10/03/2012 - 09:34

Kỹ sư của nhà nông

Kỹ sư Hoàng Thanh Liêm bên chiếc máy phun xịt thuốc bảo vệ thực vật chạy tự động.

Đến công đoạn phun thuốc cho lúa, người dân không cần mang vác bình thuốc trên lưng, hạn chế được mức độ tiếp xúc với hóa chất độc hại của thuốc. Tốc độ phun xịt thuốc nhanh, hiệu quả cao, không ảnh hưởng đến cây lúa trong quá trình máy hoạt động. Với những ưu điểm vượt trội này, máy phun xịt thuốc bảo vệ thực vật chạy tự động và điều khiển bằng tay lái đã đoạt giải Ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ lần thứ 6 (2010-2011).

Chủ nhân sáng chế máy này là kỹ sư Hoàng Thanh Liêm ở ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai. Gặp anh, trò chuyện cùng anh, tôi mới hiểu vì sao người dân nơi đây gọi anh là kỹ sư của nhà nông, không chỉ dáng vẻ “miệt vườn” của anh mà những suy nghĩ, tấm lòng của anh đều dành cho nông dân.

Sau Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ lần thứ 5 (2008-2009), kỹ sư Hoàng Thanh Liêm nhận được rất nhiều điện thoại, thư tay của bà con gần, xa chia vui, khích lệ. Trong đó có cuộc gọi của một phụ nữ ở Châu Đốc (An Giang). Chị kể hoàn cảnh gia đình chồng mất sớm, 2 con đi học xa nhà. Gia đình làm ruộng, nhưng khi đến công đoạn phun thuốc cho lúa, chị không làm được, vì chị không đeo nổi bình phun thuốc. Chị đề nghị anh Liêm nên chế tạo máy phun xịt thuốc không cần mang bình.

Từ ý tưởng của người phụ nữ này, kỹ sư Hoàng Thanh Liêm quyết định bắt đầu cuộc nghiên cứu mới. Cuối năm 2010, cơ bản hình dáng chiếc máy phun xịt không cần đeo bình được anh thiết kế trên mặt giấy A4. Từ trước đến nay, hầu hết các giải pháp phun xịt thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp hoàn toàn bằng thủ công và dùng sức người là chính. Nông dân phải mang bình thuốc trọng lượng ít nhất cũng nặng 40 kg trên lưng và đi trên mặt bùn sình nhão. Đồng thời phải thực hiện liên tục 2 thao tác bơm áp lực cho thuốc và di chuyển cần xịt, vừa mất nhiều sức, vừa phải hít thở trực tiếp trong môi trường có hóa chất độc hại. Đã có không ít trường hợp người dân tử vong do nhiễm độc vì tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian dài.

Máy phun thuốc do kỹ sư Hoàng Thanh Liêm thiết kế có hệ thống cần lái gọn, nhẹ với động cơ, bộ phận truyền động và bánh dẫn lái cùng nằm trên một mặt phẳng. Nhờ hệ thống này nên máy tiếp nhận lệnh điều khiển của con người thông qua tay nắm. Người sử dụng có thể điều khiển máy qua trái, phải, vòng cua hoặc ngưng hoạt động dễ dàng. Thùng chứa dung dịch thuốc được tách ra 2 bên thân máy. Do kết cấu máy có thiết kế gần giống với kết cấu xe xích lô nên khi hoạt động, máy hạn chế tối đa hiện tượng quần nát lúa trong quá trình phun xịt thuốc. Khi máy được khởi động, hệ thống phun xịt chưa hoạt động. Lúc này, máy tiến đến điểm bắt đầu phun xịt và các van dẫn thuốc tự động mở, cùng lúc máy chạy từ từ về phía trước. Người điều khiển chỉ cần đi theo và nắm lấy tay lái điều khiển theo ý mình.

Ưu điểm chính của chiếc máy này giúp nông dân giảm bớt vất vả (không phải mang bình thuốc trên lưng), hạn chế ảnh hưởng trực tiếp của thuốc bảo vệ thực vật đến cơ thể mà vẫn đảm bảo hiệu quả phun xịt nhanh, năng suất cao. Máy phun xịt tự động có thể phun xịt trên mọi địa hình, không làm hư hại lúa trong quá trình di chuyển trên ruộng. Đặc biệt, đối với những cánh đồng rộng hàng trăm héc ta, nếu có những đợt dịch sâu rầy xuất hiện, cần phải có hàng trăm tay xịt mới đáp ứng kịp thời. Máy phun xịt thuốc bảo vệ thực vật chạy tự động cho công suất gấp 12 lần phun xịt bằng bình thủ công, gấp 10 lần phun xịt bằng bình mang vai và 8 lần phun xịt bằng xe kéo. Nếu thuê, chi phí phun xịt thuốc ít nhất 20.000 đồng/công/giờ. Máy phun xịt thuốc bảo vệ thực vật tự động có công suất phun xịt 20 công đất/giờ, giúp nông dân giảm được chi phí 3.200.000 đồng/ngày.

Anh Thức, người dân ở ấp Thới Bình B, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai cho biết: “Nếu sử dụng bình phun xịt thuốc bảo vệ thực vật trước đây thì nông dân vừa phải mang vác nặng, khoảng cách tiếp xúc trực tiếp với chất độc hại gần. Nhưng máy phun xịt thuốc bảo vệ thực vật chạy tự động của anh Liêm đã giải quyết được mọi công việc nặng nhọc của công đoạn phun xịt thuốc thành những thao tác nhẹ nhàng, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe cho người lao động”.

Ngôi nhà nhỏ của gia đình Hoàng Thanh Liêm nằm cặp kênh Vàm Nhon, huyện Thới Lai. Gian phòng khách nhà anh treo đầy những Bằng khen, Bằng công nhận những Sáng chế về khoa học kỹ thuật của Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật TP Cần Thơ. Cái tên kỹ sư Hoàng Thanh Liêm đã trở nên gần gũi với bà con nông dân xa, gần ở mọi miền Tổ quốc. Chiếc chày tỉa hạt, máy xúc nông sản, xe đẩy lúa,... là những sáng chế anh dành cho bà con nông dân.

Năm 1989, anh Liêm tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Trải qua công việc ở nhiều công ty, anh quyết định trở về Thới Lai để lập nghiệp. Tại quê nhà, anh làm ruộng, làm vườn, cùng anh, em chăm sóc cha mẹ già. Anh Liêm chia sẻ: “Về quê làm ruộng, tôi mới hiểu thế nào là nỗi cực nhọc, vất vả của bà con nông dân”. Từ sự thấu hiểu này, anh Liêm đã sáng chế, cải tiến thành công nhiều nông cụ giúp nông dân nhẹ công lao động, hiệu quả cao như máy xúc nông sản, chày tỉa hạt... đạt được giải thưởng cao của Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ thời gian qua.

Tiếng lành đồn xa, ngày nào kỹ sư Hoàng Thanh Liêm cũng nhận được rất nhiều điện thoại, email, thư của nông dân ở mọi miền Tổ quốc gửi đến. Anh cho biết: “Mỗi năm, tôi nhận được rất nhiều ý tưởng đề xuất của bà con nông dân nhờ tôi nghiên cứu những nông cụ phục vụ cho sản xuất đạt hiệu quả, chất lượng hơn. Vì thế tôi như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần. Đối với những đề tài được thực hiện từ ý tưởng của bà con nông dân, nếu bà con có nhu cầu, tôi nhận hướng dẫn hỗ trợ kỹ thuật để bà con có thể tự lắp ghép được công cụ sản xuất”.

Tấm lòng và tâm huyết của kỹ sư Hoàng Thanh Liêm thật đáng quý. Anh đã nghiên cứu khoa học gắn với đời sống thực tế. Từ đó, cải thiện điều kiện lao động trong sản xuất, không chỉ giúp bà con nông dân nâng cao năng suất, giảm độc hại, tăng hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển.

Bài, ảnh: THẢO MỘC

Chia sẻ bài viết