08/12/2020 - 11:39

Ông Trần Chí Quân, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Cần Thơ:

Làm thể thao nếu không chăm chút thì xuống dốc 

Những năm gần đây, các địa phương ĐBSCL đầu tư thể thao theo hướng tập trung vào các môn trọng điểm trong hệ thống thi đấu Olympic, ASIAD, hoặc SEA Games. Nhiều môn từng được xem là xa lạ với khu vực như Canoeing, Bóng chuyền bãi biển, Cầu mây, Thể dục dụng cụ, Bắn cung... giờ đây đã hình thành đầy đủ các tuyến VĐV tại một số địa phương. Tuy nhiên, có không ít địa phương dần giảm đầu tư, thậm chí không tuyển thêm VĐV năng khiếu dẫn đến sự mai một. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Chí Quân, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Cần Thơ, cho biết:

- Khi được thành lập năm 2008, trung tâm đã có các cuộc hội thảo, tọa đàm về tiềm năng, thế mạnh của thể thao ĐBSCL và của từng tỉnh, thành. Trung tâm nghiên cứu kỹ những môn phù hợp, cần khuyến khích đầu tư trong điều kiện kinh tế xã hội, thời tiết, khí hậu ở ĐBSCL; dù một số môn chưa có nền tảng ở đây. Đó là những môn trọng điểm của thể thao quốc gia nằm trong hệ thống Olympic, nên một số tỉnh, thành quyết tâm xây dựng và phối hợp với trung tâm. Tuy nhiên, trong quá trình này có đơn vị thành công và cũng có trường hợp không. Đơn vị nào làm tốt thì có vị thế trên đấu trường quốc gia và có VĐV trong các đội tuyển dự SEA Games, ASIAD. Có thể thấy, dù một số tỉnh, thành không có nhiều kinh phí cho thể thao nhưng họ đầu tư trọng điểm và tới nơi tới chốn; một số tỉnh không thành công do không quan tâm đúng và đủ.

* Ông có thể cho biết trung tâm đã phối hợp với các địa phương đào tạo, huấn luyện VĐV cụ thể ở những môn nào, thưa ông?

- Trong giai đoạn mới thành lập đến tháng 6-2009, trung tâm có 8 môn, nhưng hiện một số môn không còn phù hợp nên không đầu tư nữa như Bóng bàn, Cầu lông, Lặn. Trung tâm cũng đã phát triển một số môn mới như Canoeing, Bắn cung, Xe đạp địa hình, Boxing, Rowing, Thể dục dụng cụ, Cử tạ; bên cạnh một số môn cũ như Điền kinh, Bơi, Bóng chuyền bãi biển, Cầu mây.

Giới thiệu phát triển môn Vật tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Cần Thơ. Ảnh: M.T

Giới thiệu phát triển môn Vật tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Cần Thơ. Ảnh: M.T

* Trong những môn mà trung tâm phối hợp đào tạo với các địa phương, không ít môn nằm trong chương trình thi đấu tại Đại hội Thể thao ĐBSCL lần VIII-2020. Tuy nhiên, số đơn vị đăng ký thi đấu khá ít, một số nội dung chỉ vừa đủ số lượng theo quy định. Ông lý giải ra sao về hiện tượng này, thưa ông?

- Trước đây, trung tâm giới thiệu một số môn thể thao mới đến các địa phương rồi định hướng, kết hợp đào tạo, nhưng dần dần không còn được duy trì. Ví như Bóng chuyền bãi biển, trước đây có Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hậu Giang, nhưng giờ chỉ còn 3 tỉnh, thành đầu tư. Thế nên Giải Bóng chuyền bãi biển Đại hội Thể thao ĐBSCL do Cần Thơ đăng cai tổ chức vừa qua, chỉ có 3 đơn vị đăng ký tham gia, trong đó Vĩnh Long cử một số VĐV dự bị của bóng chuyền trong nhà tham gia. VĐV chất lượng của môn này có của Cần Thơ, Kiên Giang và Sóc Trăng, nhờ được đầu tư nên bật lên. Tương tự môn Cầu mây trước đây có 6 tỉnh, giờ cũng chỉ còn 4 tỉnh đầu tư. Trong những địa phương bỏ Cầu mây có Cần Thơ vì lực lượng không đủ. 

* Nhiều địa phương dần không đầu tư một số môn sau khi không thành công như mong đợi. Theo ông, những môn thể thao được định hướng này có thật sự phù hợp với ĐBSCL?

- Có thể khẳng định thể thao ĐBSCL hoàn toàn phù hợp với các môn như Bắn cung, Cử tạ, Bơi lội, Canoeing, Xe đạp địa hình, Bóng chuyền bãi biển... mà trung tâm đang xây dựng; bởi người ĐBSCL có tố chất rất phù hợp. Điều còn thiếu ở khu vực là HLV giỏi và chất thép của VĐV. Vì thế trung tâm đang chăm bồi lực lượng này, mời gọi thêm chuyên gia hỗ trợ. Trước đây, ĐBSCL không có HLV những môn này, giờ đã có HLV của khoảng 10 môn. Hàng năm, trung tâm tuyển thêm HLV và giữ lại những VĐV sau khi nghỉ thi đấu muốn tiếp tục gắn bó với thể thao.

Một lợi thế nữa ở khu vực ĐBSCL là thời tiết. Với những môn như Xe đạp địa hình và Bơi, VĐV ở đây được luyện tập xuyên suốt và điều kiện thi đấu cọ xát dễ dàng, phù hợp và lợi thế hơn các vùng khác.

* Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN MINH (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết