28/08/2021 - 07:02

Lao động tự do nào sẽ được hưởng hỗ trợ? 

Bạn đọc ngụ tại phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, phản ánh những ngày qua, phường phát loa yêu cầu người dân thuộc diện lao động tự do trên địa bàn, chuẩn bị hồ sơ để nhận tiền hỗ trợ đối với nhóm đối tượng này. Bà con rất phấn khởi trước thông tin đó, tuy nhiên nhiều người cũng thắc mắc mình có thuộc đối tượng được hỗ trợ hay không.   

Ðoàn viên thanh niên phường Thới Bình tuyên truyền các quy định về phòng, chống dịch; các quy định về hỗ trợ lao động tự do mất việc làm

Bà T ở phường Thới Bình, cho biết: “Tôi sửa quần áo đã trên chục năm nay, đời sống cũng tạm ổn. Tuy nhiên, mấy tháng nay, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Khi nghe chính quyền thông báo các nhóm lao động tự do được hưởng hỗ trợ từ thành phố, tôi rất mừng. Nhưng khi hỏi thăm, địa phương trả lời sửa quần áo không thuộc trường hợp được hưởng hỗ trợ. Tôi mong chính quyền địa phương xem xét trường hợp của tôi cũng như các hoàn cảnh cùng làm nghề sửa quần áo như tôi hiện đang rất khó khăn”.

Một người dân ngụ hẻm 90, đường Hùng Vương, phường Thới Bình, chia sẻ: “Tôi làm nghề dán decal xe. Do giãn cách xã hội, tiệm của tôi phải tạm ngừng hoạt động. Tôi nghe chính quyền thông báo là lao động tự do được hỗ trợ tiền, nhưng không biết trường hợp của tôi có thuộc đối tượng được hưởng? Hiện gia đình tôi rất khó khăn, mong chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ”. 

Trước những thắc mắc của người dân, ông Lê Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Thới Bình, cho biết: “Hiện nay, UBND phường căn cứ Tờ trình số 135/TTr-UBND ngày 11-8-2021 của UBND TP Cần Thơ về việc trình dự thảo Nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) trong thời gian áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố để lập danh sách đối tượng được hỗ trợ. UBND phường đã giao các trưởng khu vực thông báo đến từng người dân thuộc trường hợp lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), để có cơ sở thống kê lập danh sách gửi về UBND phường thực hiện xét duyệt để hỗ trợ kịp thời cho người dân. Lãnh đạo phường còn chỉ đạo phát loa tuyên truyền đến từng ngõ, từng nhà để người dân biết và đăng ký nhận hỗ trợ, đảm bảo tất cả người dân thuộc đối tượng nêu trên đều được hưởng trợ cấp đúng quy định. Ngoài ra, đối với 2 trường hợp nêu trên, nếu người dân không được khu vực đăng ký, lên danh sách, có thể đến trực tiếp UBND phường để được hướng dẫn đăng ký hỗ trợ đúng quy định”. 

Bên cạnh đó, UBND quận Ninh Kiều vừa ban hành kế hoạch về việc tiếp nhận, cấp phát gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn quận Ninh Kiều. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ gạo gồm người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng sống trong các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, người dân tộc Khmer, người có công cách mạng, công nhân ở trọ, người cao tuổi (từ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi), trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lao động tự do và sinh viên ở trọ gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 đã được phường rà soát, lập danh sách đề xuất hỗ trợ trong tháng 8-2021. Sau khi phường tiếp nhận gạo từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ninh Kiều, sẽ trực tiếp cấp phát đến cho người dân. 

Tờ trình số 135/TTr-UBND ngày 11-8-2021 của UBND TP Cần Thơ về việc trình dự thảo Nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) trong thời gian áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, áp dụng đối với người lao động làm một trong các loại công việc sau:

- Bán lẻ xổ số lưu động.

- Bốc vác, phụ hồ, thu mua phế liệu, vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách bằng xe gắn máy (xe ôm truyền thống), xe đạp (kể cả xe đạp máy).

- Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ (bán thức ăn, thức uống, thực phẩm trước cửa nhà), bán hàng tự sản, tự tiêu ở chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ nổi.

- Phục vụ, giúp việc trong hoạt động ăn uống, lưu trú, du lịch.

- Làm các loại dịch vụ: chăm sóc sức khỏe (mát-xa, xông hơi, giác hơi, bấm huyệt, vật lý trị liệu), làm đẹp (chăm sóc da, cắt tóc, uốn tóc, gội đầu, làm móng), rửa xe, sửa xe, sửa chữa đồ gia dụng.

Tiêu chí hỗ trợ: là người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), không thuộc đối tượng phải giao kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật, không thuộc hộ kinh doanh có đăng ký mã số thuế, cư trú hợp pháp trên địa bàn TP Cần Thơ (có hộ khẩu thường trú, trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú được cơ quan có thẩm quyền xác nhận) trước khi bị ngừng việc hoặc mất việc làm theo quyết định, văn bản yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Người lao động cùng lúc làm nhiều loại công việc (trong 5 nhóm trên) chỉ được hưởng mức hỗ trợ của một loại công việc, mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người, chỉ hỗ trợ 1 lần. Không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.

         Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Chia sẻ bài viết