08/05/2018 - 15:05

Kiên Giang: Bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá hoành hành trên lúa Hè Thu

Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đang đối mặt với tình trạng bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá xuất hiện gây hại lúa Hè Thu, với tổng diện tích bị nhiễm bệnh hơn 4.800 ha, tập trung ở các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành, Gò Quao, Hòn Đất và Giang Thành.

Trong đó, hơn 560 ha lúa xuống giống sớm vào tháng 3 không theo khung lịch thời vụ gieo sạ của ngành nông nghiệp khuyến cáo bị nhiễm nặng, từ 20% đến hơn 70%. Dự báo bệnh này tiếp tục tấn công gây hại lúa Hè Thu trên diện rộng.

Bà Nguyễn Thị Nhị ở ấp Một, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao (Kiên Giang) có 1,2 ha lúa Hè Thu gieo sạ vào nửa cuối tháng 3 đang bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, không còn khả năng làm đòng trỗ bông. Chi phí đầu tư sản xuất như: làm đất, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, ngày công lao động,... khoảng 20 triệu đồng cho vụ Hè Thu này coi như không thu lại được.

Bà Nguyễn Thị Nhị cho biết: “Lúa từ 25 ngày tuổi trở đi phát triển chậm lại, vàng lá nên tôi bón phân, xịt thuốc diệt trừ rầy nhưng lúa ngày càng lụn chết dần, đến nay không hồi phục. Vụ Hè Thu này coi như mất trắng”.

Tương tự, nông dân Trần Quốc Tuấn ở cùng địa chỉ trên cũng chẳng vui khi diện tích lúa Hè Thu 1,5 ha của gia đình ông từ đang sinh trưởng, phát triển tốt chuyển sang vàng úa do rầy nâu tấn công. Ông Tuấn bón phân, phun xịt thuốc diệt rầy cứu lúa nhưng không hiệu quả. Ruộng lúa hiện tại gần 50 ngày tuổi nhưng cây lúa chính gần như chết sạch, chỉ còn lại chồi nhánh không phát triển, không khả năng làm đòng, trỗ bông.

Chi phí sản xuất lúa khoảng 30 triệu đồng cho vụ lúa Hè Thu này coi như không thu hồi được, đồng thời phát sinh nhiều hệ lụy khác trong đời sống kinh tế gia đình do mất mùa gây ra.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao, khung lịch thời vụ gieo sạ lúa Hè Thu trên địa bàn huyện này dự kiến ngày 10/4 mới bắt đầu xuống giống ở vùng sản xuất 3 vụ/năm; vùng sản xuất lúa Hè Thu chính vụ gieo sạ tập trung vào những ngày đầu tháng 5. Tuy nhiên, một số hộ nông dân không tuân thủ lịch thời vụ đã gieo sạ sớm hơn, không theo khuyến cáo của ngành chuyên môn mà hệ lụy là lúa bị nhiễm rầy nâu, phát sinh bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

Ông Dương Duy Duyệt, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao cho biết: “Hầu hết diện tích lúa Hè Thu sớm trên địa bàn huyện gieo sạ trong tháng 3 đều bị nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, thiệt hại nặng nhất là xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc với hơn 270 ha. Ngoài ra, do ảnh hưởng thời tiết, điều kiện nắng nóng, khâu chuẩn bị đồng ruộng, các biện pháp kỹ thuật để gieo sạ lúa Hè Thu,… đa phần nông dân không chuẩn bị kỹ.

Thời điểm vừa thu hoạch xong lúa Đông Xuân 2017 - 2018, những hộ dân này bơm nước lên làm đất, tiếp tục xuống giống vụ Hè Thu, không đủ thời gian diệt trừ mầm bệnh, không né được rầy nâu di trú cũng như đảm bảo các điều kiện cần thiết khác cho sản xuất vụ mùa.”

Tiến sĩ Trần Quang Giàu, Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kiên Giang cho biết, hiện nay, diện tích bị nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên lúa Hè Thu sớm của tỉnh khoảng 4.800 ha, chủ yếu do bà con nông dân gieo sạ trước lịch thời vụ, không tuân thủ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.

Đối với bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá hiện nay chưa có thuốc đặc trị do vậy chủ yếu chỉ phòng bệnh bằng cách gieo sạ né rầy. Điều lo ngại hiện nay, những trà lúa đã bị nhiễm bệnh, nhất là những ruộng bị nặng, nhiều bà con nông dân tiếp tục bón phân chăm sóc để mong lúa phục hồi và điều đó hết sức nguy hại.

Hiện, lúa bị bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá không khả năng phục hồi, do vậy việc tiếp tục bón phân chăm sóc chỉ là tạo điều kiện cho nguồn bệnh tiếp tục lây sang những trà lúa lân cận và vụ mùa sau.

Tiến sĩ Trần Quang Giàu khuyến cáo, đối với ruộng lúa nhiễm bệnh nặng phải cày vùi, trục bỏ vì lúa mất khả năng hồi phục để làm đòng, trỗ bông. Đối với các trà lúa bệnh nhẹ, tập trung theo dõi chặt chẽ rầy nâu, chăm sóc lúa bình thường và khi thấy rầy nâu xuất hiện phải xử lý thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” để tránh rầy nâu ở ruộng này đã nhiễm bệnh rồi lây truyền bệnh sang những ruộng lúa khác.

Nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang phối hợp với đơn vị chức năng, các huyện, nhất là những địa phương có diện tích lúa bị nhiễm bệnh triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý phòng và trị bệnh trên lúa hiệu quả; ngăn chặn không để dịch bệnh tiếp tục lây lan gây hại trên diện rộng.

Cụ thể là bố trí cán bộ tổ kinh tế kỹ thuật xã cùng với nông dân bám sát, theo dõi chặt chẽ đồng ruộng, thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm dịch bệnh, nhất là những ruộng lúa gieo sạ không theo đúng khung lịch thời vụ, gieo trồng giống dễ nhiễm bệnh, sạ dày, bón nhiều phân đạm,… để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Ngành chức năng tăng cường điều tra, giám sát, phát hiện và hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ kịp thời để bảo vệ năng suất, không để rầy nâu bùng phát trên diện rộng, hạn chế thấp nhất khả năng lan truyền bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên cây lúa.

Theo đó, huyện Gò Quao cũng như các địa phương đang bị dịch bệnh hoành hành triển khai các giải pháp ngăn chặn, diệt trừ bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá đang gây hại lúa, không để bệnh lây lan trên diện rộng.

Ông Dương Duy Duyệt, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao cho biết: “Huyện tuyên truyền, vận động và yêu cầu các hộ dân cày xới vùi lấp, trục bỏ những ruộng lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá để ngăn chặn, diệt trừ mầm bệnh. Vì cân đối lại thời gian sinh trưởng thì hiện nay các trà lúa nhiễm bệnh này này từ 50 - 60 ngày tuổi, lúa không không phát triển, còi cọc, thấp cây và không còn khả năng trỗ bông cho thu hoạch.

 “Ngoài ra, đối với diện tích lúa nhiễm bệnh dưới 30%, bà con nông dân cố gắng chăm sóc, thực hiện đúng theo quy trình hướng dẫn kỹ thuật của ngành chuyên môn, tiêu hủy nhanh những mẫu lúa, chồi lúa mang mầm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, tiếp tục theo dõi diễn biến, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để ứng phó kịp thời, không chủ quan, lơ là đối với loại dịch bệnh hết sức nguy hiểm này không có thuốc đặc trị”, ông Duyệt khuyến cáo.

Trước tình hình bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá xuất hiện gây hại lúa Hè Thu 2018, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang cũng khuyến cáo bà con nông dân phải hết sức cẩn thận khi sản xuất lúa chính vụ; thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, gieo sạ đúng lịch thời vụ, theo đúng quy trình sản xuất của cơ quan chuyên môn nhằm hạn chế, phòng tránh dịch bệnh phát sinh lây lan gây hại, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa của tỉnh.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết