22/07/2010 - 21:17

Làm thế nào để ngăn chặn bạo lực gia đình ?

Các cấp, ngành thường xuyên quan tâm, tổ chức các diễn đàn trao đổi về vấn đề bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh: MỸ TÚ.

Bạo lực gia đình (BLGĐ) là một thực trạng lâu đời ở nước ta. Chính quan niệm trọng nam, khinh nữ càng làm cho tình trạng BLGĐ trở nên trầm trọng. Trước những thực trạng đó, Quốc hội đã ban hành Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống BLGĐ để hạn chế tình trạng BLGĐ. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn ngấm ngầm gia tăng, không phân biệt thành phần giàu nghèo, trình độ cao thấp, người thành đạt hay không thành đạt…

* Vợ chồng trí thức vẫn hành... nhau

Hiện nay, trên địa bàn TP Cần Thơ có nhiều trường hợp vợ chồng là những người học đại học, cao học, làm công chức nhà nước hoặc chồng là những người làm trưởng phó phòng ở tập đoàn kinh tế lớn, đang thành đạt mà lại có những hành vi BLGĐ, đối xử với nhau tệ hại nhưng người ngoài nhìn vào khó nhận biết. Có những cặp vợ chồng chỉ vì cơm áo gạo tiền dẫn đến xích mích, đánh nhau. Cũng có những cặp vợ chồng có trình độ, kinh tế ổn định nhưng do người chồng thành đạt cao hơn vợ quá nhiều, có tiền thì đi ra ngoài vui chơi, làm vợ nghi ngờ, ghen bóng ghen gió rồi dẫn đến mâu thuẫn, đánh nhau. Nhiều bà vợ phải tìm đến Hội phụ nữ phường để được tâm sự, tư vấn, nhưng cũng có trường hợp chuyện nhà không muốn “Vạch áo cho người xem lưng” nên đành chịu đựng và để mâu thuẫn ngày càng gay gắt, rồi dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Trên địa bàn phường An Khánh có trường hợp chị K và anh T, quen nhau 4 năm đại học, khi ra trường họ cưới nhau trong niềm hân hoan của hai gia đình. Anh T làm ở một công ty lớn, có chức vụ, thu nhập khá. Chị K do có trình độ, khéo léo trong cư xử nên được gia đình chồng rất thương. Cuộc sống của họ hạnh phúc, với 2 cậu con trai lần lượt ra đời. Sau đó, chị K tiếp tục con đường học cao học. Nhưng sóng gió bắt đầu nổi lên khi chị K phát hiện trong máy điện thoại của chồng có những dòng nhắn hẹn hò với người phụ nữ khác. Chị K cằn nhằn, ban đầu anh T còn nhịn, nhưng dần dà hết chịu nổi những lời bóng gió của vợ, anh T đã nổi nóng đánh vợ, cắt đứt việc chu cấp tiền, kể cả tiền mua đồ ăn cho con. Chị K buồn tủi đã tìm đến Hội LHPN phụ nữ phường An Khánh, để được tư vấn, tâm sự. Chị Hoàng Thị Việt Chi, Chủ tịch Hội LHPN phường An Khánh, người đã hàn gắn tình cảm cho rất nhiều cặp vợ chồng trí thức thành công, chia sẻ kinh nghiệm: “Những trường hợp bị BLGĐ tìm đến, chúng tôi thường tận tình hỏi han để nắm rõ nguyên nhân. Sau đó, chúng tôi dùng con cái để từ từ hàn gắn tình cảm đôi bên, rồi nhắc tới hậu quả khi chia tay nhau, phân tích khuyết điểm của vợ, chồng để người phụ nữ thấy vai trò của mình trong chăm sóc chồng, con; giúp người vợ biết cách khắc phục hạn chế của mình. Nhiều chị em học đến cao học, nhưng thiếu am hiểu kiến thức, tâm lý gia đình nên cưới nhau chỉ vài năm là xảy ra xích mích, mâu thuẫn về kinh tế, dẫn đến bạo lực về tinh thần. Gia đình nào cũng có xảy ra chuyện này chuyện nọ, nhưng hai vợ chồng phải tôn trọng nhau, các chị cần vững vàng về tâm lý tìm cách xử lý; đồng thời, các ông chồng cũng phải có lối sống chung thủy một vợ một chồng, tôn trọng vợ và cả hai phải biết quan tâm chia sẻ mọi áp lực, khó khăn trong cuộc sống với người bạn đời”.

Trường hợp chị N và anh V, ở phường An Thới, quận Bình Thủy, đều có trình độ đại học, quen nhau trong quá trình hợp tác làm ăn, sau đó đám cưới của họ được tổ chức linh đình. Sau khi kết hôn, giữa chị N và anh V phát sinh mâu thuẫn, do người chồng không minh bạch trong chi tiêu. Tuy nhiên, cả hai ai cũng xem cái tôi của mình quá lớn nên dằn vặt nhau qua những tin nhắn, không ai chịu nhường ai. Tiếp đó chị N có thai, sinh một bé gái kháu khỉnh, những tưởng hạnh phúc của họ sẽ được đứa con hàn gắn, nhưng sau khi sinh con, chị N lủi thủi chăm con một mình, còn anh V thì không tiếp vợ mà suốt ngày chạy lo hợp đồng làm ăn, rồi còn nhắn tin, gọi điện vòi tiền, khủng bố tinh thần vợ... Chịu hết nổi cảnh một mình chăm con, còn bị chồng khủng bố tinh thần qua điện thoại, chị N làm đơn xin ly hôn khi đứa con chưa tròn 1 tuổi. Ngày ra tòa, chị N đã khóc rất nhiều, chị trình bày với HĐXX, nếu chồng mình thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm, yêu thương vợ, con thì chị không hề muốn ly hôn. Nghe những lời này của vợ, anh V không hề động lòng mà tỏ thái độ rất dửng dưng. Nguyên nhân sâu xa cũng chỉ vì anh V quá lo cho cha mẹ mình, bắt vợ phải cung phụng tiền bạc cho gia đình chồng mà quên đi cảm xúc của vợ, khi chị N quá bức bối, bộc phát thì anh V lại cho rằng chị N ích kỷ nên nặng nề chửi bới, xúc phạm chị N. Sau quá trình cố gắng hòa giải nhưng không đạt kết quả, HĐXX buộc phải tuyên cho chị N ly hôn. Chị N tâm sự: “Tôi đâu muốn con không có cha, nhưng vì anh ấy cứ nhắn tin chửi bới, làm tinh thần tôi suy sụp rất nhiều, tôi không thể chịu đựng nổi nữa...”.

* Con cái bất đồng với cha mẹ

Hiện nay, BLGĐ không đơn thuần là việc chồng đánh vợ, mà thời gian qua đã xuất hiện tình trạng con cái bạo lực với cha mẹ. Ở khu vực 4, phường An Hội, có một gia đình con dâu hay nói nặng, mắng nhiếc, đuổi mẹ chồng ra khỏi nhà chỉ vì mẹ chồng lớn tuổi, đôi lúc không kiểm soát được hành vi của mình. Một phần cũng vì hoàn cảnh khó khăn, chồng lại mắc bệnh, nên nàng dâu muốn bán nhà nhưng cha mẹ chồng không đồng ý đã dẫn đến mâu thuẫn. Có trường hợp, con gái là bác sĩ nhưng lại có thái độ ứng xử không tốt với mẹ ruột (ở khu vực 3, phường An Hội). Vì muốn giúp cháu ngoại có điều kiện học hành tốt hơn nên người mẹ đồng ý cho con gái và cháu ngoại về sống chung. Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng thích sinh hoạt văn nghệ, người mẹ thường xuyên mời những người bạn già về nhà ca hát. Trong khi đó, người con gái lại không thích mẹ tập trung bạn bè ở nhà như thế nên phản ứng gay gắt. Thêm vào đó, người mẹ muốn tăng thêm thu nhập, nên dự định cho thuê phòng còn trống trong nhà thì người con gái này không đồng ý, thường xuyên có những lời nói nặng nhẹ với mẹ, thậm chí còn đập phá nhà cửa. Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Hội LHPN phường An Hội, cho biết: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến BLGĐ của con cái đối với cha mẹ là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Để hạn chế tình trạng BLGĐ, vào buổi họp hàng tháng, các Chi hội tuyên truyền Luật Phòng, chống BLGĐ, quan tâm tìm hiểu tâm tư của các chị em, sâu sát địa bàn để sớm phát hiện các trường hợp BLGĐ, nhất là nguyên nhân xuất phát của nó, để qua đó phối hợp với các cơ quan đoàn thể có biện pháp giáo dục hiệu quả”.

Tại phường An Bình vừa xảy ra một vụ BLGĐ gây hậu quả nghiêm trọng. Gia đình bà N (ở khu vực 8, phường An Bình, quận Ninh Kiều) trước đây sống rất đầm ấm. Đến năm 2004, các anh chị em trong gia đình bắt đầu có mâu thuẫn về việc phân chia tài sản. Từ đó, một con trai của bà N. thường xuyên uống rượu, rồi dùng lời lẽ bóng gió, nặng nhẹ mẹ ruột, làm không khí gia đình ngày càng ngột ngạt. Khoảng tháng 4-2010, bà N tình cờ nghe con trai nói những lời lẽ không tốt về mình với con dâu, bà buồn phiền và đã uống thuốc trừ sâu tự vẫn. Ông Phan Thanh Hồng, Trưởng Công an phường An Bình, cho biết: “Sau khi bà N mất, sự việc được người trong gia đình bà N tố giác, công an phường phối hợp các đoàn thể địa phương gặp trực tiếp người con trai vô tình gây nên cái chết cho mẹ mình để tìm hiểu và được biết sau khi mẹ mất, anh này rất hối hận về những gì mình đã gây ra...”.

Tình trạng BLGĐ trên địa bàn thành phố vẫn âm thầm diễn ra. Theo quy định của Luật Phòng, chống BLGĐ thì người bị BLGĐ phải được bố trí nơi tạm lánh, được tư vấn tâm lý, pháp luật, cung cấp dịch vụ y tế. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn chưa có nơi tạm lánh, chưa có trung tâm tư vấn tâm lý cho các chị em. Tại các cơ sở y tế, việc tiếp nhận người bệnh là nạn nhân BLGĐ vẫn chưa theo quy định tại Thông tư số 16/2009/TT-BYT... Chính những việc này, cũng hạn chế nhiều trong việc tuyên truyền cho tất cả các đối tượng về BLGĐ.

Bà Nguyễn Thị Huyền Trân, Phó Chủ tịch UBND phường An Hội, bày tỏ: Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến BLGĐ phổ biến là do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, áp lực công việc và sự thiếu hiểu biết pháp luật. Để hạn chế BLGĐ xảy ra, cần phát huy vai trò của cán bộ khu vực do có điều kiện sâu sát với người dân nên dễ phát hiện và có hướng hòa giải. Bên cạnh đó, việc phát huy vai trò của tổ hòa giải, chọn lọc thành viên tổ hòa giải từ các tổ trưởng, tổ phó tổ tự quản, có lợi thế là nắm chắc địa bàn, hộ gia đình, có kinh nghiệm cuộc sống nên hòa giải thành nhiều vụ trong đó có các vụ BLGĐ. Đặc biệt, một biện pháp cần được quan tâm là địa phương hỗ trợ cho các gia đình khó khăn được vay vốn, tạo việc làm... cũng góp phần hạn chế tình trạng BLGĐ xảy ra.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhựt, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam quận Ninh Kiều, cho biết: “BLGĐ xuất phát từ mối quan hệ quyền lực không bình đẳng giữa người chồng và người vợ. Việc phòng ngừa, xử lý các hành vi BLGĐ còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của những người trong cuộc, thậm chí ngay cả cơ quan chức năng như chính quyền địa phương, công an cũng coi đây là vấn đề riêng tư của gia đình nên không muốn can thiệp. Do đó, để phòng và chống BLGĐ cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể. Không chỉ tuyên truyền riêng đối với các chị em phụ nữ mà cần nhân rộng đến mọi đối tượng, kể cả nam giới”.

BLGĐ không còn là vấn đề riêng của mỗi gia đình mà nó đã trở thành vấn đề quan tâm của mọi tầng lớp xã hội. BLGĐ làm tổn hại đến nhân phẩm, sức khỏe và tâm lý của người bị bạo lực. Để xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” trước tiên mỗi thành viên trong gia đình phải biết chăm sóc, quan tâm, lo lắng cho nhau và cộng đồng phải luôn chung tay hỗ trợ mỗi khi một “tế bào của xã hội” cần đến.

SƠN HÀ- ANH SƠN

Điều 2, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, quy định:

1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;

e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

g) Chiếm đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

2. Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.


Chia sẻ bài viết