đào tạo cũng thấp... PGS.TS Lê Quang Minh cho rằng: “Để phát triển kinh tế, xã hội của ĐBSCL, các trường CĐ, ĐH trong vùng cần phải liên kết để chia sẻ thông tin, chiến lược, kinh nghiệm về các vấn đề phát triển giáo dục; góp phần nâng cao năng lực quản lý, năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giáo viên... Muốn thế, các trường cần đồng thuận, chung sức vì sự phát triển bền vững của ĐBSCL”.

Trường ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án mạng lưới các trường CĐ, ĐH vùng ĐBSCL. Mục đích của việc thành lập mạng lưới này là góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của ĐBSCL thông qua nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, nâng cao trình độ và phát triển nguồn nhân lực cho vùng. Trước mắt, các trường CĐ, ĐH trong vùng sẽ liên kết với ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh theo 3 trục chính: ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh- ĐH Cần Thơ liên kết về các vấn đề đào tạo năng lực quản lý ĐH và CĐ cho vùng Nam sông Hậu, nâng cao năng lực về các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ; ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh - ĐH Tiền Giang liên kết nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học vùng Bắc sông Hậu; ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh - ĐH An Giang liên kết nghiên cứu về tài nguyên- môi trường cho vùng bán đảo Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp.

Theo ông Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, trong khả năng và điều kiện có thể, Trường ĐHCT sẵn sàng chia sẻ với các trường về nguồn học liệu, năng lực đào tạo, kinh nghiệm quản lý... Theo bà Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, khi các trường CĐ, ĐH liên kết với nhau sẽ tránh tình trạng các trường đào tạo những ngành nghề chồng chéo nhau, dẫn đến nguồn nhân lực vừa thừa, vừa thiếu. Trên thực tế, mỗi trường, mỗi tỉnh, thành đều có thế mạnh riêng nhưng vấn đề là cần có một đơn vị làm “đầu tàu” để dẫn dắt phát triển đúng hướng. Bà Bình đề xuất: “Cần có chỉ tiêu, lộ trình cụ thể, như đưa ra mốc thời gian đến năm 2015, năm 2020, tỷ lệ sinh viên/10.000 dân ở ĐBSCL sẽ được rút ngắn như thế nào”.

***

Dự kiến, cuối tháng 1-2010, các đơn vị, trường CĐ, ĐH vùng ĐBSCL sẽ ký kết hợp tác thành lập mạng lưới các trường CĐ, ĐH vùng ĐBSCL. Đây là một tín hiệu mới cho tiến trình phát triển hệ thống đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao của ĐBSCL.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết