08/07/2019 - 10:01

Kinh nghiệm làm nhân viên giao hàng 

Để đỡ mất thời gian, nhiều người, đặc biệt là giới trẻ ngày càng chuộng mua sắm qua mạng. Nhờ đó, người giao hàng trở thành nghề đặc thù trong xã hội hiện đại. Nguyễn Thành Nhân, người thành lập Công ty Cổ phần Citiship và những cộng sự đều trẻ tuổi, họ cùng phát triển dịch vụ giao hàng khá chuyên nghiệp, tạo việc làm, thu nhập và cơ hội trải nghiệm làm nhân viên giao hàng cho nhiều bạn trẻ ở Cần Thơ.

Nhân viên giao hàng Duy Phương mua hàng, chuẩn bị giao cho khách. 

Trong một lần tham gia cuộc thi tìm kiếm CEO tương lai ở TP Hồ Chí Minh khi còn là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Cần Thơ, Thành Nhân đã quan sát sự phát triển và tiềm năng của dịch vụ giao hàng tận nơi đang dần nở rộ ở TP Hồ Chí Minh. Nắm bắt cơ hội ở Cần Thơ chưa có dịch vụ này, đồng thời, tận dụng kiến thức về quản trị doanh nghiệp, truyền thông, quảng cáo dịch vụ mà Nhân học hỏi từ cuộc thi, trong năm thứ 4 Đại học, Nhân hợp tác cùng một người bạn triển khai ý tưởng, bắt đầu chạy thử nghiệm dịch vụ giao hàng tận nơi vào tháng 12-2015. Trong đó, 2 bạn vừa là quản lý, trực tổng đài, chốt đơn cho khách và giao hàng. Tròn 1 năm sau, Công ty Cổ phần Citiship chính thức ra đời, có 20 nhân viên giao hàng, hầu hết là sinh viên đăng ký làm thêm bán thời gian.

Thành Nhân cho biết: “Mới đầu, tôi chỉ tập trung dịch vụ mua hộ thức ăn rồi giao tận nơi cho khách. Chất lượng dịch vụ tốt, nhân viên giao hàng nhanh, giá mềm, vậy là khách hàng truyền miệng nhau, khách của công ty cũng ngày một nhiều hơn. Dần dà, tôi mở thêm các dịch vụ nhận, gởi hàng ở chành xe; giao hàng cho các quán ăn, cửa hàng thời trang, bách hóa...; giao quà tặng hộ; chạy xe ôm; đi chợ, đi siêu thị hộ;... Cuối năm thì có thêm dịch vụ Ông già Noel tặng quà. Và mới đây, công ty có thêm dịch vụ thiết kế đồ họa. Hiện tại công ty đã có 60 nhân viên giao hàng, trong đó, 80% các bạn đều là sinh viên”.

Nhân cho các bạn sinh viên tự đăng ký lịch làm thêm theo tuần và căn cứ vào đó để phân công nhân viên giao hàng, sao cho đảm bảo các bạn đều có thu nhập và đảm bảo giờ học. Theo đó, mỗi buổi làm việc liên tục trong 3-4 tiếng, nhân viên giao hàng của Công ty Cổ phần Citiship có thể kiếm được khoảng 200.000 đồng. Tuy nhiên, để lấy được tiền công này không hề dễ dàng với các nhân viên giao hàng.

Bạn Phan Hùng Hữu làm nhân viên giao hàng cho Công ty Cổ phần Citiship từ năm thứ 3 đại học. Sau tốt nghiệp đại học, Hùng Hữu ở lại công ty hỗ trợ Nhân các khâu quản lý và phụ trách dịch vụ thiết kế đồ họa. Hữu cho biết: “Công việc giao hàng khá đơn giản, các nhân viên giao hàng cần nhanh nhẹn nhưng cũng phải cẩn thận nhân viên giao hàng chạy xe ngoài đường liên tục, mùa nắng thì nóng nực, bụi bặm, mùa mưa thì ẩm ướt và lỡ giao địa chỉ nào đường ngập nước thì còn cực hơn nhiều. Vì vậy, nhân viên giao hàng thường chỉ phù hợp với các bạn nam. Tuy nhiên, làm nhân viên giao hàng một thời gian, đa số các bạn đều công nhận, ngoài việc có thêm nguồn thu nhập khá, thì khả năng giao tiếp, lái xe và mức độ rành đường đều được nâng cấp”.

Dù đã chuẩn bị trước nhưng không phải lúc nào các đơn hàng đều được thực hiện một cách thuận lợi. Chỉ vì một sơ sót của tổng đài, gởi nhầm số điện thoại của khách hàng hay chỉ sai lệch một thông tin trong đơn hàng của khách cũng làm cả ê-kíp giao hàng lao đao. Có lần khách yêu cầu mua giúp 15 ly nước đá me, nhân viên tổng đài lại ghi thành 15 ly cà phê; hay có khi khách yêu cầu mua cơm trị giá 20.000 đồng/hộp, nhân viên giao hàng mua với giá gấp đôi, vậy là cả ê-kíp được phen no nê. Bạn Lâm Duy Phương, sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Tây Đô, làm nhân viên giao hàng được gần 2 năm, chia sẻ nhiều tình huống dở khóc dở cười: “Gần đây, tôi nhận giao hàng cho một vị khách là nữ sinh cấp 3. Khi tới nơi, tôi gọi điện liên tục mà khách không bắt máy. Một lúc sau, vị khách này nhắn một loạt tin nhắn cằn nhằn: Gọi gì gọi dữ vậy, người ta đang chơi game, chết rồi đó (nhân vật trong game-P.V), vừa lòng chưa? Vậy nhưng tôi cũng phải đợi thêm chừng 5 phút cô ấy mới xuất hiện và lấy hàng. Còn trước đó, tôi có chuyến giao hàng cho cậu bé chừng 10 tuổi ở bên kia bến đò Cồn Khương. Tới nơi, tôi cũng gọi nhiều lần mà không có ai trả lời. Vậy là sẵn chuyến, tôi dạo 1 vòng Bình Tân, xong ăn hủ tiếu gõ no nê rồi cậu bé kia mới alo lại. Cậu bé cho biết vì ngủ quên nên không hay tôi gọi. Thôi thì khách hàng là thượng đế, mà khách lại còn là trẻ em, ráng chiều lòng thêm chút”. Theo Phương, sợ nhất vẫn là gặp những khách hàng quá khó tính, bắt buộc nhân viên giao hàng phải mua hàng tại 1 địa chỉ duy nhất hay đôi lúc nhân viên giao hàng chậm dù vì lý do gì đi nữa, khách cũng quyết tâm không nhận hàng, lúc đó nhân viên giao hàng lãnh đủ.

Nhưng dù sao đi nữa, với Phương, nhờ có nghề giao hàng này, gần 2 năm qua, Phương có thể tự cân đối chi tiêu sinh hoạt trong điều kiện học tập xa nhà. Phương chia sẻ kinh nghiệm: “Chịu khó quan sát và ghi nhớ, làm lâu, tôi biết quán nào làm đồ ăn chậm hay tuyến đường nào vào giờ nào sẽ dễ kẹt xe, tuyến đường nào mùa mưa nước ngập,... Từ đó biết cách cân đối thời gian và sắp xếp các chuyến đi sao cho phù hợp, nhanh và hiệu quả nhất. Có vậy mới làm được nhiều việc và có thu nhập cao hơn”.

Không dưới 2 lần, công ty của Nhân bị khách hàng chơi khăm. Lợi dụng chính sách ưu đãi cho khách quen của công ty, theo đó công ty có thể ứng tiền trả trước tiền hàng cho khách, nhiều người đã đặt hàng nhưng cung cấp địa chỉ ảo, gây thiệt hai cho công ty. Đây cũng là những rắc rối mà các đơn vị cung cấp dịch vụ giao hàng và các nhân viên giao hàng dễ gặp phải. Để tránh những rủi ro trên, các công ty cung cấp dịch vụ này cần quản trị tốt, có quy trình phòng ngừa và xử lý rủi ro phù hợp, tập huấn kỹ năng phòng ngừa và xử lý rủi ro cho nhân viên trong khâu tiếp nhận đơn hàng và trong khâu thực hiện đơn hàng đối với nhân viên giao hàng sẽ giúp hạn chế các rủi ro phát sinh trong cung cấp dịch vụ, giúp công ty phát triển ổn định hơn.

Bài, ảnh: Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết