30/06/2008 - 21:44

Làm khoa học để bảo vệ môi trường

Vừa tốt nghiệp thủ khoa với tấm bằng loại giỏi vào tháng 4 - 2008, Bùi Trường Thọ (sinh viên (SV) K.29, khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, ngành khoa học môi trường Trường ĐH Cần Thơ) nhận thêm tin vui: đoạt giải 2 cuộc thi “Phát minh xanh Sony” lần 8 do Công ty Sony Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức với đề tài: “Sử dụng phế phẩm nông nghiệp, thủy sản xử lý nước thải sinh hoạt”.

Theo Thọ, nguồn nước phục vụ cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt hằng ngày đang bị nhiễm bẩn nghiêm trọng. Nếu nguồn nước này không được xử lý mà xả trực tiếp vào sông hồ sẽ làm cho nguồn nước ngày càng ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây nhiều bệnh tật nguy hiểm, làm mất cảnh quan tự nhiên. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, việc phát triển công nghiệp chế biến từ các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản phục vụ cho xuất khẩu ngày càng cao, theo đó chất thải ra môi trường ngày một nhiều. Nếu không có hướng xử lý thích hợp để sử dụng lượng chất thải này sẽ gây lãng phí lớn và đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường.

Quê Thọ ở Bến Tre. Nơi đây đang phát triển nghề sản xuất xơ dừa và chế biến thủy sản nhưng chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu về vấn nạn ô nhiễm môi trường. Các cơ sở sản xuất phần lớn không có nơi chứa chất phế thải mà đổ thẳng mụn dừa xuống sông gây ô nhiễm nặng các nguồn nước, các chất thải rắn từ vỏ sò, nghêu gây ách tắc dòng chảy... Thọ cho biết: “Nhờ đọc thông tin, biết thành phần hóa học trong nghêu sò có nhiều canxi, magiê có thể trao đổi ion với các chất gây ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt nên tôi làm thí nghiệm thử. Thấy có kết quả, tôi liền mạnh dạn đăng ký dự thi với mục đích tìm ra công dụng mới của mụn dừa, vỏ nghêu sò, tận dụng nguồn nguyên liệu phế phẩm, giảm ô nhiễm chất thải rắn, tìm ra giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước”. Đề tài “Sử dụng phế phẩm nông nghiệp, thủy sản xử lý nước thải sinh hoạt” của Thọ được đánh giá rất cao từ Ban giám khảo vì vừa có khả năng ứng dụng cao vừa mang ý nghĩa về mặt môi trường. Vật liệu học (mụn dừa) sau khi xử lý không bỏ đi như những phương pháp khác mà còn có thể dùng làm phân bón cho cây.

 Bùi Trường Thọ.

Thí nghiệm của Thọ rất dễ thực hiện. Thiết kế dụng cụ lọc bằng ống nhựa PVC, dây kẽm, vải; mụn dừa được than hóa trước khi cho vào hệ thống lọc nước, vỏ nghêu, vỏ sò được cán thành các mảnh nhỏ; nước thải lọc qua vỏ nghêu, vỏ sò kết hợp mụn dừa sẽ lọc bớt các chất độc hại, giảm ô nhiễm môi trường. Mụn dừa sau khi lọc có thể đem ủ phân compost để tận dụng nguồn dinh dưỡng trong vật liệu học. Với thiết kế đơn giản của mô hình lọc, người dân có thể ứng dụng dễ dàng tại nhà, chi phí rẻ (hiệu quả về mặt kinh tế), đảm bảo môi trường cho chính mình và mọi người xung quanh.

Khi còn là SV năm 3, Thọ và các bạn đã đoạt giải 2 cuộc thi “Phát minh xanh Sony” với đề tài “Thuốc thử thời đại xanh” (lấy mủ chuối nhỏ vào nước giếng để xác định hàm lượng sắt trong nước giếng, giúp người dân biết được nồng độ sắt để có hướng xử lý thích hợp). Khi làm đề tài “Sử dụng phế phẩm nông nghiệp, thủy sản xử lý nước thải sinh hoạt” trùng với thời điểm làm luận văn nên Thọ rất vất vả. Dù gặp thuận lợi là chọn đúng hướng nhưng thí nghiệm phải làm đi làm lại rất nhiều lần mới đạt kết quả cao nhất. Tài chính cũng là một vấn đề nan giải vì chi phí học tập do Thọ tự túc. Nguồn tiền từ học bổng và làm thêm không đủ nên có những lúc Thọ phải nhịn ăn để có tiền mua vật liệu. Thọ tâm sự: “Cũng có lúc tôi muốn bỏ ngang vì không có thời gian và sức lực theo kịp nhưng thầy cô và bạn bè động viên quá, tôi ráng vượt qua”. Sau 3 tháng miệt mài, đề tài dự thi thành công hơn mong đợi. Còn đề tài luận văn: “Dùng cây điên điển để xử lý nước thải chăn nuôi” của Thọ cũng đạt điểm cao.

Nhận xét về Thọ, anh Huỳnh Long Toản, Bí thư Đoàn khoa Môi trường Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Thọ là người dễ mến, tính hiền, lễ phép. Thọ học giỏi, siêng năng nhưng luôn khiêm tốn, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè khi cần. Ngoài nổi bật ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Thọ còn tham gia hoạt động xã hội rất năng nổ”.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo (cha mẹ, anh chị đều đi dạy), riêng Thọ chỉ thích say mê nghiên cứu. Từ nhỏ, Thọ đã ham tìm tòi, thí nghiệm với các loại hóa chất do người thân hướng dẫn, tự làm những món đồ chơi xinh xinh... Thọ học rất giỏi môn hóa và từng đoạt nhiều giải thưởng học sinh giỏi Hóa cấp tỉnh. Khi lên ĐH, Thọ mới có điều kiện phát huy hết khả năng của mình. Suốt 4 năm liền là SV giỏi, năm nào Thọ cũng được xét lãnh nhiều học bổng của trường, của tỉnh và học bổng của các tổ chức nước ngoài dành cho SV vượt khó - học tốt... Có bao nhiêu tiền, Thọ đều để dành mua sách chuyên ngành để tìm tòi, nghiên cứu. Siêng năng, thông minh lại học đúng chuyên ngành mình yêu thích nên điểm của Thọ luôn nằm trong nhóm những SV giỏi nhất khoa. Thọ bật mí bí quyết học tập: “Ngành khoa học môi trường là ngành học đầu tư nhiều và cần sự kiên nhẫn. Muốn học tốt, SV phải luôn nắm bắt thông tin mới để đưa ý tưởng xử lý. SV nên mạnh dạn tham gia nghiên cứu khoa học, vì đây là cơ hội học hỏi và vận dụng nhiều kiến thức đã học”.

Hiện tại, Thọ đang thực tập tại một công ty chuyên về môi trường ở quận Ninh Kiều. Tốt nghiệp thủ khoa, được tuyển thẳng lên cao học nhưng vì chưa có kinh phí nên Thọ đang tranh thủ làm thêm để dành tiền sau này học tiếp. Thọ nói: “Sắp tới, tôi sẽ tham gia một cuộc thi nữa, cũng về bảo vệ môi trường vì đây là mảng đề tài tôi theo đuổi. Khi có điều kiện về kinh tế, tôi sẽ tập trung nghiên cứu để tìm ra nhiều phương pháp xử lý mới nhằm giảm thiểu sự ô nhiễm, góp phần giúp cho môi trường được trong lành”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết