07/07/2011 - 15:09

Kỷ niệm 182 năm ngày mất của danh nhân Thoại Ngọc Hầu

Ngày 6-7 (tức 6-6 âm lịch), tại phường Núi Sam, chính quyền thị xã Châu Đốc (An Giang) đã phối hợp với Ban quản trị Lăng miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam tổ chức lễ giỗ kỷ niệm 182 năm ngày mất của danh nhân Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thoại (6/6/1829 - 6/6/2011), người có công khai phá, phát triển vùng đất Nam bộ. Đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh An Giang đã tới dự.

Đây là năm thứ ba tỉnh An Giang tổ chức ngày giỗ của danh nhân Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thoại nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây”. Lễ giỗ lần này đã tổ chức đầy đủ các nghi thức, rước linh vị của Thoại Ngọc Hầu cùng phu nhân Châu Thị Tế từ đình thần Châu Phú (thị xã Châu Đốc) về đặt nơi cửa chính lăng Thoại Ngọc Hầu tại phường Núi Sam để nhân dân đến thắp hương tưởng niệm.

Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại, quê quán ở làng Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, nay là huyện Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Ra đời trong thời kỳ loạn lạc nên từ nhỏ ông đã theo gia đình di cư vào nam tại làng Thới Bình, thuộc cù lao Dài (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long). Ông bắt đầu cuộc sống binh nghiệp từ năm 16 tuổi và lập rất nhiều chiến công, được ghi nhận là người đầu tiên có công khai phá vùng đất Nam bộ, đồng thời còn là vị Khai quốc công thần, đánh đông dẹp bắc, lập nhiều chiến công. Đặc biệt trong thời gian trấn nhậm vùng đất An Giang, làm Trấn thủ Vĩnh Thanh, ông đã chỉ huy đào 2 con kênh lớn Thoại Hà và Vĩnh Tế dài trên 100 km, nối liền các đầm lầy từ An Giang ra tận biển Kiên Giang, đây còn là tuyến thủy lộ nội địa quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh, thành vùng đất Nam bộ của Tổ quốc. Thoại Ngọc Hầu mất năm 1829 khi còn tại vị, hưởng thọ 68 tuổi, được dân làng tưởng nhớ, an táng và lập đền thờ tại phường Núi Sam (thị xã Châu Đốc). Đến năm 1836 ông đã vinh dự được vua Minh Mạng cho chạm hình vào Cửu đỉnh trước nhà Thái Miếu đại nội Cố đô Huế.

THU TRANG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết