25/07/2018 - 21:40

Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập và đón nhận Huân chương Sao vàng 

Sáng 25-7, tại Thủ đô Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập (1948-2018) và đón nhận Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới dự.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: TRÍ DŨNG  (TTXVN)

Về dự Lễ kỷ niệm có hơn 400 đại biểu đại diện hơn 40.000 văn nghệ sĩ đang hoạt động trong 10 Hội chuyên ngành Trung ương và 63 Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại Lễ kỷ niệm, nhà thơ Hữu Thỉnh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đọc diễn văn ôn lại quá trình thành lập và phát triển của Liên hiệp trong 70 năm qua, nhấn mạnh những nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới.

Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng đã giành được nhiều giải thưởng danh giá trong các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật quốc tế, góp phần giúp người dân thế giới hiểu rõ về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; xây dựng nhịp cầu hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới.

Ghi nhận những đóng góp của văn học nghệ thuật trong 70 năm qua, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho 367 văn nghệ sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú cho 1.000 văn nghệ sĩ. Có 284 văn nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Năm hội chuyên ngành được tặng Huân chương Sao Vàng, nhiều hội được tặng Huân chương Độc lập. Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã vinh dự được nhận Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã khẳng định văn hóa, văn học, nghệ thuật là một mặt trận quan trọng, một sức mạnh đặc biệt của dân tộc trong công cuộc tự giải phóng mình. Đặc biệt, sự ra đời của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 - Chiến lược đầu tiên về văn hóa của Đảng - đã có sức thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức - văn nghệ sĩ vào "Hội Văn hóa cứu quốc" - một bộ phận của Mặt trận Việt Minh, góp phần động viên, cổ vũ đồng bào cả nước làm nên thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ra đời, trưởng thành và phát triển trong những năm tháng cả dân tộc chiến đấu kiên cường, đầy hy sinh, gian khổ chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến đấu bảo vệ vững chắc biên cương, lãnh thổ của Tổ quốc, được nhân dân hết lòng yêu mến, đùm bọc và quý trọng, đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh.

Bước sang thời kỳ hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, văn học, nghệ thuật vừa tiếp tục phát huy truyền thống trong kháng chiến, vừa là một tiếng nói trách nhiệm và tâm huyết, góp phần cùng với Đảng và nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới có ý nghĩa cách mạng sâu sắc từ năm 1986 đến nay. Nhiều văn nghệ sĩ đã kiên trì tìm tòi, tự vượt lên chính mình, âm thầm lao động sáng tạo để khẳng định các giá trị mới của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao tặng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam Huân chương Sao Vàng, ghi nhận những cống hiến to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

NGUYỄN SỰ - MỸ BÌNH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết