04/01/2008 - 22:28

Làng Chăm Phũm Soài - Cuộc sống khác xưa...

Cách nay 4 năm đường vào làng Chăm còn lầy lội, mùa lũ thường xuyên bị ngập. Còn bây giờ hầu hết đường của làng Chăm đều được đổ bê tông hoặc nhựa hóa, không còn cầu khỉ, thay vào đó là các cây cầu bê tông cốt thép. Cuộc sống làng Chăm đang đổi mới...

Ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, huyện Tân Châu-An Giang có 538 hộ, gần 2.900 nhân khẩu Chăm sinh sống biệt lập.

  Cô Sa Ly Ha đang dạy các cháu mẫu giáo.
Trưởng ấp Ismael kể với tôi: “Từ năm 2000 trở về trước, bà con trong ấp sống trong tình trạng “bốn không” (không điện, không đường, không trường, không trạm) nhà cửa ọp ẹp, đa số dân đều mù chữ”. Ismael hướng dẫn chúng tôi đi thăm khu dân cư của làng Chăm. Hệ thống đường nội bộ giờ tráng nhựa láng bon. Đầu làng là văn phòng ấp Phũm Soài còn thơm mùi vôi mới. Cuối tháng 12-2007, nhà nào cũng trang trí cờ hoa rực rỡ để đón mừng năm mới 2008 và kỷ niệm 250 năm thành lập Tân Châu Đạo, đơn vị hành chính được thành lập từ thời chúa Nguyễn đi mở cõi phương Nam.

Hơn một năm qua, từ khi thực hiện chương trình 134 của Chính phủ, người dân làng Chăm đã được xây nhà khang trang trên tuyến dân cư vượt lũ. Mỗi căn hộ biệt lập, diện tích 84m2. Chính quyền địa phương lo nền thổ cư, tổ chức KFW (Đức) hỗ trợ khung sườn nhà và mái lợp, cùng với dân xây dựng vách và sàn nhà. Trưởng ấp Ismael cho biết thêm: “Từ khi có nhà ở tươm tất, sử dụng nước máy trong sinh hoạt, an ninh trật tự xã hội được ổn định, bà con biết giữ vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi. Cuộc sống hiện nay của làng Chăm đã thực sự thay da đổi thịt!”. Tôi còn biết thêm: đến nay đã có trên 70 hộ khá giả, giàu có, còn lại có mức sống ổn định, không có hộ nghèo đói; chỉ còn 15 hộ già neo đơn không có lao động chính đang được Nhà nước bảo trợ.

Đến thăm Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Châu Giang thuộc trung tâm ấp Phũm Soài, anh Mohamad, chủ nhiệm HTX giới thiệu: “HTX có 21 xã viên người Chăm góp 176 cổ phần liên kết cùng 103 hộ dệt, thêu may thường xuyên đưa hàng đến các hội chợ trong nước và xuất khẩu sang Campuchia, điểm trung chuyển cho các nước trong khu vực như: Malaysia, Indonesia...”. HTX đang liên kết với HTX thêu đan xuất khẩu Kim Chi TP Long Xuyên (An Giang)để tham gia xuất khẩu sang các nước Tây Âu.

Đồng chí Phạm Đăng Thân, Chủ tịch UBND xã Châu Phong nói: “Hiện nay, bà con người Chăm chuyển biến nhận thức pháp luật khá nhanh. Xưa họ thường gìn giữ phong tục cổ chỉ kết hôn trong dòng tộc 3 đời. Bây giờ, bà con có chuyển biến, cha mẹ có thể cho con gái kết hôn với dân tộc khác nhưng ràng buộc phải theo đạo Hồi. Phụ nữ làng Chăm bây giờ không còn bị “cấm cung” như trước. Chị em người Chăm vẫn ra đường, sinh hoạt bình thường như nam giới, được du học...”. Các chị được vay vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, lãi suất ưu đãi 0,3%/tháng và vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (lãi suất 0,65%/tháng) để sản xuất, chăn nuôi và mua bán...

Cuối năm 2006, Trường Mầm non dân tộc Chăm được xây dựng khang trang, kinh phí 1,7 tỉ đồng, do Tiểu vương quốc Ả Rập (ABUDABI) tài trợ. Trường có 1 hiệu trưởng người Kinh , 4 giáo viên phụ trách 1 lớp chồi, 1 nhà trẻ, 2 lớp lá (73 HS), trong đó có 3 người Kinh, 1 người Chăm, 1 cấp dưỡng người Chăm và 1 nhân viên bảo vệ. Mỗi phòng học đều có tủ sách mầm non và nhà vệ sinh sạch sẽ, học sinh đi học không phải đóng tiền.

Những ngôi nhà mới ở làng Chăm... 

Một trong những ví dụ về sự “đổi đời” ở làng Chăm là trường hợp cô Sa Ly Ha, 25 tuổi, con thứ ba trong gia đình đông con .Cô có bảy anh chị em, gia đình chuyên nghề dệt thổ cẩm và mua bán vải, quần áo may sẵn ở chợ xã. Năm 2006 tốt nghiệp Trung học mầm non (hệ 2 năm). Cô được phân công về quê dạy học. Cô đang dạy lớp lá gồm 24 cháu, hiện thu nhập của cô hơn triệu đồng/tháng từ lương. Trẻ em làng Chăm ban ngày học tiếng Việt. Tối đến, sau khi cùng cha mẹ hành lễ xong các cháu học tiếng Chăm để hiểu biết lịch sử truyền thống, phong tục tập quán, nghi thức tôn giáo của dân tộc mình. Các thầy dạy tiếng Ả Rập cho trẻ em vì nhiệt tình, không ăn lương. Tập, sách, viết, dụng cụ học tập được cấp miễn phí.

Trước đây, ở làng Chăm cha mẹ không quan tâm đến việc học của con em, nhưng nhiều năm gần đây, làng Chăm Châu Phong đã có tỷ lệ trẻ em đến trường đông hơn. Thanh niên làng Chăm hiện đỗ tốt nghiệp THPT, Cao đẳng và Đại học khá nhiều. Đặc biệt là làng Chăm Phũm Soài đang có 33 sinh viên đang du học tại các nước Ả Rập, Libi, Malaysia, Indonesia, Ai Cập...

“Sinh viên du học về nước vào làm ở các công ty liên doanh với nước ngoài lương mỗi tháng 600-700 USD là chuyện bình thường!”, Trưởng ấp Phũm Soài phấn khởi khoe.

Làng Chăm Phũm Soài có 15 người Chăm được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, 27 người đang là cán bộ huyện, xã, nhiều cán bộ chủ chốt là người Chăm: Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Zeilroh, Phó Bí thư xã đoàn Roset, Phó Chủ tịch Ủy Ban MTTQ xã Racky, Phó Ban Dân vận Huyện ủy Sorole. Ông Mohamad Josep, Trưởng ấp cũ bây giờ là Đảng ủy viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy xã.

Theo bà Bùi Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh An Giang, tỉnh đã chọn Làng Chăm xã Châu Phong, huyện Tân Châu và xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng để thực hiện Dự án phát triển du lịch Mekong.

Hôm tôi giã từ làng Chăm, anh trưởng ấp còn khoe Sở Du lịch An Giang đang yêu cầu ấp chọn người để triển khai hoạt động của Trung tâm Thông tin Du lịch cộng đồng nhằm tạo điều kiện giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho làng Chăm và cư dân địa phương thông qua xây dựng mô hình du lịch Homestay, cùng các dịch vụ du lịch, đồng thời quảng bá các sản phẩm dệt thổ cẩm, thêu đan truyền thống tại làng Chăm.

Bài, ảnh: NGUYỄN HÀ PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết