06/10/2008 - 21:42

Trường Đại học Cần Thơ

Kiên quyết chuyển mạnh đào tạo theo học chế tín chỉ

Để có cơ sở đánh giá hiệu quả sau một năm thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ một cách triệt để, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã tổ chức đánh giá 211 học phần, với trên 16.000 sinh viên tham gia. Tại “Hội nghị Tổng kết 1 năm thực hiện học chế tín chỉ tại Trường ĐHCT” được tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, kết quả lấy ý kiến đánh giá đã được nhiều đại biểu quan tâm… Đa số ý kiến khẳng định công tác đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, chương trình đào tạo mềm dẻo hơn, phát huy tính tự học của sinh viên... Tuy nhiên, quá trình thực hiện học chế tín chỉ vẫn còn những hạn chế cần rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo...

Hiệu quả bước đầu...

Trên thực tế, Trường ĐHCT đã thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ cách nay 10 năm. Song, việc chuyển đổi triệt để chỉ mới thực hiện từ học kỳ I, năm học 2007-2008, ở 74 ngành, chuyên ngành bậc đại học và 1 ngành bậc cao đẳng. Chương trình đào tạo mới được áp dụng từ khóa 33 theo định mức: cao đẳng 94 tín chỉ, đại học 4 năm 138 tín chỉ và đại học 5 năm 158 tín chỉ. Riêng các khóa cũ (từ khóa 33 trở về trước), trường thực hiện chuyển đổi chương trình đào tạo trên cơ sở sử dụng chương trình đào tạo khóa 33 làm thước đo. Việc chuyển đổi thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo số lượng tín chỉ sau qui đổi tối thiểu là 138 tín chỉ - chương trình đào tạo 4 năm và phải đảm bảo đủ kiến thức chuyên môn. Trường đã biên soạn, tóm tắt học phần và đề cương chi tiết của tổng số 2.210 học phần trong chương trình đào tạo; in và phát hành danh mục tra cứu chương trình đào tạo bậc đại học và cao đẳng. Việc đánh giá sinh viên cũng chuyển đổi từ thang điểm 10 sang điểm chữ (A, B, C, D, F). Cách mở và đăng ký học phần, cách xét tốt nghiệp cũng có nhiều thay đổi so với trước...

Để thẩm định chính xác chất lượng đào tạo, Trường ĐHCT đã tổ chức đánh giá và kiểm tra việc thực hiện đánh giá một số chương trình giáo dục tại các khoa, viện, trung tâm. Trường cũng đã tiến hành tự đánh giá 15 chương trình cấp đơn vị được tổ chức theo Tổ làm việc và các nhóm kiểm tra chéo đánh giá chương trình. Theo ông Lê Công Tuấn, cán bộ Trung tâm Đảm bảo chất lượng và khảo thí, Trường ĐHCT, qua việc tổ chức đánh giá 211 học phần, với trên 16.000 sinh viên tham gia đánh giá, cho thấy: Trong 10 tiêu chí về mức độ hợp lý trong tổ chức giảng dạy học phần, khối lượng công việc giảng viên giao phù hợp với sinh viên, phương pháp giảng dạy... thì 2 tiêu chí “kiến thức của cán bộ giảng dạy về học phần và cán bộ giảng dạy thực hiện đúng lịch học, nghỉ có dạy bù” được sinh viên đánh giá cao nhất. Chất lượng giảng dạy nói chung của giảng viên được sinh viên đánh giá ở mức tốt và khá.

Tại Hội nghị, hầu hết cán bộ, giảng viên đều đồng tình và đánh giá cao việc thực hiện học chế tín chỉ, tạo lực đẩy để nâng cao chất lượng đào tạo. Thạc sĩ Nguyễn Vĩnh An, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐHCT, nhận xét: “Việc chuyển đổi sang học chế tín chỉ là một cuộc thay đổi rất lớn, đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Chương trình đào tạo mềm dẻo hơn, theo hướng giảm thời gian lên lớp; phát huy tính tự chủ của giảng viên trong dạy học và sinh viên trong tự học...”.

Theo tiến sĩ Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, học chế tín chỉ là một cách quản lý đào tạo mà hầu hết các nước tiên tiến đã và đang thực hiện. Cách quản lý đào tạo này sẽ giúp người học học tập một cách linh động, uyển chuyển hơn. Tiến sĩ Đỗ Văn Xê đánh giá: “Sinh viên buộc phải ngày càng năng động hơn phù hợp với yêu cầu của xã hội. Cách quản lý đào tạo theo niên chế như trước đây cũng giống như giảng viên, khoa phòng đã dọn sẵn mọi thứ lên bàn ăn cho sinh viên. Còn học chế tín chỉ giống như buổi “tiệc đứng”, sinh viên có thể chọn món ăn phù hợp, yêu thích và đủ chất dinh dưỡng”. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đáng phấn khởi trên, thì trong quá trình thực hiện học chế tín chỉ vẫn còn những mặt hạn chế cần khắc phục.

Tiếp tục hoàn chỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo

 Trang bị máy móc hiện đại đầy đủ đến các Khoa, Trung tâm, Viện giúp sinh viên có điều kiện nghiên cứu, truy cập tài liệu để phục vụ học tập. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐHCT đang truy cập mạng internet. 

Tại hội thảo, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là “làm gì để thực hiện hiệu quả học chế tín chỉ, nâng cao chất lượng đào tạo?”. Nhiều đại biểu đã phân tích, chỉ rõ những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ. Trong đó, điều khiến nhiều cán bộ, giảng viên băn khoăn là thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại so với qui mô sinh viên.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Linh, Phó trưởng Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT&TT), việc đăng ký môn học qua mạng giúp sinh viên tiết kiệm thời gian, công sức nhưng cần cải tiến lại. Bởi vì, hệ thống mạng của trường thường bị nghẽn mạng, khó thực hiện. Tiến sĩ Dương Thái Công, Trưởng Khoa Công nghệ, cũng “than”: “Trang thiết bị thực hành của khoa còn hạn chế trong khi một số môn học có số lượng sinh viên khá đông. Đặc thù của khoa là đào tạo các ngành kỹ thuật, đòi hỏi sinh viên có thời lượng thực hành rất nhiều. Do đó, nếu một số môn học có số lượng sinh viên đăng ký đông thì lãnh đạo trường cho phép khoa từ chối nhận sinh viên”. Trên thực tế, dù được trường đầu tư một số trang thiết bị cho Khoa Công nghệ nhưng so với qui mô sinh viên vẫn còn thiếu máy móc thực hành. Xưởng thực hành vẫn còn một số trang thiết bị đã sử dụng khá lâu, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

Không riêng gì cán bộ, giảng viên mà một số sinh viên cũng cùng quan điểm. Theo bạn Võ Thị Cẩm Quyên, sinh viên khoa Công nghệ, khi đăng ký môn học qua mạng, sinh viên khóa mới vẫn còn gặp khó khăn do hạn chế về trình độ tin học. Tống Thị Mỹ Tiên, sinh viên khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, nói: “Khi tham khảo những môn học tự chọn, lúc đầu em thấy môn A hay nên đăng ký học. Song, trong quá trình học, em lại thấy môn B hay hơn nên muốn thay đổi nhưng rất khó khăn. Mặt khác, vẫn còn thiếu phòng học khi chúng em học một số môn”.

Bên cạnh đó, cán bộ, giảng viên vẫn còn lúng túng khi chuyển từ thang điểm 10 sang điểm chữ (A, B, C, D, F) để đánh giá sinh viên. Ông Nguyễn Phạm Thanh Nam, cán bộ Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, nói: “Nên qui định rõ ràng hơn khi chuyển từ thang điểm 10 sang điểm chữ để đánh giá sinh viên. Bởi vì, ở thang điểm 10, các doanh nghiệp sẽ nhìn vào điểm xếp loại để chọn sinh viên giỏi. Còn nếu lấy thang điểm chữ, qui định từ 8,5 đến 10 điểm là điểm A thì đánh giá sinh viên sẽ chưa chính xác”. Một số cán bộ khác thì cho rằng, việc đánh giá sinh viên theo thang điểm chữ sẽ không khuyến khích sinh viên nỗ lực học tập, vì sinh viên đạt từ điểm 9 đến 10 và sinh viên đạt 8,5-9 điểm cũng ở mức xếp loại giống nhau.

Chương trình, tài liệu, phương tiện giảng dạy, cách chấm thi, trả bài thi cho sinh viên... cũng là những vấn đề khiến nhiều cán bộ, giảng viên và sinh viên quan tâm, lo lắng. Tiến sĩ Trần Ngọc Liên, Trưởng khoa Khoa học, đề nghị: “Trường nên thành lập một bộ phận chuyên môn để thẩm định đánh giá năng lực cán bộ giảng dạy. Bởi vì, việc đánh giá cán bộ giảng dạy qua phiếu đánh giá môn học của sinh viên chưa thực sự chính xác. Mặt khác, việc in ấn chương trình đào tạo nên giao về các khoa quản lý để dễ dàng điều chỉnh cho phù hợp với thực tế”. Tiến sĩ Nguyễn Văn Linh, Phó trưởng Khoa CNTT&TT, đề xuất: “Với những sinh viên học lại môn học bị rớt thì nên chăng áp dụng mức học phí cho môn đó cao hơn so với mức bình thường, nhằm tạo động lực cho sinh viên cố gắng học”. Theo tiến sĩ Linh, trường có thể tính toán tạo nguồn thu từ việc đưa giáo trình lên mạng để khuyến khích cán bộ, giảng viên. Không nhất thiết đưa đề cương chi tiết giáo trình lên mạng mà có thể đưa giáo trình cho sinh viên bằng cách khác. Bộ Giáo và Đào tạo đã có thông tư về chi phí của mỗi giáo trình khi đưa lên mạng để các trường có thể tạo thêm nguồn thu, chi trả cho hoạt động giảng dạy. Cách này, một số trường đại học trên cả nước đã áp dụng.

Bên cạnh đó, một số cán bộ, giảng viên bày tỏ sự lo ngại về tinh thần tự học của một bộ phận sinh viên chưa cao; một số giảng viên chưa đổi mới phương pháp giảng dạy, nhất là khâu quản lý sinh viên của cố vấn học tập... Theo tiến sĩ Trần Ngọc Liên, Trưởng khoa Khoa học, cần hiểu rõ chức năng của cố vấn học tập là hướng dẫn sinh viên cách đăng ký học phần, phê duyệt thay đổi thứ tự học phần của sinh viên... không nhất thiết phải theo sát sinh viên như “bảo mẫu”. Tiến sĩ Nguyễn Văn Linh, Phó trưởng Khoa CNTT&TT, nói thêm: “Cách quản lý hiện nay của cố vấn học tập chưa hiệu quả, nên chăng chỉ có cố vấn học tập chuyên trách, có thể quản lý cùng một lúc 10 lớp...”.

Các đại biểu nhất trí cần tiếp tục có nhiều giải pháp tích cực nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục của trường, vừa làm tiền đề cho các hoạt động tiếp theo, hướng đến đạt chuẩn quốc gia và phát triển trong xu thế hội nhập. Theo tiến sĩ Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, việc chuyển đổi học chế tín chỉ, nhất là việc đánh giá sinh viên qua thang điểm chữ là không mới đối với các trường tiên tiến. Khi thực hiện, cán bộ, giảng viên của trường sẽ thấy “lạ” nhưng thực tế là “chưa quen”. Trong quá trình thực hiện khó tránh khỏi những mặt hạn chế, nhưng không làm thì sẽ không bao giờ hoàn chỉnh được công tác quản lý, đào tạo của trường. Để tạo điều kiện cho sinh viên, giảng viên có điều kiện nghiên cứu, truy cập tài liệu học tập, giảng dạy, Trường ĐHCT đã cấp 1.000 máy vi tính xuống các khoa, trung tâm, viện.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐHCT, nhấn mạnh: “Trường sẽ tiếp tục hoàn chỉnh hơn những mặt còn khiếm khuyết. Để thực hiện thành công việc chuyển đổi sang học chế tín chỉ, đòi hỏi cán bộ, giảng viên toàn trường phải nỗ lực cao. Đồng thời, trường sẽ cố gắng “thắt lưng buộc bụng”, tập trung mọi nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo”.

Bài, ảnh: B.NGỌC

Chia sẻ bài viết