21/11/2016 - 21:23

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Khắc phục hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch và thảo luận Dự án Luật Cảnh vệ

(TTXVN)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 21-11, các đại biểu làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật quy hoạch.

Các đại biểu khẳng định sự cần thiết ban hành Luật quy hoạch nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch thời gian qua, bảo đảm tính pháp lý cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bám sát nhu cầu phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của đất nước và là công cụ quan trọng trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, một số ý kiến nhấn mạnh nguyên tắc xây dựng dự án Luật này cần đáp ứng yêu cầu: tạo sự thống nhất của hệ thống quy hoạch từ Trung ương đến địa phương, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động quy hoạch đang thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cũng trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch; về kinh phí cho hoạt động quy hoạch; chính sách của Nhà nước về hoạt động quy hoạch...

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, chiều 21-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Cảnh vệ. Dự thảo Luật Cảnh vệ gồm 6 chương, 36 điều. So với Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005, dự thảo Luật đã bổ sung 2 chương, 15 điều; đồng thời đã lồng ghép vấn đề bình đẳng giới tại các điều 5, 6, 15, 19 và 34 của dự thảo Luật.

Tại phiên họp, nhiều đại biểu đã thảo luận, góp ý về: Sự cần thiết ban hành Luật Cảnh vệ; sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ; huy động người, thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ...

Cơ bản đồng tình với các nội dung trong dự thảo Luật Cảnh vệ, đại biểu Dương Văn Thông (đoàn Bắc Giang) nhấn mạnh: Việc ban hành Luật Cảnh vệ là cần thiết nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005. Đặc biệt, việc xây dựng Luật Cảnh vệ vừa để đảm bảo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh vệ và xây dựng lực lượng Cảnh vệ thực sự cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thảo luận về việc sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ (Điều 23), nhiều ý kiến cho rằng: Việc nổ súng liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Vì vậy, việc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ nổ súng phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Đại biểu Dương Văn Thông (đoàn Bắc Giang) cho rằng, nổ súng là hành vi cần thiết được quy định trong dự thảo Luật Cảnh vệ, tuy nhiên cần quy định chặt chẽ, cụ thể hơn để đảm bảo quyền thực thi nhiệm vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ, vừa không vi phạm quyền con người, quyền công dân. Cũng theo đại biểu, dự thảo Luật chưa có những quy định cụ thể về vành đai an toàn trong khu vực mục tiêu cảnh vệ, cũng như phân biệt giữa đối tượng là con người và khu vực sự kiện, dẫn đến quy định chưa thật đầy đủ, chặt chẽ.

Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị làm rõ trường hợp cấp bách cần bổ sung quyền cho sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ được trưng dụng tài sản, phương tiện và quy định cụ thể về trình tự, thời hạn trưng dụng; việc bàn giao, tiếp nhận tài sản, cơ chế báo cáo, giám sát, đồng thời cần bổ sung quy định về sửa đổi, bổ sung Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Theo chương trình, sáng 22-11, Quốc hội sẽ họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua: Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Đồng thời, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chia sẻ bài viết